10/02/2019 - 10:31

Bất ngờ bán đảo Triều Tiên! 

Không chỉ “tấn công quyến rũ” thế giới bằng màn trình diễn của các vận động viên tại kỳ Thế vận hội diễn ra ở Hàn Quốc, Triều Tiên năm 2018 còn khiến cộng đồng quốc tế bất ngờ khi chủ động đề xuất đối thoại với Seoul và chấp nhận thượng đỉnh cùng Mỹ. Nhưng con đường đi đến hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên thực sự còn lắm gập ghềnh.

Cử chỉ hòa giải giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) và Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên. Ảnh: AFP

Cử chỉ hòa giải giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) và Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên. Ảnh: AFP

Từ bờ vực chiến tranh...

Căng thẳng leo thang dữ dội trên bán đảo Triều Tiên năm 2017 với tuyên bố của Bình Nhưỡng về việc sớm thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có thể bắn tới Mỹ. Mỹ-Hàn đã tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn giữa lúc tần suất thử vũ khí của Triều Tiên dày đặc hơn bao giờ hết, đặc biệt là vụ phóng 4 tên lửa đạn đạo với 3 trong số đó rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản và một vụ ngay trước thềm cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Florida vào tháng 4.

Trước cuộc gặp, Tổng thống Trump đã cảnh báo Bắc Kinh nếu không hợp tác gây sức ép lên Triều Tiên để giải quyết vấn đề thì Washington sẽ “tự xử lý”. Sau đó, Mỹ, trong động thái gây chú ý đã nã hơn 100 quả rốc-két vào các mục tiêu trên lãnh thổ Syria với cáo buộc Damascus tấn công hóa học nhằm vào thường dân. Có thể nói, quyết định của ông Trump phô diễn sức mạnh quân sự tại Syria trong khi đang tiếp Chủ tịch Trung Quốc là cách lãnh đạo Mỹ thể hiện thông điệp “gây sức ép tối đa”, thay cho chính sách “kiên nhẫn chiến lược” của người tiền nhiệm Barack Obama. Theo các chuyên gia, “lời cảnh báo” của Washington đó là Bình Nhưỡng phải chấm dứt chương trình hạt nhân nếu không muốn nhận kết quả tương tự Syria.

Sau diễn biến này, tình hình Bán đảo Triều Tiên xấu đi nhanh chóng khi Mỹ điều tàu sân bay tới khu vực , “phối hợp” màn khẩu chiến nảy lửa giữa Tổng thống Trump với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Tất cả tạo nên bầu không khí căng thẳng tột độ mà nhiều người lo sợ có thể bùng nổ thành cuộc chiến hủy diệt.

... đến thông điệp Năm mới bất ngờ của ông Kim

Đầu năm ngoái, tình hình bất ngờ chuyển hướng khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong bài phát biểu Năm mới để ngỏ khả năng tham dự Thế vận hội Mùa Đông PyeongChang 2018 tại Hàn Quốc. Bình Nhưỡng cũng đồng ý ngồi vào bàn đàm phán theo đề xuất của Seoul chỉ vài giờ sau khi Mỹ-Hàn tuyên bố hoãn tập trận chung trong thời gian diễn ra Thế vận hội.

Cuộc đàm phán ngày 9-1-2018 tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm mở đường cho các cuộc thương lượng sau đó, bao gồm việc Triều Tiên nhất trí cử phái đoàn cấp cao, vận động viên, đoàn nghệ thuật và báo chí tham dự Thế vận hội PyeongChang. Trong hoạt động này, Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên, dẫn đầu chiến dịch “tấn công quyến rũ” khi dự lễ khai mạc Thế vận hội và có cái bắt tay lịch sử với Tổng thống nước chủ nhà Moon Jae-in.

Cái bắt tay “lịch sử” giữa hai ông Kim Jong-un (trái) và Donald Trump. Ảnh: AFP

Cái bắt tay “lịch sử” giữa hai ông Kim Jong-un (trái) và Donald Trump. Ảnh: AFP

Hội nghị liên Triều và thượng đỉnh lịch sử Trump-Kim

Sau nhiều nỗ lực ngoại giao con thoi, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong sự kiện được cộng đồng quốc tế theo dõi đã gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 27-4-2018. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo hai bên gặp nhau kể từ khi ông Kim lên nắm quyền năm 2011. Sự kiện này được coi là “cú đột phá ngoại giao” không chỉ đánh dấu bước ngoặt sau 70 năm chia cắt giữa hai miền Nam-Bắc mà còn có ý nghĩa quan trọng với tương lai khu vực thông qua Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm, trong đó cam kết “giải trừ hạt nhân hoàn toàn” Bán đảo Triều Tiên. Tuyên bố khẳng định mục tiêu đàm phán là tiến đến ký kết hiệp ước hòa bình, chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Sau đó, theo đề nghị của người đồng cấp Hàn Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhất trí lùi thời điểm tập trận chung Mỹ-Hàn như động thái ủng hộ nỗ lực hòa giải liên Triều. Tín hiệu lạc quan được các bên đưa ra chính là tiền đề cho cuộc gặp giữa lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Trump hai tháng sau đó tại Singapore cũng như 2 kỳ thượng đỉnh liên Triều tiếp theo vào tháng 5 và tháng 9.

