02/08/2022 - 09:45

Bảo vệ sức khỏe trí não bằng những thay đổi nhỏ trong lối sống  

AN NHIÊN (Theo CNN, Dailybeast.com)        

Theo hai nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí y khoa Neurology của Viện Thần kinh Mỹ, tiêu thụ nhiều thực phẩm toàn phần, không qua chế biến và giữ mối gắn kết xã hội tốt là những biện pháp hữu hiệu giúp người lớn tuổi chống lại chứng sa sút trí tuệ.

Làm việc lặt vặt trong nhà cũng có lợi cho sức khỏe trí não của người cao tuổi.

Trong nghiên cứu đầu tiên, các chuyên gia ở Ðại học Tứ Xuyên (Trung Quốc) muốn tìm hiểu xem các hoạt động thể chất và tinh thần - như làm việc nhà, tập thể dục và thăm người thân hoặc bạn bè - có thể giúp giảm nguy cơ sa sút trí tuệ như thế nào. Họ đã phân tích dữ liệu của hơn 500.000 người trung niên tham gia dự án nghiên cứu Biobank tại Anh, bao gồm mức độ hoạt động thể chất (như tần suất leo cầu thang, đi bộ, đạp xe, làm việc nhà, chơi thể thao và tập thể dục), mức độ kết nối xã hội (tần suất gặp gỡ người thân, bạn bè, tham gia các nhóm xã hội/tôn giáo) và sử dụng thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính và tivi. Trong 11 năm theo dõi, có 5.185 người phát triển chứng sa sút trí tuệ.

Các chuyên gia nhận thấy hầu hết các hoạt động thể chất và tinh thần đều giúp phòng, chống chứng sa sút trí tuệ. Chẳng hạn, so với người lười vận động, người thường xuyên tập thể dục giảm 35% nguy cơ mắc bệnh. Tương tự, lợi ích giảm nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ ở nhóm thường xuyên làm việc nhà là 21% và nhóm thường xuyên gặp người thân và bạn bè là 15%. Hơn nữa, những người tích cực tham gia hoạt động xã hội cũng có nhiều prôtêin bảo vệ trí nhớ hơn và cảm thấy cuộc sống ý nghĩa hơn - đều là những yếu tố quan trọng đối với sức khỏe trí não. “Tuy cần nghiên cứu thêm, nhưng kết quả nghiên cứu rất đáng khích lệ vì nó cho thấy thực hiện những thay đổi đơn giản về lối sống có lợi cho trí não” - Tiến sĩ Huan Song, tác giả chính, nhận xét.

Còn ở nghiên cứu thứ hai, trưởng nhóm Huiping Li và các cộng sự tại Ðại học Y khoa Thiên Tân (Trung Quốc) đã xem xét tác động của việc tiêu thụ thực phẩm toàn phần, chưa qua chế biến đối với nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ của hơn 72.000 người từ 55 tuổi trở lên, cũng tham gia dự án nghiên cứu Biobank tại Anh. Lúc đầu, không ai bị sa sút trí tuệ nhưng 10 năm sau đó đã có 518 người khởi phát bệnh này.

Qua phân tích dữ liệu, các chuyên gia phát hiện việc thay thế thực phẩm siêu chế biến vốn chứa nhiều dầu mỡ, muối và đường, nhưng ít prôtêin và chất xơ (như xúc xích, bánh quy, kem và khoai tây chiên) bằng thực phẩm toàn phần có thể giúp chống lại chứng sa sút trí tuệ. Theo đó, việc thay thế 20% lượng thực phẩm chế biến sẵn bằng số lượng tương đương các thực phẩm chưa qua chế biến/trải qua ít công đoạn chế biến trong chế độ ăn hằng ngày đã giúp giảm 34% nguy cơ sa sút trí tuệ và giảm 39% nguy cơ sa sút trí tuệ não mạch.

"Những thay đổi nhỏ và có thể kiểm soát trong chế độ ăn hằng ngày - như tăng lượng thực phẩm chưa qua chế biến/trải qua ít công đoạn chế biến chỉ 50gr (khoảng nửa quả táo, 1 phần bắp hoặc 1 chén ngũ cốc nguyên cám), đồng thời giảm lượng thức ăn siêu chế biến khoảng 50gr (1 thanh sô-cô-la hoặc 1 phần thịt xông khói) mỗi ngày có thể giúp giảm 3% nguy cơ sa sút trí tuệ" - trưởng nhóm Li khẳng định.

Suy giảm khứu giác nhanh có thể là dấu hiệu của Alzheimer

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Chicago (Mỹ) đưa ra cảnh báo trên sau khi phân tích dữ liệu sức khỏe của 515 người từng tham gia Dự án Lão hóa và Trí nhớ của Đại học Rush.
Theo đó, các đối tượng nghiên cứu được kiểm tra khứu giác bằng cách phân biệt các mẫu mùi hương khác nhau - gồm nhựa thông, sô-cô-la, quế, xăng, chanh, hành tây, dung môi pha sơn, dứa, hoa hồng, xà phòng, khói và chuối - đánh giá theo thang điểm từ 0-12. Một nhóm bệnh nhân còn được chụp ảnh cộng hưởng từ để đo thể tích chất xám trong não. Đây là yếu tố quan trọng trong điều chỉnh chức năng ghi nhớ, cử động và cảm xúc nhưng thường suy giảm ở bệnh nhân Alzheimer.

Các chuyên gia đã đánh giá tốc độ suy giảm khứu giác của từng đối tượng, sau đó so sánh những người được chẩn đoán là duy trì chức năng nhận thức bình thường với những người được chẩn đoán là bị suy giảm nhận thức hoặc mắc chứng sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi (bệnh Alzheimer). Họ phát hiện những người bị suy giảm khứu giác nhanh hơn có gấp đôi nguy cơ khởi phát bệnh Alzheimer hoặc suy giảm nhận thức và cũng có lượng chất xám ít hơn.

Từ kết quả trên, nhóm nghiên cứu cho rằng suy giảm khứu giác nhanh có thể được xem là một yếu tố nguy cơ của các bệnh về chức năng nhận thức, cũng có thể là một dấu hiệu độc lập, hữu ích giúp nhận diện sớm đối tượng có nguy cơ khởi phát những vấn đề này.

 

Chia sẻ bài viết