13/04/2007 - 10:46

Bao giờ dân Xóm Cối có nước sạch ?

Không phải là vùng xa xôi, hẻo lánh, chỉ cách Quốc lộ 91 hơn 100 mét nhưng nhiều năm nay người dân ở Xóm Cối (ấp Thới An, xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt - TP Cần Thơ) luôn phải chịu cảnh “khát” nước sạch. Hàng chục năm trước, bà con nơi này sử dụng nước sinh hoạt từ rạch Xóm Cối. Nay rạch cạn, nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối do ô nhiễm từ nước thải của các hộ nuôi heo, lò cồn, các hàng quán thải trực tiếp xuống con rạch. Một số hộ sử dụng giếng khoan, nhưng nước bơm từ giếng cũng bị nhiễm phèn nặng, chỉ có thể sử dụng tắm, giặt; còn chuyện ăn uống thì vất vả vô cùng. Nước sạch đang là nỗi khát khao của người dân Xóm Cối!

 Nhiều năm nay, rạch xóm Cối bị ô nhiễm trầm trọng, khi nước cạn, nước đen ngòm, 2 bên đầy rác thải, bốc mùi hôi thối nên bà con nơi đây không thể sử dụng nước từ con rạch này. Ảnh: MINH HOÀNG

Chung sống với nguồn nước ô nhiễm

Chúng tôi đến Xóm Cối, nơi có khoảng 100 hộ dân đang sinh sống. Nghe hỏi chuyện “nước”, một lão nông sốt sắng mời chúng tôi vào nhà, đó là ông Nguyễn Văn Học, hơn 60 năm gắn bó với vùng quê này. Ông nói: “Chuyện thời sự và chuyện dài hơi của Xóm Cối vẫn là chuyện nước sạch. Hơn ba mươi năm sau ngày đất nước thống nhất, có lẽ bà con nơi đây chưa mong mỏi gì hơn là có nước sạch sử dụng”. Như để minh chứng cho lời mình nói, ông Học bảo người nhà nấu nước pha trà mời khách. Thấy chúng tôi vừa hớp một ngụm đã tròn mắt ngạc nhiên, ông thủng thẳng nói: “Các cô thấy đắng chát chứ gì! Vậy là đỡ lắm đó. Nước bơm từ giếng lên đã được sắp nhỏ lóng phèn bốn ngày rồi mới sử dụng nấu ăn, uống mà còn mùi vị còn như thế, chứ nước vừa bơm lên hôi rình để một lúc là đóng váng xám xịt, nhìn thấy ớn. Tui già đã đành, còn những đứa cháu nội mới khổ. Hai đứa nhỏ liên tục bị bệnh đường ruột, cha mẹ của chúng hàng ngày đi làm thuê làm mướn không đủ tiền trị bệnh cho con. Điều mong đợi nhất của bà con ở Xóm Cối có được nguồn nước sạch để sinh hoạt. Chứ sống cảnh như vầy làm sao mà chịu nổi”.

Rời nhà ông Học, chúng tôi đến nhà chị Đào ở cùng xóm, lúc chị đang nấu cơm. Chị giở cho chúng tôi xem những lu chứa nước được bơm từ giếng lên, lóng phèn đã 3- 4 ngày nay. Chị múc một ít nước để vo gạo, sau khi vo xong, những hạt gạo trắng ngần chẳng mấy chốc đổi sang màu xám xịt. Bắc nồi cơm lên bếp xong, chị Đào mở tủ quần áo cho chúng tôi xem những cái áo trắng của con chị đi học, mới may vài tháng, nay đã vàng xỉn. Chị cho biết đã ngâm bột tẩy nhưng không có cách nào làm cho chúng trắng ra cả. Chị Đào nói: “Ở đây, muốn có nước sạch sử dụng phải đăng ký vô nước máy nhưng chi phí quá cao, dân nghèo như chúng tôi không có khả năng vô cây nước. Trong xóm còn có nhiều hộ phải đi đổi nước về để uống”.

Nước sạch: bao giờ?

