29/01/2010 - 20:35

Báo động chất thải y tế! (kỳ 3)

Anh Nguyễn Đức Dũng, phụ trách lò đốt CTYT rắn, đang vận hành lò đốt tại BV Lao và Bệnh phổi Cần Thơ. Ảnh: H.H.

Bài 3: Giải pháp nào xử lý chất thải y tế?

Mối nguy cơ từ chất thải y tế (CTYT) ở các bệnh viện (BV), trung tâm y tế (TTYT) ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người, ô nhiễm môi trường... Giải pháp nào xử lý CTYT đạt hiệu quả cao và bền vững? Báo Cần Thơ đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo UBND TP Cần Thơ, các sở, ban ngành chức năng về vấn đề này.

* PGS.TS Lê Thành Tài, Trưởng Bộ môn Sức khỏe môi trường, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ:
“Cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của CTYT”

- Người dân (không loại trừ cả cán bộ, nhân viên trong ngành y tế) chưa nhận thức đúng, đầy đủ về tác hại của CTYT rắn và lỏng. CTYT có đủ loại mầm bệnh (trong đó có cả những virus, vi trùng gây ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như HIV, viêm gan, lao,...), kim loại nặng, hóa chất độc hại và cả chất phóng xạ. Khi CTYT lỏng chưa được xử lý hoặc xử lý chưa triệt để, chưa đúng đổ ra hệ thống nước sông, hồ, ao, có nguy cơ gây các bệnh thương hàn, kiết lỵ, tả, bệnh ngoài da,... Ngoài ra, CTYT lỏng chưa được xử lý, có hàm lượng chất hữu cơ cao, khi thải ra hệ thống sông ngòi sẽ khiến vi sinh trong nước phát triển vì vi sinh ăn chất hữu cơ để sống, từ đó trong nước sẽ có nhiều vi sinh. Chất hữu cơ trong nước càng nhiều càng dễ làm cho màu nước thay đổi, phát sinh mùi, có khả năng giúp vi sinh yếm khí hoạt động, làm nước thiếu oxy, cá tôm sống trong khu vực không sống được, gây thiệt hại nguồn lợi thủy hải sản và gây mất cân bằng sinh thái môi trường. Chưa kể các nguy cơ không lường hết được khi CTYT lỏng chứa đầy chất độc hại không được xử lý trước khi đổ ra hệ thống cống công cộng.

CTYT rắn, khi đốt không triệt để hoặc đốt kiểu thủ công (lò được xây bằng bê tông, bỏ rác vào rồi chế dầu đốt) có khả năng sản sinh ra nhiều chất độc với môi trường, trong đó có cả chất Dioxin, một chất quen thuộc có trong chất độc màu da cam. Theo công bố của WHO, Dioxin là chất độc nhất trong số 29 đồng phân độc nhất có thể phát sinh trong quá trình thiêu đốt CTYT rắn và nó chỉ bị phân hủy ở một công nghệ thiêu đốt tiên tiến. Dioxin trong chất da cam từng được biết đến như thủ phạm gây quái thai, dị dạng và các bệnh ung thư cho người. Trong trường hợp không thiêu đốt CTYT rắn mà phải chôn lấp thì nguy cơ ô nhiễm đất và ô nhiễm mạch nước ngầm lại rất cao nếu quy trình chôn lấp không nghiêm ngặt... Vì thế, để việc xử lý CTYT ở các đơn vị y tế tốt hơn, ngành chức năng cần chấn chỉnh và có biện pháp chế tài cụ thể đi kèm. Ngoài ra, cũng cần giám sát nghiêm việc thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý CTYT theo đúng qui định.

* Thượng tá Lê Văn Chì, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường Công an TP Cần Thơ:
“Nghiêm túc xử lý CTYT nguy hại đúng qui định”

- Cảnh sát môi trường cùng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các sở, ngành đã đi kiểm tra hệ thống xử lý CTYT ở một số BV lớn, trong đó có BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Qua kiểm tra, đoàn nhận thấy hệ thống xử lý CTYT lỏng của BV đã quá tải, do lượng bệnh nhân quá đông, hoạt động vượt quá công suất thiết kế ban đầu. BV cũng thừa nhận điều này. Chúng tôi cũng đề nghị BV có kế hoạch nâng cấp hay xây dựng mới hệ thống xử lý CTYT lỏng đủ công suất hoạt động để xử lý hết nước thải của BV.

Theo Luật Bảo vệ môi trường quy định, nếu chúng tôi phát hiện đơn vị vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, lần đầu sẽ là nhắc nhở, tiếp theo nếu không khắc phục mới xử phạt hành chính. Vì thế, Cảnh sát môi trường chưa xử phạt hành chính đơn vị y tế nào vi phạm xử lý CTYT. Tuy nhiên, theo Luật qui định, BV cũng như các doanh nghiệp, nếu vi phạm, căn cứ mức vi phạm để xử phạt, nếu vi phạm nhiều lần, không khắc phục... cũng có thể bị đóng cửa, ngừng hoạt động.

Cảnh sát môi trường sẽ tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở mọi người, mọi ngành nói chung và ngành y tế nói riêng chấp hành quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Các đơn vị y tế để CTYT chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn, chưa đúng quy định ra môi trường sẽ bị xử phạt theo quy định.

* Bà Bùi Thị Lệ Phi, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ:
“Xử lý nghiêm đơn vị vi phạm xử lý CTYT”

- Ngành Y tế TP Cần Thơ rất quan tâm đến CTYT. Vì thế, ngành chỉ đạo các BV thực hiện phân loại, thu gom CTYT theo tinh thần của quy chế quản lý CTYT ban hành theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 30/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Chỉ thị số 14/2009/CT-UBND ngày 25/9/2009 của UBND TP về việc tăng cường công tác quản lý CTYT và các văn bản quy phạm pháp luật về vệ sinh môi trường.

