18/12/2022 - 12:43

Bên dòng Hà Thanh 

Truyện ngắn: Trương Thị Thúy

 

Vừa chuyển đến buổi sáng, ngay buổi chiều ông Bình đã đi chào hỏi hàng xóm và thăm thú xung quanh. Ngôi nhà mới của ông nằm ngay cạnh sông Hà Thanh, cách một đường bê tông chừng 2 mét. Ông thích dòng sông này, ngôi nhà hướng mặt ra sông, chiều chiều ông sẽ ngồi phía bờ sông, ngay dưới gốc cây đầu ngõ mà hóng gió. Dễ chịu biết chừng nào. Đó là ông nghĩ vậy lúc xem nhà, quyết định rời phố thị khi cả ông và bà đều về hưu, để ngôi nhà ở phố cho vợ chồng con trai. Ông luôn muốn về quê sinh sống. Vùng đất bao đời nay vẫn luôn hiền hòa, yên bình. Ông thuyết phục các con:

- Chừng nào ba mẹ không còn đủ sức tự lo cho mình nữa, thì lại lên phố ở, cậy nhờ con.

Với hội bạn già thì ông nói vui:

- Vợ chồng già cũng cần có không gian riêng chứ. Ở với các con rồi tôi lại phải chia sẻ bà ấy cho các cháu.

Với vợ thì ông thủ thỉ:

- Về quê sống cho thanh bình, ở đây ồn ào, không tốt cho bệnh mất ngủ của bà. Lúc nào nhớ con mình lại lên phố dăm bữa nửa tháng. Mình cũng phải để cho con có không gian riêng tư chứ. 

Bà nghe phải, hội bạn già thấy có lý, các con thấy cũng đúng. Tất cả đồng ý với quyết định của ông. Ông nhờ đứa cháu họ ở quê tìm cho ông ngôi nhà. Ông cứ ngồi ở nhà, lướt điện thoại "thăm nhà" qua những bức hình đứa cháu gửi. Ông dừng lại ở ngôi nhà có cánh cổng màu xanh, bên trên giàn sử quân tử đang nở hoa từng chùm, phía trước nhà là dòng Hà Thanh. Ông chốt luôn. Nhà cạnh sông, tha hồ mát mẻ. Mà con sông Hà Thanh thì ông quá rõ rồi, nước trong xanh, mùa khô cũng không bao giờ cạn trơ đáy. Ông chốt nhà xong, muốn nhanh chóng dọn về, sửa sang ngôi nhà chuẩn bị cho một năm mới đang cận kề. Đợt này, ông tính đón con cháu về quê ăn Tết.

Suy tưởng và thực tế đôi khi khác xa nhau quá. Đi chào hàng xóm xong, ông Bình tản bộ trên con đường nhỏ dọc bờ sông, vừa là để hóng gió, vừa để tìm lại kỷ niệm với quê hương mấy chục năm về trước. Nhưng sự thật chẳng chiều lòng người, cơn gió thổi hắt từ sông mang theo một mùi tanh tanh xộc vào mũi. Ông muốn đi nhanh về nhà, đóng cửa, bật quạt, nằm xem ti-vi cho khỏe. Nhưng mà cái tính của ông chẳng để cho ông được toại nguyện. Ông chặc lưỡi, bước gần bờ sông nhìn xuống, sát mép bờ kè dập dềnh một xác con chuột cống rất to. Mùi hôi thối ở đó cứ theo gió mà xộc lên. 

Ông Bình đi nhanh về nhà, lấy khẩu trang đeo lên, nhờ vợ đưa cho đôi bao tay, mấy cái bao chắc chắn rồi đi ra bờ sông. Sau khi mang xác con chuột đi xử lý, ông mới để ý kỹ, thấy dòng Hà Thanh không còn là dòng sông trong lành của tuổi thơ ông ngày nào nữa. Rác thải dập dềnh ngay bên bờ. Hai bên bờ sông, nhà nhà đã san sát. Chỉ cần một vài người không ý thức thì dần dần dòng sông sẽ biến thành sông đen mất thôi.

Ngay chiều hôm đó, ông Bình kiếm một cây tre dài chắc khỏe, buộc thêm cái rổ nhỏ. Ông đi vớt tất cả những bọc ni lông, chai nhựa, rác thải... dạt vào gần bờ. Qua một buổi chiều mệt nhọc, khúc sông trước nhà ông có vẻ đã sạch hơn. Nhưng chưa được bao lâu thì rác lại từ phía trên theo con nước trôi về. Ngay lúc ông đang bất lực, đứng nghĩ ngợi mà chưa nghĩ được gì, thì hai học sinh đi học về qua, tay cầm theo ly nước tắc. Vừa trò chuyện vui vẻ vừa uống. Đi qua ông, hai học sinh nhẹ cúi chào. Ông cười đáp lại, nhưng nụ cười vụt tắt khi thấy hai đứa nhỏ vô tư liệng bọc và ly nước tắc đã uống hết xuống dòng sông. Ông kêu lại, rầy:

- Hai cháu không nên bỏ rác bừa bãi như vậy chứ. Ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến các loại sinh vật sống dưới nước, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng nữa. Chẳng lẽ điều này hai đứa không được học sao?

