19/02/2008 - 21:22

Đồng bằng sông Cửu Long

Báo động cầu hư hỏng, mất an toàn

Cầu Phú Phụng nằm trên tuyến quốc lộ 57 thuộc huyện Chợ Lách, Bến Tre hư hỏng nặng.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) kênh rạch chằng chịt, nổi tiếng cả nước là xứ có nhiều cầu, cống. Trong mấy năm gần đây, tình trạng hàng loạt cây cầu trên các tuyến quốc lộ đã và đang bị xuống cấp, hư hỏng trầm trọng, khiến cho người dân và các phương tiện giao thông qua lại nơi đây không khỏi lo lắng vì ách tắc giao thông và nguy cơ mất an toàn.

Anh Nguyễn Hoàng Sơn ở xã Sơn Định, huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) than thở: “Mỗi lần qua cầu Cái Mơn Lớn hay cầu Chợ Lách tôi thấy ớn lạnh xương sống. Mình chỉ lơ là, thiếu cẩn thận chút xíu, không rơi tỏm xuống sông thì cũng sứt đầu, mẻ trán”. Cây cầu sắt Phú Phụng nằm trên quốc lộ 57 từ phà Đình Khao đi Chợ Lách đã có tuổi hơn nửa thế kỷ, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. Mặt cầu được lót tạm bợ bằng những tấm sắt cong vênh. Mỗi khi có phương tiện qua lại trên cầu, tấm sắt ấy lại hệt như chiếc cầu bập bênh nhô lên khỏi mặt cầu, khác nào “chiếc bẫy” đối với xe hai bánh và người đi bộ. Trên tuyến quốc lộ 57 đi qua địa phận huyện Chợ Lách, chưa đầy 30 km thì đã có 10 chiếc cầu hư hỏng, xuống cấp nặng, có thể đổ sập bất cứ lúc nào, nếu không được đầu tư sửa chữa, xây dựng mới. Điển hình là cầu Cái Mơn Lớn và cầu Chợ Lách bị xuống cấp nghiêm trọng nhất. Mố cầu bị sạt lở, nhiều thanh ván lót mặt cầu bị mục gãy, lộ từng mảng trống hơ trống hoác. Tải trọng cầu chỉ còn 5 tấn nhưng hằng ngày vẫn phải gồng mình cho hàng nghìn phương tiện giao thông lớn nhỏ qua lại. Do tình trạng nhiều cây cầu bị hư hỏng, xuống cấp nặng, ngành chủ quản đã liên tục hạ tải, cấm các phương tiện có tải trọng lớn qua cầu, gây khó khăn cho vận chuyển, lưu thông sản phẩm hàng hóa. Mặt khác, do đây là những cây cầu trên tuyến độc đạo, nếu xảy ra tai nạn sập cầu thì giao thông trên toàn tuyến sẽ bị tê liệt và thiệt hại về kinh tế khó có thể lường hết.

Cũng vì hiện trạng xuống cấp như vậy, cuối năm 2006, cầu Kinh Năm (Cà Mau) bị sập, làm một xe tải và một xe máy rơi xuống sông. Tiếp đó, vụ sập cầu Bưng Sen trên quốc lộ 53 thuộc ấp Xoài Xiêm, xã Ngãi Xuyên, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Ngày 26-4-2007, cầu Rạch Sỏi (Kiên Giang) bị sập, làm 7 người rơi xuống sông...

Tuyến quốc lộ 80, tuyến giao thông huyết mạch ở tỉnh Kiên Giang, quốc lộ 91 nối Cần Thơ với Long Xuyên và tuyến quốc lộ Long Xuyên - Cao Lãnh có tới 17 cây cầu (rộng 3 mét, tải trọng 8 tấn) hiện đang trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng nặng, nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào. Cầu Cái Dâu thì mố cầu bị sạt lở, mặt sàn và các thanh dầm rạn nứt, từng mảng bê tông lòi sắt hoen gỉ. Cầu bị hư hỏng đến mức người ta phải làm thêm một cây cầu sắt lắp ghép lót ván bắc chồng lên trên để phương tiện giao thông qua lại. Tuy vậy, cây cầu “phụ” đó cũng đang hư hỏng nặng, mặt sàn cong oằn, các thanh sắt, ván lót mục gãy, lộ ra từng mảng trống. Mỗi khi ô tô chạy qua là cây cầu rung đảo, rất nguy hiểm.

