03/02/2008 - 21:49

Bay xa hương vị bánh tét Trà Cuôn, tôm khô Vinh Kim

Từ thị xã Trà Vinh, xuôi theo Quốc lộ 53 về huyện Cầu Ngang, khách phương xa sẽ bị hấp dẫn bởi hai làng nghề chỉ cách nhau 3km, nổi tiếng với hai món đặc sản: bánh tét Trà Cuôn và tôm khô Vinh Kim. Vị thơm, ngọt đậm đà của tôm khô Vinh Kim và bánh tét Trà Cuôn với nếp dẻo, nhân bánh thơm ngon độc đáo đã làm bao khách phương xa thêm quyến luyến món ăn quà quê.

Bánh tét Trà Cuôn tự tin đi xa

Làng nghề bánh tét Trà Cuôn (chợ Trà Cuôn, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang) nằm trên tuyến Quốc lộ 53, cách trung tâm thị xã Trà Vinh khoảng 12 km, từ hơn một tháng nay sôi động hẳn lên. Chị Mai Thị Hoàng Lý, Chủ cơ sở làm bánh tét có qui mô lớn nhất làng nghề, cho biết: “Càng cận Tết, bánh tét càng đắt hàng. Mỗi ngày, cơ sở của tôi cho ra lò khoảng 1.000 đòn bánh. Riêng trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tý năm 2008, tôi đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các công ty, doanh nghiệp, chợ đầu mối ở ĐBSCL, TP HCM và cả các kiều bào từ nước ngoài về quê ăn Tết”. Bánh tét Trà Cuôn có 3 loại, loại nhỏ có trọng lượng 900 gr, giá 10.000 đồng/đòn, loại trung 1,2 kg giá 15.000 đồng/đòn và loại lớn 1,5 kg giá 18.000 đồng/đòn.

Gian hàng bánh tét của chị Lý ở khu vực chợ Trà Cuôn.

Nhiều chủ lò bánh tét cho biết, trước đây bánh tét Trà Cuôn được làm từ loại nếp sáp địa phương. Hiện nay, nhu cầu ngày càng tăng cao, nguồn nếp địa phương không đủ cung cấp nên các lò bánh phải nhập nếp sáp của Thái Lan để làm bánh. Năm nay, giá các loại nguyên vật liệu làm bánh (nếp, đường, đậu, thịt heo...) đều tăng từ 1,5-2 lần so với năm trước, lợi nhuận của các lò bánh bị sụt giảm. Nhưng nhờ lượng bánh tiêu thụ tăng nhiều so với năm rồi nên cũng bù đắp được phần nào.

Theo chị Mai Thị Hoàng Lý, để làm được đòn bánh tét ngon, người làm phải trải qua nhiều công đoạn. Từ khâu đầu đem nếp đi vo (khoảng 6-7 nước), để cho ráo nước, sau đó trộn đều với nước lá rau ngót (loại rau ngót dùng nấu canh) để tạo màu tươi và có mùi thơm. Thịt nạc, mỡ heo, lòng đỏ trứng vịt muối và đậu xanh là những nguyên liệu chính làm nhưn bánh tét. Nếp dẻo, thơm, ngon, gia vị độc đáo, người gói khéo tay và có “bí quyết” đã làm nên nét đặc trưng của bánh tét Trà Cuôn.

Bánh tét Trà Cuôn ngoài hương vị độc đáo còn có thể bảo quản được lâu (7-8 ngày). Nhiều kiều bào về quê ăn Tết còn mang bánh tét Trà Cuôn sang tận trời “Tây” để kiều bào xa quê thưởng thức hương vị độc đáo của quê nhà.

Hiện nay, chợ bánh tét Trà Cuôn có trên 12 sạp bán lẻ, tiêu thụ từ 1.000 - 1.500 đòn bánh/ngày. Khách hàng chủ yếu là người dân thị xã Trà Vinh, khách du lịch từ TP HCM và các tỉnh ĐBSCL. “Bánh tét Trà Cuôn giờ đã có uy tín, mỗi ngày có hàng ngàn đòn bánh tét tới tay người tiêu dùng. Xây dựng một thương hiệu cho bánh tét Trà Cuôn là việc cần làm. Chúng tôi đang xúc tiến thủ tục xây dựng thương hiệu cho làng nghề, để đưa sản phẩm đi xa hơn nữa”. Ông Lê Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang, lạc quan nói.

Đậm đà hương vị tôm khô Vinh Kim

Cách làng nghề bánh tét Trà Cuôn khoảng 3km là làng nghề tôm khô Vinh Kim (xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang) với đặc sản tôm khô nổi tiếng hàng chục năm qua. Bà Trần Thị Khâm, trên 72 tuổi, là một trong những người khởi xướng nghề làm tôm khô Vinh Kim, nói: “Tôm khô Vinh Kim do người dân sử dụng con tôm bạc đất tự nhiên đánh bắt bằng lú, đáy, xà-ngom... ở cánh đồng Vinh Kim để chế biến. 1 kg tôm khô thành phẩm cần đến 10 kg tôm đất tươi và được chế biến qua nhiều công đoạn rất công phu: chọn loại tôm tươi sống, luộc đúng lửa, phơi đúng cách và đúng độ nắng. Nhờ đó, khi chế biến thành phẩm, tôm khô giữ nguyên màu đỏ, không bị bủn, gãy đôi hoặc vụn nát và có hương vị thơm ngon đậm đà rất riêng. Nếu bảo quản tốt, tôm khô Vinh Kim có thể để lâu cả năm mà không mất màu hay mất mùi vị.

Nhiều chủ lò bánh tét ở Trà Cuôn nhìn nhận người có công khởi nghiệp làng nghề bánh tét Trà Cuôn là bà Thạch Thị Lý, người dân tộc Khmer ở xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh). Năm nay, bà Lý đã ngoài 70 tuổi và có trên 37 năm làm nghề gói bánh tét. Nhờ nghề này bà đã nuôi dạy được 12 người con khôn lớn.

Tôm khô Vinh Kim được xem là món “đặc sản” không thể thiếu trong nhiều gia đình ở Trà Vinh. Kiều bào và du khách nước ngoài cũng xem tôm khô Vinh Kim là món ăn khoái khẩu không thể thiếu vào dịp Tết Nguyên đán, ngày giỗ, lễ hội... Vì vậy, sức tiêu thụ tôm khô Vinh Kim ngày càng tăng, giá cũng tăng. Tôm khô loại I có giá 500.000-550.000 đồng/kg; loại II giá 450.000-480.000 đồng/kg... nhưng vẫn không đủ hàng để bán, nhiều hộ phải đặt mua trước vài ngày mới có.

Theo ông Đỗ Văn Khê, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang, thị trường tiêu thụ tôm khô Vinh Kim trong và ngoài nước ngày càng được mở rộng là điều đáng mừng. Huyện đang khẩn trương qui hoạch khoảng 5.000 ha chuyên tôm - lúa, đồng thời có chiến lược phát triển làng nghề về lâu dài như: tạo nguồn vốn, chuyển giao công nghệ, liên kết sản xuất... để nâng cao chất lượng đặc sản tôm khô Vinh Kim.

Bài, ảnh: QUỐC DŨNG

Chia sẻ bài viết