- Dạ có - hai học sinh cúi mặt lí nhí đáp.

- Vậy ông cho hai đứa mượn đồ vớt rác này nè, sẵn còn gần bờ, vớt lên đi. 

Mấy người quanh xóm thấy ông quạu, rầy tụi nhỏ, cũng vây ra hóng chuyện. Rồi mỗi người góp vài câu bình luận về chuyện rác thải dưới dòng sông. Khi nghe ông nói về việc giữ gìn vệ sinh chung, bắt đầu bằng việc cùng nhau làm sạch dòng Hà Thanh thì có người thì thào với nhau rằng ông rảnh quá rảnh rồi, già rồi không lo nghỉ ngơi còn lo chuyện bao đồng, rằng dọn rác dưới sông bao giờ cho hết, nhất là khúc này lại là khúc cuối dòng. Ông nghe hết, chỉ lắc đầu cười trừ. An ủi là vẫn có một số người đồng ý với ông. Họ cùng ông vớt rác lên, thu gom lại, chờ xe lấy rác đi qua thì cùng nhau khiêng bỏ lên.

Từ đó người ta vẫn thấy ông Bình cùng một nhóm bà con hàng xóm lặng lẽ làm "người dọn rác không công" như một công việc thường nhật. Người ta thấy dòng Hà Thanh khúc xóm ông ở ngày một sạch hơn, không còn tình trạng lâu lâu lại bốc mùi hôi thối do có xác những con vật chết nữa. Người ta cũng ngại khi cứ thấy ông và một số người vui vẻ dọn rác dọc dòng sông mà không bao giờ kêu than điều gì, nên khi thấy rác tấp vô chỗ nhà mình cũng tự thu gom lại cho sạch. Người ta lặng lẽ nhắc nhở nhau giữ gìn vệ sinh chung.

Qua một thời gian, ông Bình để ý thấy càng ngày càng nhiều người không bỏ rác bừa bãi xuống dòng sông nữa thì vui lắm. Ông tính đến chuyện sẽ kêu gọi mọi người hạn chế sử dụng túi ni lông, rồi rủ mọi người trồng thêm cây xanh bên đường dọc con sông của xóm. Nhưng tính là tính vậy, ông còn phải nghĩ cách làm sao để mọi người hưởng ứng thật đông, tốt nhất là nhất trí trăm phần trăm.

Một hôm, sau khi cùng hàng xóm vớt rác, ông đang ngồi thả câu tại gốc cây đầu xóm, thì có nhóm bạn trẻ mặc áo xanh đến, giới thiệu với ông là đoàn viên thanh niên, nghe nói những việc làm của ông và mọi người, nên đã lên một kế hoạch. Các bạn trẻ thay nhau nói như vầy:

- Tụi cháu sẽ đi từng nhà dọc dòng sông ở xã mình, vận động giữ gìn vệ sinh môi trường như không bỏ rác bừa bãi, sử dụng lá gói, giấy báo hoặc những vật liệu dễ phân hủy, thân thiện với môi trường thay cho túi ni lông.

- Tụi cháu cũng xin xã cho đặt các thùng rác công cộng dọc các tuyến đường. Ví như dọc con sông Hà Thanh qua xã mình có thể đặt hai đến ba chục thùng, vừa để nhắc nhở mọi người không bỏ rác bừa bãi, vừa dễ thu gom rác.

- Tụi cháu mong ông cùng tham gia kế hoạch này...

Ông Bình chăm chú lắng nghe, rồi bật cười khà khà:

- Tuổi trẻ các cháu suy nghĩ hơn hẳn lớp già của ông. Ông hoàn toàn đồng ý. Ông nghĩ mọi người sẽ đồng lòng hưởng ứng thôi. Giữ sạch đẹp nơi mình sinh sống là việc tốt, việc nên làm mà. Ai lại đi từ chối! Phải không?

Bỗng chiếc phao câu bị kéo chìm xuống, ông vội giật cần lên, con cá theo đà dây câu tung mình lên cao rồi rơi tõm xuống làn nước lặn biến đi. Ông Bình đứng ngây người nhìn dòng Hà Thanh đang lững lờ trôi. Rồi ông bật cười vui vẻ:

- Hà Thanh ơi, dòng trong của tôi về rồi!

Chia sẻ bài viết