Tuyến quốc lộ 91 từ TP Cần Thơ đi An Giang hiện có đến 8 cây cầu đang bị hư hỏng nặng. Đặc biệt cầu Nguyễn Trung Trực nằm tại thành phố Long Xuyên cũng trong tình trạng tương tự, gây nên tình trạng tắc đường vào giờ cao điểm.

Trên tuyến quốc lộ 1A, được coi là huyết mạch nối các tỉnh ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh và các vùng, miền trong cả nước (đoạn Tiền Giang tới Vĩnh Long) có cây cầu Mỹ Thiện đã quá cũ, thuộc địa phận xã Thiện Trí, huyện Cái Bè. Mặt cầu đầy ổ gà, các loại xe khi qua cầu phải đi hình chữ chi để tránh các lỗ thủng.

Tại Sóc Trăng, các cầu Ba Rinh ở xã Đại Hải, cầu Kinh Xáng, cầu Khánh Hưng (TP Sóc Trăng), cầu Nhu Gia (huyện Mỹ Xuyên) và cầu Phú Lộc (huyện Thạnh Trị)... đều đã quá già cỗi, từ lâu vẫn đang chờ được nâng cấp hoặc làm mới.

Ông Huỳnh Văn Dũ, Hạt trưởng Hạt quản lý đường bộ 14-3 thuộc Công ty Quản lý sửa chữa đường bộ 714 (Khu quản lý đường bộ 7) băn khoăn nói: “Thấy cầu hư chúng tôi cũng lo lắng lắm. Nhưng chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện nơi nào cầu đường hư thì sửa chữa, giặm vá chứ chẳng biết đến bao giờ có kế hoạch bắc cầu mới thay thế hay không”.

Trong những năm qua, các tuyến quốc lộ ở vùng ĐBSCL phần lớn đã được nâng cấp, xây dựng mới nhưng hệ thống cầu trên các tuyến đường vẫn trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp, dẫn tới đường thoáng mà cầu chưa thông. Một số cây cầu xuống cấp ở vào diện cấp bách lắm cũng chỉ được ngành giao thông vận tải duy tu, sửa chữa tạm. Bộ Giao thông Vận tải đã có kế hoạch đầu tư xây dựng mới các cầu trên quốc lộ 57 và dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 80 trong đó có 28 cây cầu thuộc diện phải xây mới và nâng cấp thay thế số cầu cũ nhưng việc triển khai thi công, xây dựng các dự án này vẫn diễn ra rất chậm. Cầu Cái Gia Lớn (mới) nằm trên tuyến đường qua xã Tân Hội, thị xã Vĩnh Long, mặc dù đã khởi công xây dựng đã gần 3 năm nhưng đến nay công trình này cũng mới chỉ thi công được hai trụ, còn những cây cầu khác chỉ mới làm phần nền, đường dẫn.

Trong khi chờ xây dựng cầu mới thay thế thì những chiếc cầu quá già cỗi này vẫn phải “gồng mình” chuyển tải hàng nghìn lượt người, phương tiện qua lại mỗi ngày. Người tham gia giao thông trên các tuyến đường này vẫn tự hỏi chẳng biết đến bao giờ mới hết nỗi sợ mỗi khi phải đi lại trên những cây cầu như thế. Xây dựng các tuyến giao thông cần phải có quy hoạch, kế hoạch đồng bộ giữa cầu và đường. Tình trạng cầu quá cũ trên đường mới mở không những gây ách tắc giao thông mà còn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn về người và phương tiện tham gia giao thông. Chính quyền các địa phương, ngành chủ quản và cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp khắc phục tình trạng còn khá nhiều cây cầu bị hư hỏng, xuống cấp trên các tuyến quốc lộ ở vùng ĐBSCL.

•Bài, ảnh: ĐĂNG QUANG

Chia sẻ bài viết