14/08/2017 - 10:05

Bấp bênh phận cô dâu trẻ em tị nạn 

Cùng với gia đình qua nước láng giềng Jordan sống tị nạn, nhiều trẻ em gái Syria chọn cách lấy chồng để có người nuôi và được bảo vệ. Các trại tị nạn tại Jordan vì thế trở thành “thị trường” mai mối cô dâu tha hương. Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc (LHQ), tỷ lệ cô dâu trẻ em tuổi từ 13-17 trên tổng số phụ nữ Syria đang sinh sống tại Jordan lập gia đình trong năm đã tăng từ 13% năm 2010 lên 44% năm 2015.

Áo cưới trẻ em được bày biện tại một cửa hàng thuộc khu tị nạn Zaatari dành cho người Syria ở miền Bắc Jordan. Ảnh: AP

Lời phân trần của người mẹ và cô dâu trẻ em

Báo cáo ghi nhận nhiều cha mẹ người Syria sống tị nạn quyết định gả chồng cho con gái nhỏ nhằm tiết kiệm tiền bạc và tin rằng chúng sẽ được người chồng bảo vệ phẩm giá tốt hơn. Bà mẹ của một cô dâu trẻ em phân trần: “Khi chúng tôi rời Syria, mọi người khuyên và thúc giục chúng tôi gả chồng sớm cho con gái như là cách bảo vệ chúng. Nếu chúng tôi ở lại Syria, tôi sẽ không cho phép con gái lấy chồng ở tuổi nhỏ như vậy”.

Ở những gia đình sống trong các trại tị nạn, nhiều bậc cha mẹ lo sợ con cái họ, nhất là bé gái, bị quấy nhiễu nên không cho chúng đi học. Không được đến trường, các cô gái trẻ ở nhà phần lớn thời gian và không có bạn bè. Họ chỉ được  ra khỏi nhà khi đi cùng mẹ theo truyền thống Hồi giáo.

Sự buồn chán là lý do mà cách đây 2 năm một cô  gái 15 tuổi người Syria chấp nhận lấy một thanh niên đồng hương làm chồng qua mai mối. Người mai mối giới thiệu chú rể tương lai là người có việc làm triển vọng và có thể mua căn hộ riêng.

Cha mẹ của cô nhận thấy chàng rể tương lai không chín chắn nhưng cô bé vẫn quyết định lấy chồng nhằm thoát khỏi cảnh lẻ loi ở nhà. Thế nhưng sau đám cưới cô mới biết chồng mình thất nghiệp và hay đánh đập cô. Mặc dù  cô không muốn ly dị do xấu hổ nhưng cha cô quyết đưa con gái ra khỏi tình cảnh nguy hiểm và cô đã chia tay chồng khi mới 16 tuổi.

Nỗi lo không chỉ của người tị nạn

Đa số trẻ em gái Syria không được hưởng giáo dục và tình trạng lấy chồng sớm càng làm cho họ mất cơ hội đến trường. Báo cáo cho thấy các cô dâu trẻ em Syria lấy chồng đồng hương hơn mình chỉ vài tuổi và thường không có việc làm ổn định. Những cặp vợ chồng trẻ em như vậy khó giúp nhau thoát khỏi đói nghèo và đa số lại sinh nhiều con hơn các đôi vợ chồng ở tuổi trưởng thành.

Khi rơi vào tình thế túng quẫn do lấy chồng sớm, nhiều cô dâu trẻ em chọn cách ly hôn dù điều này được coi là sự hổ thẹn. Một cô gái trẻ đã ly dị chồng bày tỏ: “Quyết định của tôi là sai lầm. Tôi vẫn không biết tại sao mình lại quyết định lấy chồng ở tuổi quá trẻ. Tôi khuyên các cô gái không nên lấy chồng theo con đường này”.

Theo thống kê, hiện có 1,265 triệu người Syria sinh sống ở Jordan, trong đó có 650.000 người tị nạn kể từ khi nổ ra cuộc nội chiến tại Syria cách đây 6 năm. Do vậy, sự bùng nổ các cặp vợ chồng trẻ em Syria sẽ làm gia tăng tỷ lệ sinh ở Jordan và tăng gánh nặng trợ cấp của chính phủ nước này và các tổ chức quốc tế.

Để giải quyết thực trạng đó, theo người đứng đầu Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) tại Jordan Roberts Jenkins, ngăn chặn việc lấy chồng sớm “là giới tuyến  phòng thủ quan trọng số một” và UNICEF đang cố gắng hỗ trợ các gia đình và trẻ em Syria không chọn con đường lấy chồng sớm như là phương cách “phòng vệ” tốt nhất tại Jordan.

ĐỨC TRUNG (Theo AP)

Chia sẻ bài viết