TP Cần Thơ hiện có 21 BV, với 8 lò đốt, trong đó có 5 lò đốt tại các BV đa khoa quận, huyện (xử lý CTYT rắn tại chỗ) và 3 lò đốt tại thành phố (BV 121, BV Đa khoa Tây Đô, BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ). Lò đốt tại BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ xử lý CTYT rắn cho tất cả các BV trên địa bàn 3 quận: Ninh Kiều, Cái Răng và Bình Thủy. Đối với CTYT lỏng, toàn thành phố có 9 BV có hệ thống xử lý CTYT lỏng đạt tiêu chuẩn, 12 BV qua hệ thống lắng lọc trước khi thải ra môi trường. Nhìn chung, ngành đã chỉ đạo thường xuyên đối với các đơn vị y tế thực hiện nghiêm việc xử lý CTYT rắn và lỏng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn không ít khó khăn. Nguyên nhân là một số BV tuyến thành phố, trước đây là của đơn vị tư nhân, được nâng cấp thành BV, nên không có hệ thống xử lý CTYT lỏng, diện tích chật hẹp nên không thể xây dựng hệ thống xử lý CTYT lỏng đạt tiêu chuẩn. Một số BV tuyến quận, huyện mới chia tách, tạm thời hoạt động ở các phòng khám đa khoa khu vực. Cơ sở đang trong thời kỳ xây dựng mới nên cần có thời gian để hoàn thành...

Để nâng cao hiệu quả xử lý CTYT, ngành y tế đã có kế hoạch xử lý CTYT giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, hệ thống các BV công lập xây mới phải có hệ thống xử lý CTYT lỏng đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường. Việc xử lý CTYT rắn thực hiện theo 2 mô hình: Mô hình 1, cơ sở xử lý và tiêu hủy CTYT nguy hại cho cụm cơ sở y tế. Mô hình 2 là xử lý và tiêu hủy CTYT rắn nguy hại tại chỗ.

Đối với phòng khám bệnh tư nhân Sở Y tế TP Cần Thơ đã có công văn chỉ đạo thực hiện xử lý CTYT đúng quy định, hợp đồng với các cơ sở y tế có lò đốt để thu gom và xử lý. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho Phòng Y tế quận/huyện kiểm tra thường xuyên những cơ sở y tế tư nhân cố tình vi phạm để xử lý theo quy định hiện hành.

* Ông Tô Minh Giới, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ:
“Tập trung xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế đạt chuẩn”

- Việc xử lý CTYT là vấn đề bức thiết, lãnh đạo thành phố đã và đang xúc tiến làm. Trước mắt là làm tốt xử lý CTYT của BV để đảm bảo vệ sinh, an toàn sức khỏe người dân, góp phần cải thiện môi trường sống. TP Cần Thơ tăng cường chỉ đạo, tạo điều kiện và nhắc nhở đôn đốc ngành y tế làm tốt trong khả năng cho phép. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là hệ thống cơ sở vật chất của các BV chưa đạt chuẩn, đang trong giai đoạn xây dựng và phát triển. Vì thế, chủ yếu tập trung giải quyết vấn đề cơ sở vật chất, trang thiết bị, chưa thực sự quan tâm đến việc xử lý CTYT.

Năm 2010, TP Cần Thơ sẽ chỉ đạo quyết liệt hơn về vấn đề xử lý CTYT lỏng và rắn. Chúng tôi sẽ tiến hành cuộc kiểm tra, giải quyết 2 vấn đề: CTYT rắn sẽ được tổ chức thu gom, đốt tập trung, theo quy định của Bộ Y tế, tuyệt đối không thải ra chung với chất thải sinh hoạt làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân. Đối với CTYT lỏng, chúng tôi nghiên cứu, tổ chức đoàn cán bộ y tế, lãnh đạo các địa phương tham quan học tập cách xây dựng lắp đặt, vận hành và quản lý hệ thống xử lý CTYT lỏng ở những đơn vị làm tốt như: BV Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), BV Hải Dương... Từ đó, tập hợp ý kiến trình UBND TP kế hoạch thực hiện xử lý triệt để CTYT, phấn đấu năm nay, phải có 1/3 trong tổng số BV đã hoàn thiện cơ sở vật chất có hệ thống CTYT rắn đạt tiêu chuẩn môi trường.

Mặc dù khó khăn hiện nay vẫn là vấn đề tài chính. Tuy nhiên, điều đáng mừng là tại Hội nghị Triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2010, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được tổ chức đầu tháng 1-2010 tại Hà Nội vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh và đưa vào Nghị quyết của Chính phủ là: bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; tăng cường công tác bảo vệ môi trường... Trong tiêu chuẩn về an sinh xã hội có việc chuẩn hóa và phát triển các BV- sẽ giúp các địa phương thực hiện thắng lợi mục tiêu an sinh xã hội, môi trường, giáo dục, y tế... Cụ thể sẽ xây dựng các BV, TYT theo hướng đạt chuẩn, xây dựng hệ thống xử lý CTYT hoàn chỉnh và thực hiện bằng nguồn kinh phí nhà nước. Đồng thời triển khai vấn đề này cho lãnh đạo ngành y tế hướng dẫn các BV, TTYT, TYT xây dựng đề án chung, có lộ trình và bố trí kinh phí theo từng giai đoạn cụ thể...

BÍCH HOA

Anh Nguyễn Đức Dũng, phụ trách lò đốt CTYT rắn, đang vận hành lò đốt tại BV Lao và Bệnh phổi Cần Thơ. &#

Chia sẻ bài viết