21/01/2008 - 22:06

Bạo lực gia đình, tác hại nghiêm trọng không thể xem thường

Thời gian gần đây, nhiều vụ án hình sự nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn TP Cần Thơ mà thủ phạm là những người thân trong gia đình. Mặt khác, theo khảo sát của Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em (UBDSGĐ&TE) TP Cần Thơ, nguyên nhân chính dẫn đến ly hôn của nhiều cặp vợ chồng phần lớn có liên quan đến bạo lực gia đình.

Điều này cho thấy, thực trạng bạo lực gia đình ở TP Cần Thơ đã và đang diễn ra ở mức báo động, đòi hỏi các ngành chức năng cần có giải pháp đồng bộ, để giảm thiểu vấn đề này đến mức thấp nhất.

Bạo lực gia đình: Báo động !

 Hành xử bạo hành, tác nhân không nhỏ làm đổ vỡ hạnh phúc gia đình.

Tại phiên tòa sơ thẩm, ngày 19-12-2007, Hội đồng xét xử - TAND TP Cần Thơ tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Kim Hằng (ngụ phường Hưng Phú, quận Cái Răng) 9 năm tù về tội giết người. Nạn nhân là anh Nguyễn Hoàng Nghiêm, người đã “đầu ấp tay gối” với Hằng hơn 10 năm trời. Anh Nghiêm làm nghề bốc vác ở chợ An Lạc; còn Hằng đi bán vé số dạo. Vợ chồng Hằng có con gái hơn 6 tuổi và sinh sống trong một căn phòng trọ ở Xóm Chài, phường Hưng Phú. Cuộc sống vốn khốn khó, luôn thiếu trước hụt sau, nhưng anh Nghiêm có tật hay rượu chè. Không ít lần ngà ngà say, anh Nghiêm “dạy” vợ bằng những trận đòn roi. Ngày 7-6-2007, sau một ngày lội bộ vài chục cây số để bán vé số, Hằng uể oải về nhà. Đúng lúc này, anh Nghiêm đang ngồi lai rai với bạn tại nhà. Mệt mỏi, đói khát mà trong nhà không còn gạo, trong khi chồng lại nhậu nhẹt, Hằng cằn nhằn, anh Nghiêm lớn tiếng rồi “cho vài bạt tay” để dằn mặt vợ. Cả 2 cự cãi dằn co, trong lúc không kìm được cơn giận, Hằng dùng dao đâm vào người anh Nghiêm, khiến anh tử vong trên đường đi cấp cứu.

Theo ghi nhận của chúng tôi ở nhiều Tòa án quận, huyện của TP Cần Thơ cho thấy, rất nhiều trường hợp dẫn đến ly hôn có liên quan đến bạo lực gia đình. Điển hình như trường hợp của chị N.T.L (ở quận Bình Thủy). Hai vợ chồng chị N.T.L chung sống với nhau hơn 30 năm, con cháu đầy đủ. Thế nhưng gần đây, chồng chị bỗng sanh tật, có “vợ bé”. Của cải trong nhà dần dần tiêu tan, chị N.T.L góp ý thì bị những trận đòn thừa chết thiếu sống của chồng. Không chịu nổi cảnh chồng hành hạ, đánh đập, chị N.T.L phải nộp đơn yêu cầu TAND quận Bình Thủy giải quyết cho ly hôn. Chị N.T.L nói: “Ly hôn có gì tốt đẹp đâu, nhưng tình cảnh như vậy chỉ có cách này mới giải thoát được những tủi nhục mà tôi phải gánh chịu. Ông nhà tôi có vợ nhỏ tôi cũng chẳng ghen tuông gì nhưng phải chi ông ấy chọn người có tuổi tác thích hợp và đừng đánh đập tôi thì tốt biết mấy. Đằng này vợ nhỏ của ổng, tuổi chỉ bằng tuổi con cháu của mình...”.

