12/01/2023 - 10:08

Bảo tồn và phát huy giá trị cây quýt hồng 

KHÁNH TRUNG

Quýt hồng huyện Lai Vung, tỉnh Ðồng Tháp là loại trái cây rất độc đáo, có nhiều tiềm năng phát triển sản xuất gắn với du lịch và chế biến để tạo thành các chuỗi liên kết giúp mang lại giá trị cao. Ðể bảo tồn và phát huy giá trị loại trái cây đặc sản này, các cơ quan chức năng tại huyện Lai Vung và tỉnh Ðồng Tháp đang thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người dân nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển quýt hồng bền vững, gắn với du lịch.

Quýt hồng được trồng ở huyện Lai Vung. ảnh: CT

Quýt hồng  mang lại nhiều giá trị

Huyện Lai Vung được thiên nhiên ban tặng nguồn nước ngọt quanh năm với lượng phù sa dồi dào, nên từ lâu đã trở thành vùng cây lành, trái ngọt, đặc biệt là quýt hồng - đặc sản nổi tiếng cả nước. Cây quýt hồng trồng ở đất Lai Vung đầu thế kỷ 20. Ban đầu từ một loại quýt bình thường, nhưng khi được trồng trên đất Lai Vung, thì giống quýt này trở nên đặc biệt. Với khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp đã khiến cho quýt hồng Lai Vung cho những trái to, ít hạt, vỏ mỏng, màu sắc bắt mắt, mọng nước, thơm dịu và có vị ngọt, chua nhẹ đặc biệt ít nơi nào bì kịp. Thời gian qua, trái quýt hồng của huyện Lai Vung không chỉ được đưa đi tiêu thụ rộng khắp tại nhiều địa phương trong nước để trưng bày trong "mâm ngũ quả" dịp Tết mà những vườn quýt hồng trĩu quả vào những dịp xuân về cũng trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút khách gần xa đến với Lai Vung. Cây quý hồng khi cho trái cũng được dùng làm cây kiểng rất đẹp và trái quýt có thể chế biến thành nhiều sản phẩm giúp mang lại giá trị gia tăng cao. Do vậy, cây quýt hồng đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội và du lịch của huyện Lai Vung.

Cao điểm, tổng diện tích sản xuất quýt hồng của huyện Lai Vung đạt đến gần 2.000ha. Tuy nhiên, do gặp các khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhất là dịch bệnh trên cây quýt và đầu ra sản phẩm không ổn định nên diện tích đã sụt giảm trong những năm qua và hiện chỉ còn hơn 300ha, trong đó có trên 200ha đang cho trái. Trước bối cảnh đó, UBND tỉnh Ðồng Tháp đã có Ðề án "Bảo tồn quýt hồng huyện Lai Vung giai đoạn 2021-2024" với mục tiêu khôi phục và phát triển bền vững cây quýt hồng. Ðồng thời, các cấp, các ngành chức năng của tỉnh Ðồng Tháp và huyện Lai Vung quan tâm nghiên cứu, xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ và tìm các giải pháp nhằm giúp nông dân khôi phục, phát triển sản xuất và nâng cao chuỗi giá trị từ cây quýt hồng.

Ðể bảo tồn và phát triển

Từ ngày 5 đến 8-1-2023, tại huyện Lai Vung diễn ra Lễ hội quýt hồng huyện Lai Vung lần I - năm 2023 với chủ đề "khát vọng vươn lên" do UBND huyện Lai Vung phối hợp với Báo Nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức. Ðây là sự kiện nhằm tôn vinh cây quýt hồng cùng người trồng quýt hồng và phát huy giá trị văn hóa và kinh tế của loại sản phẩm đặc sắc này.

Trong khuôn khổ của lễ hội đã diễn ra hội thảo "Bảo tồn và phát huy tiềm năng, giá trị quýt hồng". Tại hội thảo này, nhiều đại biểu cho rằng, ngành chức năng cần quan tâm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và hỗ trợ người dân khai thác, phát huy đúng mức các tiềm năng từ cây quýt hồng. Tiếp tục đẩy lùi các loại dịch bệnh để phát triển diện tích quýt hồng. Chuẩn hóa quy trình sản xuất để tăng năng suất, chất lượng và độ an toàn của sản phẩm nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp đưa sản phẩm xâm nhập vào tất cả các thị trường trong nước và từng bước thâm nhập thị trường nước ngoài. Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất, giảm chi phí, tăng năng suất, tăng lợi nhuận cho nhà vườn, sản xuất rải vụ để có sản phẩm liên tục trong năm. Ứng dụng khoa học công nghệ vào các khâu sản xuất, sơ chế, chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm từ quýt hồng để gia tăng giá trị, tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân. Phát triển các điểm tham quan du lịch cộng đồng ngày càng phong phú, chuyên nghiệp nhằm phục vụ nhu cầu thưởng thức vẻ đẹp quýt hồng, nhằm tăng lợi nhuận, góp phần tạo dựng hình ảnh của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Ðầy, nông dân trồng quýt hồng ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung, kiến nghị: "Các cấp chính quyền địa phương và ngành chuyên môn cần nghiên cứu, đẩy mạnh hỗ trợ nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, áp dụng quy trình trồng quýt theo hướng hữu cơ, quy trình IPM…Qua đó, giúp nông dân giảm giá thành sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường và chủ động phòng, tránh các loại dịch bệnh trên quýt như bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh, đốm trái và lan vàng… để phát triển sản xuất bền vững". Theo PGS.TS. Nhan Minh Trí, Giảng viên cao cấp, Ðại học Cần Thơ, để cây quýt hồng tỉnh Ðồng Tháp giữ vững thương hiệu, vị thế trong thời kỳ kinh tế hội nhập, cần có những định hướng, chiến lược lâu dài trong việc quy hoạch, tổ chức sản xuất cho nông dân. Nghiên cứu chuỗi giá trị sản phẩm để hỗ trợ đầu ra, từng bước xây dựng thị trường tiêu thụ quýt ổn định và đạt hiệu quả kinh tế cao. Ðặc biệt, công nghệ sau thu hoạch và chế biến các sản phẩm từ quýt cần được quan tâm để giúp vận chuyển sản phẩm xa, ổn định
chất lượng.

Theo ông Nguyễn Hữu Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lai Vung, thời gian qua việc bảo tồn và phát triển cây quýt hồng tại địa phương đã mang lại những kết quả bước đầu rất tích cực. Gần 200ha quýt bị nhiễm bệnh, nay đã phục hồi và dần cho năng suất cao trở lại. Một số vườn cây bệnh nặng bị đốn bỏ, nay đã được trồng lại và cây sinh trưởng tốt. Tuy nhiên, người trồng quýt vẫn còn "nặng về tư duy sản xuất nông nghiệp", chưa xây dựng được những chuỗi liên kết chặt chẽ, bền vững. Các giá trị mang lại từ cây quýt hồng chưa được khai thác đúng mức, sản phẩm chế biến còn hạn chế, thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng… Do vậy, thông qua các hoạt động tại Lễ hội quýt hồng huyện Lai Vung lần I - năm 2023, huyện  mong muốn thúc đẩy sự gắn kết, hợp tác giữa nông dân với doanh nghiệp và các bên liên quan để cùng nhau chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp để phát triển bền vững và gia tăng giá trị cho cây quýt hồng.

Chia sẻ bài viết