22/07/2018 - 07:47

Bên bờ Thạch Hãn 

CHI LAN

Những ngày đầu tháng 7, tôi lại trở về thăm Thành Cổ Quảng Trị. Buổi sáng, trời trong xanh, nắng mùa hè vẫn chói mắt trong từng đợt gió khô hanh. Ngồi trong quán cà phê “Thoáng xưa” phía trước Thành Cổ, lòng lại bâng khuâng nhớ lần đầu đến nơi này. Hình như đã hơn mười năm trước. Đó là những ngày tuyến đường Hồ Chí Minh vừa hoàn thành. Nhiều năm qua rồi, vậy mà khi đứng trước bức tường thành này, cảm xúc vẫn vẹn nguyên như năm nào đứng trước ngọn tháp cao vút, nghe anh chiến sĩ trẻ nói chuyện về nơi này. Tôi không muốn dùng từ thuyết minh bởi từng lời, từng câu chuyện của anh bộ đội có lẽ chưa từng đi qua chiến tranh, lại ngập tràn cảm xúc khiến người nghe mắt cứ rưng rưng.

Còn nhớ, khi đứng trước lễ đài, người chiến sĩ còn rất trẻ nói về ngọn tháp thiêng cao vút lên trời, bên cạnh một giếng nước hình trăng âm vào lòng đất như một sự tương hợp của âm dương, của lưỡng nghi; mới hiểu tấm lòng của những người còn sống sau cuộc chiến. Bằng kiến trúc mang đậm chất triết lý phương Đông, những người xây dựng ngọn tháp thiêng mong sao anh hồn những chiến sĩ sẽ bay lên cõi vĩnh hằng, hòa vào “hạo khí anh linh” của đất nước.

Nhiều năm trước tôi đến Thành Cổ vào một sáng mưa bão, đứng bên ngọn tháp thiêng nghe anh bộ đội trẻ nói chuyện trong từng cơn gió thổi ào ào lạnh buốt, về bao nấm mồ tập thể dưới chân mình, về mảnh đất “đến một viên gạch cũng không còn nguyên vẹn”. Tôi cũng chạm lên từng khối đá vuông tạc văn bia ghi dấu 81 ngày đêm chiến đấu hào hùng của Quảng Trị năm 1972 mà nghe như máu đang chảy sục sôi trong cơ thể, như từng dòng máu năm xưa tuôn xuống đất này vẫn nóng bỏng… Tôi đã nhìn thấy trong khu tham quan những nụ cười vượt qua bom đạn của những người “mãi mãi tuổi thanh xuân” trên từng khung hình; nhìn cha con lão ngư dân đêm đêm đưa bộ đội vào Thành Cổ chiến đấu trên sông Thạch Hãn, nay chỉ còn là những nụ cười đọng lại, thật yêu đời và lạc quan, khiến ta trào nước mắt kính trọng.

Mấy mươi năm trôi qua, địa danh Thành Cổ và những người nằm xuống nơi đây đã trở thành một cõi lưu niệm thiêng liêng trong lòng mọi người Việt Nam, một điểm hẹn truyền thống của bao thế hệ.

***

Buổi sáng hôm nay, tôi vẫn theo con đường cũ bước vào khu Thành Cổ. Cổng thành đã được phục chế như nguyên gốc. Con đường dưới một mái vòm tròn, hai bên là hàng cây xanh tỏa bóng. Những hình ảnh của năm nào vẫn vẹn nguyên. Chúng tôi tìm đến “Bến thả hoa” bên bờ Nam. Trong nhà kỷ niệm, những bình hoa còn tươi rói, hương khói vẫn không ngớt trên bàn thờ. Không chỉ người dân Quảng Trị mà người từ khắp nơi, ai có dịp qua đây đều có thể thả bè hoa, thắp hoa đăng. Dòng Thạch Hãn “Đáy sông còn đó bạn tôi nằm”(*) lại nồng ấm ngày hội thả đèn vào tháng 7. Từng chiếc bè nhỏ kết lại với rất nhiều đèn nến sẽ được thả đầy trên mặt sông, lấp lánh sáng ngời như cả một dòng sông hoa trải dài nỗi nhớ thương, ngậm ngùi dằng dặc trong tim những người còn lại.

Tôi đứng trên “Bến thả hoa” bên bờ Nam sông Thạch Hãn, nhìn qua bờ Bắc, phía sau gian nhà mái đỏ mới lợp giống hệt bên này, là một tượng đài đá trắng  hình ngọn tháp thiêng vươn lên trời xanh hòa với màu nước dưới sông tạo nên một hình ảnh tuyệt đẹp trong nắng sáng. Xa xa, mấy chiếc thuyền nan trôi nhẹ trên sông thanh bình, êm ả. Nhắm mắt lại, tôi hình dung ra những chiếc đèn thắp sáng cả một vùng “non Mai sông Hãn” những ngày sắp tới.                    

(*) Thơ Lê Bá Dương

Chia sẻ bài viết