02/10/2010 - 09:55

Bất ổn Ecuador

Tổng thống Rafael Correa mang mặt nạ chống hơi độc khi được giải thoát khỏi bệnh viện. Ảnh: AFP

Tổng thống Ecuador Rafael Correa ngày 30-9 đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong vòng 5 ngày do hành động bạo loạn của một bộ phận cảnh sát tại quốc gia Nam Mỹ này, đồng thời khẳng định một âm mưu đảo chính nhằm lật đổ ông đang được tiến hành.

Tình trạng bất ổn bắt đầu vào sáng 30-9 khi một số thành viên quân đội và cảnh sát bỏ việc, phản đối Luật Dịch vụ công vừa được Quốc hội Ecuador thông qua, trong đó có điều khoản cắt giảm những khoản trợ cấp, tiền thưởng cho các lực lượng vũ trang. Nhóm bạo loạn cho rằng cải cách hành chính này ảnh hưởng tới quyền lợi kinh tế của họ, mặc dù thống kê chính thức cho thấy dưới thời Tổng thống Correa, lương của nhân viên cảnh sát đã tăng từ 75% đến 84,9%. Khoảng 300 thành viên Không lực Ecuador đã chiếm sân bay quốc tế ở Thủ đô Quito và phong tỏa đường băng, đóng cửa sân bay trong 9 giờ liền. Biểu tình nhanh chóng lan rộng tới các thành phố khác, khiến nhiều con đường bị phong tỏa và bạo động xảy ra. Các ngân hàng đóng cửa sau khi một vài nơi bị cướp phá. Tại hai thành phố lớn khác là Guayaquil và Cuenca, cảnh sát chiếm các tòa nhà chính quyền, đốt vỏ xe và kích hoạt hơi cay.

Trong nỗ lực giải tỏa căng thẳng, Tổng thống Correa đã tới một doanh trại cảnh sát sáng 30-9. Trong khi đang kêu gọi nhóm cảnh sát bất mãn đối thoại, ông Correa bị xịt nước và hơi cay vào người, phải vào bệnh viện trong tình trạng gần ngạt thở. Vài giờ sau đó, hàng chục cảnh sát nổi loạn đã bao vây bên ngoài bệnh viện quân sự tại Quito và đốt nhiều vật dụng dễ cháy, cũng như sử dụng hơi cay để ngăn cản đoàn người ủng hộ chính phủ tiếp cận bệnh viện. Chiều cùng ngày, quân đội Ecuador đã phải nổ súng và dùng lựu đạn cay trong cuộc đụng độ kéo dài hơn một giờ để giải thoát ông Correa, đưa về phủ tổng thống ở trung tâm Thủ đô Quito. Tại đây, ông Correa cho biết ít nhất 1 binh sĩ thiệt mạng trong cuộc chạm trán và 6 người bị thương. Ông cáo buộc các đối thủ chính trị đã kích động nhóm cảnh sát trên và sự kiện này là một “âm mưu đảo chính”.

Từ thập niên 1990, Ecuador nổi tiếng là quốc gia bất ổn nhất Nam Mỹ. Trước khi ông Correa thắng cử tháng 1-2007, nước này đã thay đổi 10 tổng thống trong vòng 10 năm, trong đó 3 tổng thống gần nhất bị phế truất do các vụ biểu tình đường phố chống chính phủ. Khi lên nắm quyền, ông Correa, một chuyên gia kinh tế 47 tuổi được đào tạo ở Mỹ, đã tránh được “vết xe đổ” của những người tiền nhiệm. Ông đã thúc đẩy thông qua hiến pháp mới và tăng quyền kiểm soát của chính phủ đối với ngành dầu khí, cũng như thực hiện chính sách vì người nghèo. Điều đó đã giúp ông dành được sự ủng hộ của dân Ecuador trong hầu hết các quyết sách, trong đó có việc trục xuất 2 nhà ngoại giao Mỹ và không gia hạn căn cứ quân sự của Mỹ ở nước này. Nguồn thu từ dầu khí tăng mạnh (Ecuador là thành viên nhỏ nhất của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ - OPEC), giúp ông Correa tăng gấp đôi chi tiêu cho y tế, giáo dục, lương hưu và cơ sở hạ tầng trong 2 năm qua.

Hiện Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Ecuador cho biết các lực lượng vũ trang vẫn ủng hộ ông Correa. Tư lệnh các lực lượng vũ trang, Tướng Ernesto Gonzalez tuyên bố quân đội trung thành với tổng thống, và kêu gọi nối lại đối thoại với nhóm cảnh sát nổi dậy, cách duy nhất có thể giải quyết những khác biệt.

Mỹ và một vài nước Mỹ La-tinh cũng đã đề nghị giúp ông Correa. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói rằng Mỹ ủng hộ ông Correa và “hiến pháp của chính quyền dân chủ” ở Ecuador. Ngày 30-9, các nước láng giềng Argentina, Chile, Peru và Venezuela cũng tuyên bố ủng hộ ông Correa. Tổ chức các nước Nam Mỹ (OAS) đã tổ chức phiên họp bất thường để thảo luận những diễn biến ở Ecuador.

N. KIỆT
(Theo WSJ, AFP, Bloomberg)

Người phát ngôn lực lượng cảnh sát Ecuador ngày 1-10 cho biết Tư lệnh lực lượng cảnh sát nước này, Tướng Freddy Martinez đã từ chức sau vụ nổi loạn của cảnh sát khiến tổng thống bị giam giữ trong 12 giờ.

Liên quan đến sự việc, trong một buổi họp báo tại Thủ đô Managua, Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega khẳng định những kẻ đứng đằng sau vụ đảo chính bất thành tại Ecuador này cũng chính là những kẻ đã tiếp tay cho cuộc đảo chính hồi tháng 6 năm ngoái tại Honduras. Tổng thống Ortega nêu rõ những diễn biến vừa qua tại Quito được các nhóm cực hữu hậu thuẫn, đặc biệt là cựu Tổng thống, nhà độc tài quân sự Ecuador Lucio Gutiérrez, ngoài ra còn có bàn tay của nhóm cực hữu cùng với nghị sĩ đảng Cộng hòa và Cơ quan tình báo Mỹ. (TTXVN)


Chia sẻ bài viết