Mới đây, UBDSGĐ&TE TP Cần Thơ đã thực hiện khảo sát về tình trạng bạo lực gia đình ở 5 phường, xã của thành phố. Theo thống kê, cứ 365 vụ ly hôn thì có đến 142 vụ ly hôn có liên quan đến bạo lực gia đình. Các hành vi bạo lực gia đình như: đánh đập, ngược đãi; chửi mắng; nhục mạ,... Và, điều đáng nói là trong những vụ bạo lực gia đình không ít những trường hợp con nhục mạ, đánh đập cả cha mẹ. Trường hợp của Trần Văn Giá (ở xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền) là một ví dụ điển hình. Khoảng 18 giờ 30 phút ngày 1-11-2007, sau khi đi uống rượu về đến nhà, Giá gặp cha mẹ ruột là ông Vẽ và bà Nương. Lúc này, Giá và ông Vẽ nói chuyện qua lại về việc ông Vẽ hứa cho Giá miếng đất, rồi phát sinh cự cãi. Giá đi lại chỗ ông Vẽ đang ngồi, đánh ông. Ông Vẽ và bà Nương năn nỉ Giá buông tha thì Giá lại dùng cây đánh nhiều cái vào người bà Nương, rồi lôi ông Vẽ và bà Nương vào buồng dùng dây kẽm trói tay, chân, dùng quần áo nhét vào miệng hai người. Sau đó, Giá lấy dầu lửa đổ lên người cha mẹ, hăm dọa, buộc ông Vẽ phải ký tên vào giấy cho đất mà Giá lập sẵn. Ông Vẽ không chịu ký, Giá bèn lôi bà Nương ra ngoài, rồi Giá trở vào buồng dùng tay bóp cổ ông Vẽ. Lúc này bà Nương tự cởi được dây trói, chạy ra tri hô và báo công an xã Mỹ Khánh. Khi Công an xã Mỹ Khánh đến hiện trường, ông Vẽ đã tử vong.

Cũng theo kết quả khảo sát của UBDSGĐ&TE TP Cần Thơ, số vụ ly hôn có liên quan đến bạo lực gia đình đều tăng, năm sau cao hơn năm trước. Và, ở nông thôn thì tình trạng bạo lực gia đình xảy ra nhiều hơn, so với ở thành thị. Như ở thị trấn Thốt Nốt (huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ) tỷ lệ ly hôn có liên quan đến bạo lực gia đình chiếm hơn 63%, trong khi số vụ ly hôn có liên quan đến bạo lực gia đình ở phường Hưng Phú, quận Cái Răng chỉ chiếm tỷ lệ hơn 14%. Tuy vậy, những con số thống kê về bạo lực gia đình chỉ thể hiện ở lĩnh vực ly hôn, nên chưa phản ánh đích thực tình trạng này và trên thực tế số vụ bạo lực gia đình còn cao hơn...

Làm gì để mái ấm gia đình không có bạo lực!

Tình trạng bạo lực gia đình diễn ra ngày càng nghiêm trọng, nếu không có biện pháp đồng bộ để giảm thiểu vấn đề này thì hậu quả của nó chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của đời sống kinh tế và xã hội. Bà Võ Thị Thanh Nga, Chủ nhiệm UBDSGĐ&TE TP Cần Thơ cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình như do uống rượu; mâu thuẫn về kinh tế; thiếu việc làm; hoàn cảnh gia đình khó khăn; trình độ văn hóa kém; ghen tuông vô cớ. Ngoài những nguyên nhân trên, nhận thức theo kiểu “gia trưởng” của người chồng cũng có liên quan đến bạo lực gia đình. Bạo lực gia đình dẫn đến nhiều hệ quả xấu cho gia đình như: Xảy ra án mạng, thương tích; chịu sự trừng phạt của pháp luật; con cái hư hỏng, tư tưởng phát triển không lành mạnh; kinh tế gia đình suy giảm; bệnh tật,... Thế nhưng, việc ngăn chặn thực trạng này gặp không ít khó khăn. Vì hiện nay, thành phố thiếu trung tâm chuyên tư vấn về bạo lực gia đình; người bị bạo hành có tâm lý e dè, không dám tố cáo nhờ các cơ quan chức năng can thiệp; nhận thức của người dân về pháp luật còn hạn chế; chính quyền địa phương ở nhiều nơi đôi lúc còn xem nhẹ việc ngăn chặn nạn bạo hành trong gia đình, xem đây là chuyện “đèn nhà ai nấy sáng”.

Để hạn chế thực trạng bạo hành trong gia đình đến mức thấp nhất, bà Võ Thị Thanh Nga, Chủ nhiệm UBDSGĐ&TE TP Cần Thơ, cho biết: Nhằm hạn chế tình trạng bạo lực gia đình đến mức thấp nhất, UBDSGĐ&TE TP cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho người dân nhận thức sâu rộng về việc phòng chống bạo hành trong gia đình cũng như về kiến thức pháp luật bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú; tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của các ban ngành, đoàn thể, nhất là tuyến cơ sở nhằm can thiệp kịp thời những vụ bạo hành gia đình. Thành lập nhiều trung tâm tư vấn về bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, kiến nghị cơ quan chức năng kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi liên quan đến bạo lực gia đình.

Bài, ảnh: VÂN LÂM

Chia sẻ bài viết