Ngày 12-6-2018, cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Trump-Kim diễn ra thành công. Hai nhà lãnh đạo đã ký Tuyên bố chung ghi nhận sự đồng thuận trên nguyên tắc sẽ giải quyết các vấn đề mà đôi bên quan tâm và cùng có lợi.

Hòa bình còn lắm chông gai

Kể từ sau thượng đỉnh Trump-Kim, quân đội Mỹ và đồng minh Hàn Quốc đã giảm quy mô, thậm chí hủy bỏ một số cuộc tập trận chủ chốt để tạo điều kiện cho đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng về hồ sơ hạt nhân Triều Tiên. Hai miền Triều Tiên và Bộ Chỉ huy Liên Hiệp Quốc tại Hàn Quốc do Mỹ đứng đầu cũng nhất trí loại bỏ các chốt biên phòng tại Khu phi quân sự dọc biên giới. Theo yêu cầu của Seoul, các oanh tạc cơ Mỹ bảo đảm “sự hiện diện thường trực” tại khu vực Thái Bình Dương còn tránh bay ngang Bán đảo Triều Tiên để hạn chế gây phương hại tiến trình đàm phán.

Đổi lại, Triều Tiên chấp nhận tháo dỡ các cơ sở tại bãi thử tên lửa Sohae vốn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ICBM của nước này. Tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 3, ông Kim đồng ý thực hiện các bước bổ sung để giải giới hạt nhân, tái khởi động các cuộc đàm phán với Mỹ dựa trên những bước đi tích cực tương ứng từ Washington. Ông còn ngỏ ý đóng cửa tổ hợp hạt nhân chính Yongbyon và chấp thuận để thanh sát viên quốc tế vào kiểm chứng.

Nhưng xét mặt tổng thể, các chuyên gia nhận định Mỹ-Triều cho đến nay chưa đạt được nhiều tiến bộ như nội dung Tuyên bố chung hồi tháng 6-2018. Đặc biệt, có không ít nghi ngờ về việc Bình Nhưỡng bất ngờ cởi mở sau giai đoạn căng thẳng là để có thêm quyền thương thuyết hay muốn tăng dòng tiền chảy vào để vực dậy kinh tế? Hay việc ông Kim có thật sự từ bỏ vũ khí hạt nhân mà Triều Tiên dày công phát triển trong những năm qua?

Cũng có nghi vấn liệu các tín hiệu lạc quan kéo dài bao lâu khi còn quá nhiều thách thức chưa giải quyết, chẳng hạn việc Triều Tiên và Mỹ gần đây lời qua tiếng lại về thỏa thuận đạt được, việc Bình Nhưỡng chưa đề ra phương pháp cụ thể hiện thực hóa tiến trình giải trừ hạt nhân, hay việc Washington tiếp tục áp đặt trừng phạt mới dẫn đến cảnh báo sau đó của Bình Nhưỡng rằng quan hệ hai bên có thể trở lại trạng thái đối đầu và tiến trình giải giới hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên có thể bị “ngưng trệ vĩnh viễn”.

Với tình hình hiện nay, các nhà phân tích thừa nhận rất khó đưa ra kết luận nhưng có thể xác định phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên sẽ là tiến trình dài hơi, thậm chí có phần bất định bởi bên nào cũng kiên quyết giữ lập trường của mình và vẫn nghi kỵ lẫn nhau. Dù vậy, có một điều chắc chắn là cách tiếp cận của Triều Tiên đã thay đổi. Mặc dù không ít lần đe dọa “hủy diệt” nhau, nhưng cả Bình Nhưỡng lẫn Washington đều hiểu rõ thiệt hại của một cuộc chiến như vậy đối với hai bên nói riêng và thế giới nói chung. Do đó thay vì đối đầu, giải pháp ngoại giao vẫn được đánh giá là ưu tiên hàng đầu để giải quyết bất đồng trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

THÁI DUY

Chia sẻ bài viết