Mấy năm nay, gia đình chú Tư Liêm với hơn 5 nhân khẩu cũng đang sử dụng nước cây nước khoan. Gặp chúng tôi, chú Tư Liêm phân trần: “Nhà chúng tôi nghèo lắm, tôi thì chạy xe ôm, vợ tôi ở nhà dán giấy mướn cho các lò đường đặt dán theo mùa vụ, lúc có việc làm, lúc không; mấy đứa con cũng làm mướn, làm thuê nên lo cái ăn đã khó lấy đâu tiền vô nước sạch. Nước ở dưới rạch Xóm Cối bây giờ xài không được nữa vì các hộ nuôi heo, nuôi cá, các quán nhậu thải rác, nước thải xuống gây ô nhiễm trầm trọng… Khi nước cạn, con rạch hôi đủ thứ mùi tạp nham, gây nhức đầu, viêm mũi, viêm phế quản cho các hộ sống lân cận con rạch. Bà con kiến nghị với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng hoài mà chưa thấy giải quyết, cứ được hứa hẹn mãi nên nhiều gia đình ở đây không còn cách nào khác phải bấm bụng sử dụng nước từ giếng khoan. Nước này hôi lắm, ăn, uống lâu ngày thế nào cũng mang bệnh!”.

Theo một số thợ khoan giếng nước chuyên nghiệp thì nước khoan từ giếng ở khu vực này thường bị phèn, phải qua hệ thống lọc xây dựng khoảng 8-10 triệu đồng mới có thể sử dụng làm nước sinh hoạt; còn các hộ ở Xóm Cối sử dụng nước trực tiếp từ giếng khoan thì về lâu dài chắc chắn ảnh hưởng đến sức khỏe.

Hiện nay, những hộ dân ở Xóm Cối, mặc dù có giếng nước khoan nhưng phải hứng nước mưa để nấu ăn, uống hoặc phải đi đổi nước phông-tên ở xã khác về để sử dụng, nếu trời không mưa. Ông Học và nhiều hộ dân ở Xóm Cối cho biết, nước bơm từ giếng nước khoan chỉ để giặt quần áo và tắm, còn nước để nấu ăn và uống thì một số bà con phải bơi xuồng ra ngoài giữa dòng sông lớn chở nước đem về. Theo bà con thì do khu vực này chưa có nhà máy nước, nếu các hộ có nhu cầu đăng ký sử dụng nước máy thì phải đóng tiền rất nặng, chi phí mỗi hộ khoảng 2 triệu đồng.

Về vấn đề này, ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt, nói: “Những năm gần đây, nhiều hộ kinh doanh sản xuất cồn, chăn nuôi heo, cá không có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ nguồn nước nên gây ô nhiễm trầm trọng, ảnh hưởng đến môi trường và nguồn nước. Các hộ có khoan giếng nước sử dụng nhưng do khoan chưa đủ độ sâu, nước nhiễm phèn nhiều, không sử dụng để ăn uống được khiến bà con bức xúc. Qua tìm hiểu của chúng tôi thì đa số số hộ dân ở xa quốc lộ, gia cảnh khó khăn, chưa đăng ký sử dụng nước máy nhiều. Nếu các hộ có nhu cầu nhiều thì UBND xã đề nghị Trung tâm nước sạch và môi trường TP Cần Thơ xây dựng nhà máy nước nhỏ để phục vụ cho mọi người”.

Xung quanh vấn đề này, ông Ngô Hoàng Thảo, Giám đốc Công ty cổ phần cấp thoát nước Thốt Nốt, cho biết: “Do tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu vực Xóm Cối, nên nhiều người dân tự nguyện nộp đơn và đóng góp tiền để vô nước máy. Vừa qua, công ty đã khảo sát và có sắp có kế hoạch mở mạng. Khi đó, người dân sẽ không tốn tiền ống nước cái, chi phí vô nước sẽ ít hơn cho người dân. Hiện nay, công ty đang mở mạng ở các tuyến như kinh Bò Ót, rạch Trà Uối…, còn những tuyến còn lại đang trong quá trình khảo sát”.

Tình trạng người dân nghèo, khó khăn ở Xóm Cối đã tốn tiền khoan cây nước mà không sử dụng ăn, uống được, phải chịu cảnh xài nước nhiễm phèn gây nên nỗi bức xúc cho bà con. Vì vậy, địa phương và các ngành chức năng nên quan tâm sớm hỗ trợ, tạo điều kiện xây dựng hệ thống cung cấp nước máy, giúp người dân Xóm Cối có nước sạch sử dụng. Đó cũng là mong muốn tha thiết và là nhu cầu chính đáng nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân nơi đây.

LIÊN HOA - MINH HOÀN

Chia sẻ bài viết