10/07/2024 - 16:39

Báo động xu hướng giảm sinh 

BS Nguyễn Thị Ngọc Đảnh, Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) TP Cần Thơ cho biết, ngành dân số gởi gắm thông điệp: “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con” đến cộng đồng. Với mong muốn kêu gọi sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị và người dân quan tâm đến những vấn đề trọng tâm của công tác dân số thành phố hiện nay để phấn đấu đạt mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ. 

Năm 2019, số con bình quân/phụ nữ của TP Cần Thơ lag 1,66 con; năm 2020: 1,74 con; năm 2021: 1,68 con; năm 2022: 1,73 con; năm 2023: 1,44 con. Theo BS Nguyễn Thị Ngọc Đảnh, Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ TP Cần Thơ, thời gian qua ngành dân số đã thực hiện đa dạng các mô hình, đề án nhằm “tăng sinh” nhưng chưa có sự chuyển biến tích cực trong cộng đồng.

Các mô hình, đề án trọng tâm được duy trì thực hiện như chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp trong đó có triển khai thực hiện mô hình xã, phường, thị trấn đạt chuẩn sinh đủ hai con; chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số tại vùng mức sinh thấp; mô hình Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; dự án tầm soát các dị dạng, bệnh, tật bẩm sinh; đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh;…

Một trong những khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động và hiệu quả của công tác dân số đó là kinh phí năm 2024 đến thời điểm này chưa được phân bổ. Do đó, một số hoạt động liên quan đến kinh phí chưa được triển khai theo đúng tiến độ, ảnh hưởng phần nào đến chỉ tiêu trên giao.

Mức sinh của TP Cần Thơ hiện đang rất thấp. Ảnh minh họa: Cặp vợ chồng vui mừng chào đón thành viên mới.

Theo BS Ngọc Đảnh, các tháng cuối năm 2024, ngành dân số thành phố tập trung thực hiện nhiều kế hoạch để đạt các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó có Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp, tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 118/KH-UBND ngày 28-9-2020 của UBND TP Cần Thơ về Điều chỉnh mức sinh phù hợp đến năm 2030 trên địa bàn TP Cần Thơ; phối hợp kiểm tra, giám sát về công tác dân số - KHHGĐ và mô hình xã, phường, thị trấn đạt chuẩn sinh đủ hai con năm 2024; tổng hợp báo cáo kết quả phúc tra về mô hình sinh đủ hai con; gửi công văn yêu cầu UBND các quận, huyện ban hành Quyết định công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn sinh đủ hai con năm 2024.

BS Nguyễn Thị Ngọc Đảnh, Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ TP Cần Thơ tập huấn kỹ năng tuyên truyền vận động cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên.

Bên cạnh đó, nhân sự kiện Ngày Dân số Thế giới 11-7 với chủ đề Kỷ niệm 30 năm thực hiện Chương trình hành động Hội nghị quốc tế về Dân số và phát triển, Cairo 1994, Chi cục Dân số - KHHGĐ TP Cần Thơ chỉ đạo các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng đến cộng đồng, từ cấp thành phố đến cơ sở. Đặc biệt, tại hệ thống trạm y tế toàn thành phố, thông qua đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết, sự ủng hộ và tích cực thực hiện của mọi người dân, đặc biệt là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản trong cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con, góp phần đạt mức sinh thay thế của TP Cần Thơ.

Ngoài ra, ngành dân số tiếp tục duy trì và nâng chất các mô hình, đề án như dự án tầm soát các dị dạng, bệnh, tật bẩm sinh, phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát thực hiện hoạt động, đặc biệt là kết quả các trường hợp ghi nhận bất thường để tư vấn và điều trị kịp thời, đẩy mạnh tuyên truyền trên các kênh truyền thông các chương trình về chẩn đoán, sàng lọc trước sinh và sơ sinh; lồng ghép sinh hoạt ngoại khoá trong trường phổ thông trung học các quận, huyện có người dân tộc thiểu số.

Với mô hình tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn, tiếp tục tư vấn và vận động xã hội hoá khám sức khoẻ trước kết hôn tại xã, xây dựng pano tuyên truyền cho 6 xã, phường thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Với đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, tổ chức truyền thông nhóm tại các xã, phường, thị trấn, lồng ghép sinh hoạt ngoại khoá nội dung về giới, bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh trong trường học.

Với đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, đẩy mạnh công tác khám sức khỏe định kỳ người cao tuổi tại 83 xã, phường thuộc 9 quận, huyện; tăng cường chỉ đạo Tổ tình nguyện viên đi tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng.

Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ, duy trì hoạt động hệ thống thông tin quản lý hậu cần phương tiện tránh thai từ tuyến thành phố đến quận, huyện; tiếp tục thu thập, cập nhật thông tin thay đổi về dân số - KHHGĐ vào kho dữ liệu hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành đầy đủ, kịp thời, chính xác các biến động về dân số.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết