ÐỨC TRUNG
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Kazakhstan Shukhrat Nuryshev, Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu đã triển khai 2.500 binh sĩ gìn giữ hòa bình sang Kazakhstan hỗ trợ an ninh giữa làn sóng biểu tình bạo loạn gây bất ổn đất nước Trung Á này. Thậm chí, các phương tiện truyền thông Nga cho hay chỉ riêng Mát-xcơ-va đưa tới quốc gia láng giềng 3.000 quân làm nhiệm vụ bảo an trong khuôn khổ CSTO.
Hãng tin AP cho biết đây là lần đầu tiên CSTO triển khai chiến dịch chủ động can thiệp kể từ khi được tuyên bố thành lập hồi giữa những năm 1990 sau khi Liên Xô tan rã. Khối này trên thực tế được hình thành vào năm 2002, chỉ vài tháng sau khi Mỹ khai chiến lật đổ chế độ Taliban ở Afghanistan sau sự kiện ngày 11-9-2001. Ðến năm 2009, CSTO thành lập lực lượng phản ứng nhanh gồm 20.000 quân nhân, trong khi một đơn vị gìn giữ hòa bình 3.000 thành viên của khối được Liên Hiệp Quốc công nhận. Giới chuyên gia cho rằng năng lực tác chiến của CSTO phụ thuộc vào sức mạnh của Nga, như Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) trông cậy vào siêu cường quân sự Mỹ. Pascal Ausseur, một quan chức quốc phòng cấp cao của Pháp so sánh CSTO là “một di tích của Hiệp ước Warsaw trong kỷ nguyên Chiến tranh lạnh và nay là “một mini-NATO”.
Kazakhstan nắm giữ vị thế chiến lược quan trọng mà các cường quốc đều thèm muốn. Kazakhstan sở hữu 12% trữ lượng uranium và 43% sản lượng quặng uranium của thế giới. Nước này là nhà xuất khẩu dầu thô lớn thứ 9 và có trữ lượng khí thiên nhiên đứng thứ 15 thế giới, đồng thời là nước lớn nhất và giàu có nhất, chiếm hơn 70% GDP của khu vực Trung Á.
Với Nga, Kazakhstan càng có vai trò đặc biệt hơn. Hai nước có chung đường biên giới dài đến 7.600km. Cùng với Belarus và Nga, Kazakhstan nằm trong Liên minh Kinh tế Á - Âu (theo kiểu Liên minh châu Âu) được Tổng thống Vladimir Putin tích cực vun đắp năm 2015. Nur-Sultan thừa hưởng sân bay vũ trụ Baikonur từ thời Liên Xô và được Mát-xcơ-va thuê với giá 115 triệu USD/năm. Quốc gia Trung Á này còn có cứ địa Sary Shagan, một phần của bãi thử tên lửa tầm xa Kapustin Yar của Nga. Ngoài ra, Nga cũng đang hy vọng sớm triển khai kế hoạch xây dựng nhà máy năng lượng hạt nhân đầu tiên tại Kazakhstan. Vì thế, sự bất ổn tại đây được coi là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh và lợi ích của Mát-xcơ-va.
Một đặc điểm đáng chú ý là người dân gốc Nga có khoảng 3,5 triệu người sống tại các tỉnh phía Bắc Kazakhstan, quốc gia có tổng dân số khoảng 19 triệu người. Ðã có những tin đồn rằng Nga có khả năng sáp nhập các phần lãnh thổ đó như trường hợp bán đảo Crimea của Ukraine. Tuy nhiên, Nga không có căn cứ quân sự tại Kazakhstan, nơi mà giới chính trị luôn giữ khoảng cách, thể hiện sự độc lập và cân bằng giữa các thế lực bên ngoài.
Có ý kiến nhận định Nga có thể biến cuộc khủng hoảng nghiêm trọng thành cơ hội hiện diện quân sự lâu dài tại Kazakhstan. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 7-1 mỉa mai rằng “một bài học trong lịch sử gần đây là một khi những người Nga vào nhà bạn, đôi lúc rất khó để yêu cầu họ trở ra”. Ðáp lại, Bộ Ngoại giao Nga chia sẻ: “Nếu ông Antony Blinken thích những bài học lịch sử thì hãy để ông ấy biết một bài học này: một khi những người Mỹ vào nhà bạn, thì đôi lúc rất khó để bạn
sống sót”.