30/11/2012 - 09:07

Bệnh lý trẻ sinh non và cách chuyển viện an toàn

Một trẻ sinh non nặng chỉ 1.000g được điều dưỡng khoa Sơ sinh của Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ tận tình chăm sóc. Ảnh: M.N

Khoa Sơ sinh của Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ chỉ có 40 giường, nhưng lượng bệnh nhi luôn ở mức trên 100 trẻ/ngày. Những bệnh nhi được các bệnh viện trong và ngoài TP Cần Thơ đưa đến khoa Sơ sinh đều bệnh nặng, cần điều trị theo diện cấp cứu. Vào thời điểm cuối năm số lượng bệnh nhi tại khoa Sơ sinh càng nhiều hơn, đặc biệt là trẻ sinh non (TSN). Để công tác cấp cứu bệnh nhi nói chung và TSN nói riêng đạt hiệu quả cao, Thạc sĩ - bác sĩ Diệp Loan, Phó khoa Sơ sinh của Bệnh viện Nhi đồng thành phố, hướng dẫn:

Bắt đầu từ năm 2011, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chọn ngày 17-11 hằng năm là ngày Thế giới vì trẻ sinh non. TSN là những đứa trẻ được sinh ra vào thời điểm thai nhi nhỏ hơn 37 tuần tuổi (tính từ ngày kinh cuối cùng của người mẹ). Không được bụng mẹ cưu mang "9 tháng 10 ngày" nên TSN phải đối diện với nhiều nguy cơ bệnh tật và tỷ lệ tử vong cao hơn trẻ sinh thường, vì cơ thể chưa phát triển đầy đủ. Hầu hết TSN có nguy cơ mắc các bệnh mãn tính về đường hô hấp, tiêu hóa, thị giác và hệ miễn dịch kém.

Hiện nay khoa Sơ sinh đã thực hiện được một số kỹ thuật cao, để điều trị bệnh cho TSN như, kỹ thuật đặt catheter tĩnh mạch rốn để nuôi ăn, truyền thuốc và thay máu; cho TSN thở máy tần số cao, thở máy dài ngày kết hợp theo dõi và điều chỉnh theo kết quả khí máu. Ứng dụng sử dụng Magie sunfat điều trị cao áp phổi. Nuôi ăn qua tĩnh mạch cho TSN bị bệnh nặng. Tính từ đầu năm đến nay, khoa Sơ sinh đã tiếp nhận gần 400 trường hợp bệnh nhi, hầu hết là TSN được 24 cơ sở y tế trong và ngoài TP Cần Thơ chuyển đến. Khoa đã nỗ lực điều trị và tỷ lệ được cứu sống đạt 87%. TSN được cứu sống nhờ chuyển đến bệnh viện kịp thời.

Trên thực tế TSN thường có bệnh lý đi kèm. Nguy hại nhất là bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non (Retinopathy of premature, viết tắt là ROP) xuất hiện ở 65% số trẻ có cân nặng lúc sinh dưới 1.250g và 80% trẻ có cân nặng lúc sinh dưới 1.000g. Trẻ có tuổi thai càng non, cân nặng lúc sinh càng thấp và thời gian thở máy càng lâu thì càng có nhiều nguy cơ mắc ROP. Các yếu tố nguy cơ khác gồm thiếu vitamin E, thiếu O2 máu kéo dài, kiềm máu, toan chuyển hóa, xuất huyết não, bệnh phổi mạn tính, bệnh màng trong, nhiễm trùng huyết, còn ống động mạch. ROP diễn tiến qua 5 giai đoạn. Đầu tiên là sự xuất hiện đường trắng mỏng ngăn cách võng mạc bình thường và võng mạc chưa phát triển, không có mạch máu. Ở giai đoạn 2, đường viền được thay bằng dải mô sẹo. Thời kỳ tiếp theo, dải mô sẹo tăng sinh ra ngoài võng mạc. Sau đó là giai đoạn bong võng mạc một phần do mô sẹo co rút. Cuối cùng, võng mạc bong hoàn toàn. Hiện nay, các trường hợp bệnh nhi sinh non đều được bệnh viện kiểm tra, tầm soát ROP. Trường hợp phát hiện trẻ bị ROP cần điều trị, bệnh viện sẽ chuyển lên tuyến trên (Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh) để điều trị tích cực bằng tia Laser. Thực tế, có trường hợp phụ huynh do hoàn cảnh khó khăn nên có tâm lý ngần ngại không muốn chuyển viện, vì thấy con mình đã phục hồi sức khỏe, có phản xạ bú tốt. Đây là việc cực kỳ nguy hiểm cho bé, vì nhiều trường hợp trẻ dưới 6 tuổi bị mù mắt là do sinh non và không điều trị ROP kịp thời.

Ngoài ra, phụ huynh cũng cần cẩn trọng với triệu chứng thường gặp ở trẻ sơ sinh là vàng da, vì có 2 dạng vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý. Vàng da sinh lý xuất hiện trong vòng 1 tuần sau khi trẻ ra đời, do các hồng cầu của thai nhi bị phá hủy để được thay thế bằng hồng cầu trưởng thành. Khi hồng cầu bị vỡ, một lượng lớn Bilirubin (chất có sắc tố màu vàng), được phóng thích vào máu, làm cho trẻ bị vàng da. Hiện tượng ngày sẽ tự khỏi sau từ 7- 10 ngày, khi chất Bilirubin được đào thải hết qua phân và nước tiểu. Còn vàng da bệnh lý do chất Bilirubin tăng quá cao và thấm vào não (y học gọi là vàng da nhân). Tình trạng này rất nguy hiểm, có thể làm cho trẻ bị hôn mê, co giật, dẫn đến tử vong hoặc di chứng về tâm thần vận động vĩnh viễn. Trường hợp bệnh nặng là da TSN bị vàng sậm, lan xuống tay, chân (những trẻ sinh ngạt cũng dễ bị vàng da nặng). Bệnh viện sẽ điều trị tích cực bằng các phương pháp sau: Chiếu đèn: Ánh sáng của đèn biến Bilirubin thành chất không độc và được thải nhanh ra khỏi cơ thể qua đường tiêu hóa, đường tiểu; Thay máu: lấy bớt chất Bilirubin ra khỏi cơ thể một cách nhanh chóng.

Tóm lại, để TSN được phục hồi sức khỏe, yêu cầu bức thiết nhất là công tác chuyển viện phải đảm bảo an toàn. Cụ thể, bé phải được giữ ấm trong suốt quá trình chuyển viện, phải đặt bé ở vị trí thông thoáng để bé có đủ nguồn oxy, người chuyển viện phải thường xuyên theo dõi nhiệt độ, màu sắc niêm mạc da, nhịp thở, mạch. Quan trọng nhất là chuyển viện kịp thời và trước khi chuyển viện nên liên lạc với khoa Sơ sinh Bệnh viện Nhi đồng qua số điện thoại 07103731004-25, điều dưỡng của khoa sẽ chuẩn bị sẵn giường tiếp nhận bệnh (vì khoa luôn trong tình trạng quá tải), đảm bảo cấp cứu an toàn.

Đình Khôi (lược ghi)

Chia sẻ bài viết