04/08/2018 - 17:23

Kể chuyện

Bến Ninh Kiều 

“Kể chuyện Bến Ninh Kiều” là quyển sách vừa ra mắt của nhà nghiên cứu Nhâm Hùng, do NXB Đại học Cần Thơ ấn hành. Quyển sách là những tư liệu phong phú trong quá khứ cũng như hiện tại của một thắng cảnh là niềm tự hào của đất và người Cần Thơ.

Sách “Kể chuyện Bến Ninh Kiều”.
Sách “Kể chuyện Bến Ninh Kiều”.

Tác giả Nhâm Hùng đưa người đọc về những buổi đầu thuở lập đạo Trấn Giang. Sau đó là những dấu ấn của Bến Ninh Kiều thuở xưa với tên gọi Bến Thương Mại, Bến Hàng Dương. Chuyện kể rằng, sau hơn 20 năm người Pháp đặt cơ quan đầu não cấp hạt, không gian - hạ tầng đô thị Cần Thơ hình thành với con đường lộ xuyên tâm Cần Thơ gắn liền hệ thống cầu tàu, bến chợ, bến đò…

Đường lộ đầu tiên, người Pháp đặt tên Route de Quai, tức đường Mé Sông, nay chính là đường Hai Bà Trưng. Song song đó, phía dưới bến sông người Pháp đặt gọi là Bến Thương Mại, vì nơi đây là khu vực chuyên mua, bán. Người Pháp đặt tên Quai de Commerce. Đây cũng là tên gọi chính thức đầu tiên của Bến Ninh Kiều cách đây một thế kỷ. Con đường Mé Sông trồng hàng xoài, sau được thay bằng hàng dương xanh mát, nên dân gian thường kêu Bến Hàng Dương. Khu vực chợ Cần Thơ cạnh đó cũng được gọi chợ Hàng Dương. Đồng hành cùng sự phát triển của đô thị Cần Thơ, Bến Ninh Kiều dần trở thành “trái tim thành phố”, để thương để nhớ cho người bản xứ và những ai một lần đặt chân tới đất Tây Đô. Đẹp sao câu ca:

“Cần Thơ có Bến Ninh Kiều
Có dòng sông đẹp với nhiều giai nhân”

Trong sách, tác giả Nhâm Hùng lần lượt điểm qua vị thế quan trọng của Bến Ninh Kiều từ xưa đến nay, những công trình góp phần điểm tô cho thắng cảnh miền sông nước như Chùa Ông, nhà lồng chợ Cần Thơ, đèn ba ngọn, bến tàu khách, cầu đi bộ…

Bến Ninh Kiều còn gợi cảm, gợi tình cho bao thi nhân mặc khách. Đầu tiên là những bài thơ ca ngợi vẻ đẹp Bến Ninh Kiều đăng trên các báo vào đầu thập niên 1960. Rồi còn có những ca khúc để đời, đi vào lòng người. Đó là “Trên dòng sông Hậu” (hay “Chiếc áo bà ba”) của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh với lời lẽ đầy tình tự: “Đàn én chao nghiêng xôn xao mùa lúa nhiều. Về bến Ninh Kiều thấy chàng đợi người yêu…”. Ngay những năm đầu mới giải phóng, nhạc sĩ Phạm Tuyên từ Hà Nội vào Cần Thơ, đứng trên Bến Ninh Kiều- ông đã cảm xúc viết nên bài “Cần Thơ một khúc ca”, để lại một dấu ấn âm nhạc khó phai: “Có phải ngày xưa con sông Hậu hiền hòa. Đêm trăng nước dệt tiếng đàn cùng lời thơ. Hay đôi bờ ngát xanh hoa trái ngọt. Nghe tiếng ai hò văng vẳng giữa đêm khuya…”. Hay với nhạc sĩ Sơn Hà, người con của quê hương Cần Thơ- Hậu Giang, cũng từng “Nhớ Cần Thơ” với câu hát: “Chợ tan qua Bến Ninh Kiều thăm em”!...

Thời gian lẳng lặng trôi mau, chuyện về Bến Ninh Kiều sẽ còn được kể mãi, trong lòng những ai yêu mến Cần Thơ.

DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết