08/10/2021 - 11:17

Bài toán đố “đầu vào”, “đầu ra”! 

Khi nới lỏng giãn cách xã hội, trở lại cuộc sống bình thường, ước mơ đơn giản của những nhà vườn là hàng hóa không ứ đọng như mấy tháng nay, mua bán thuận lợi; tiếp tục nuôi hy vọng làm hàng Tết. Ðối với những doanh nhân: Ước gì đầu vào làm hàng xuất khẩu đừng quá khó. Mấy mùa trái chín trôi qua, mọi người hiểu rằng mua bán thông thương, trôi chảy, an lành, mong... sẽ dần trở lại.

Anh Đặng Mạnh Khương (bìa trái) xây dựng mối quan hệ với nhà vườn, kết nối chuỗi cung ứng bền vững ở các tỉnh để xuất hàng đi Canada, Ba Lan. Ảnh: KMD

Anh Đặng Mạnh Khương (bìa trái) xây dựng mối quan hệ với nhà vườn, kết nối chuỗi cung ứng bền vững ở các tỉnh để xuất hàng đi Canada, Ba Lan. Ảnh: KMD

Khoảng cách cung - cầu

Khi mọi việc có thể trở lại bình thường thì “đầu vào”, “đầu ra” vẫn là bài toán đố! Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu - Ngô Tường Vy nói rằng, hiện nay các địa phương lo lắng đầu ra nông sản trong khi doanh nghiệp luôn bận tâm đầu vào.

Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu đã đầu tư nhà máy công suất 300-500 tấn/ngày ở Tây Nguyên và hy vọng trong mùa vụ tới, tỉnh Ðắk Lắk có thể cung cấp cho Chánh Thu 3.000 tấn sầu riêng. Nỗi lo lớn nhất của Ngô Tường Vy vẫn là nguồn nguyên liệu đầu vào. “Tôi kỳ vọng vào việc xây dựng cách nghĩ về nguồn cung ổn định trong nông dân” - Ngô Tường Vy nói sau mấy tháng liền ở Tây Nguyên.

Nông dân luôn băn khoăn đầu ra và doanh nhân rất băn khoăn nguồn đầu vào do khoảng cách vô hình? Các cuộc nối kết sản xuất - tiêu thụ nông sản cho thấy mọi thứ trở thành hữu hình. Trong khi chúng ta luôn kêu gọi tìm đầu ra cho nông sản, nhưng siêu thị tràn ngập sản phẩm ngoại nhập; trong khi doanh nghiệp đang phải chịu chi phí logistics rất cao thì các các nguồn cung lại nhỏ lẻ, manh mún; trong khi doanh nghiệp không có nhân sự chuyên trách kết nối các đầu mối cung ứng nông sản ở địa phương thì không ai đứng ra giúp thuận lợi hóa hoạt động điều vận, chuyên chở…

Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam, nói rằng, đến năm 2025, Công ty dự kiến phát triển chuỗi với 10.000 cửa hàng/siêu thị Nutri Mart, bao tiêu nông sản tươi và sản phẩm chế biến sâu, dược liệu, nhưng sản lượng các loại nông sản, thực phẩm chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn rất ít, khi đưa hàng vào hệ thống siêu thị, giá niêm yết mà “nay giá này, mai giá khác”… Doanh nghiệp mong muốn có ai đó đứng ra đóng vai trò điều phối giữa nhà cung cấp và các doanh nghiệp thu mua, bán lẻ; có ai đó chung tay khắc phục những chướng ngại hữu hình.

Trong cuộc kết nối cung cầu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cũng cho thấy giữa ÐBSCL và Tây Nguyên đang đua nhau phát triển những cây trồng khá giống nhau, trong đó có sầu riêng, mít, nhãn, xoài, khoai lang… với sản lượng lên tới hàng trăm ngàn tấn. Riêng Lâm Ðồng phát triển 10.000ha sầu riêng, sản lượng 100.000 tấn/năm. Gia Lai có 18.000ha (chủ yếu là bơ, sầu riêng, chanh leo, mít, chuối, xoài…) và 34.000ha rau các loại.

Theo ông Ðinh Cao Khuê, Chủ tịch Hội đồng quản trị DOVECO, dứa, khóm trồng tại Tây Nguyên có đặc điểm ít sâu bệnh, năng suất cao với 45-70 tấn (tùy loại Cayene hay Queen). Hiện nay, DOVECO có 1.200ha trồng dứa tại Gia Lai. Do nhu cầu tiêu thụ 200-250 tấn/ngày, DOVECO sẽ cung cấp giống và hợp đồng bao tiêu sản phẩm đối với người trồng nguyên liệu.

DOVECO có 11.000ha diện tích trồng chanh leo cung cấp cho 4 nhà máy chế biến, được dự báo thiếu nguyên liệu trầm trọng và kêu gọi các địa phương, các đơn vị ở khu vực Tây Nguyên tiếp tục trồng và phát triển chanh leo theo quy mô lớn. Công ty này có nhu cầu số lượng lớn đối các loại trái cây như xoài, bơ…

Ðất Tây Nguyên màu mỡ, có điều kiện thuận lợi trong việc phát triển đồn điền, nông trại quy mô lớn nên dễ thu hút dòng vốn cả trong và ngoài nước vào vùng này. Mega Market (nhà đầu tư Thái Lan) thành lập trạm thu mua, trung chuyển tại Lâm Ðồng, trực tiếp liên hệ với nông dân để có cam kết sản lượng, sản phẩm, quy trình từ lúc chọn giống đến khi thu hoạch để có sản phẩm đúng tiêu chuẩn, quy cách và an toàn. Mô hình này sẽ tiếp tục nhân rộng ra Kon Tum, Ðắk Nông.

Con đường riêng của “Khương Tây Đô”

Tài khoản Zalo, Facebook của “Khương Tây Ðô” (Ðặng Mạnh Khương) - một thương nhân thầm lặng làm hàng xuất sang Canada, Ba Lan, Nga, Nhật… không có sự khác biệt giữa hai tình huống bắt đầu chiến lược “Zero COVID” và khi chiến lược này thay đổi.

Khương cứ mô tả cuộc sống bình dị của những khu vườn với chiếc smart phone, khi thì những chiếc xuồng đầy sầu riêng, lúc thì cắt những trái vú sữa tươi ngon mới hái... Trong hơn 3 tháng qua, mỗi tháng Khương vẫn xuất được một vài container. “Không nhiều, nhưng làm đâu chắc đó” - Khương nói.

Trong khi những thương nhân khác gom hàng sầu riêng Mon Thoong, Musang King, nhãn Idor, mít Thái… thì Khương “đánh hàng” Ri6, vú sữa bơ, thanh nhãn… thuộc dòng hàng bản địa.

Từng làm việc trong hệ thống nông nghiệp của nhà nước, làm cho các tập đoàn như Masan, Lộc Trời, Vineco… tới khi quyết định chọn con đường riêng, Khương tự xây dựng đầu mối kết nối xuất khẩu, trải nghiệm tất cả mặn ngọt chua cay trong tất cả các khâu. Cách làm của Khương là thực hiện những đơn hàng nhỏ nhưng tất cả phải “chuẩn”, minh bạch, hiểu rõ thực lực của nhau và đó là cách vận hành B2B an toàn nhất. Từ hồi tham gia vào chuỗi giá trị cây ăn trái, Khương chưa thực hiện đơn hàng nào cho Trung Quốc vì tự cho mình làm ăn nhỏ và không muốn vướng vào chuyện “nhức đầu”.

Từ nay đến Tết, Khương làm hàng cho Canada, Ba Lan, Nhật… đáp ứng phần nào nhu cầu cho người Việt hoặc người gốc Á. Số lượng xuất khẩu ít, nhưng chất lượng phải tuyệt hảo, xứng đáng để trả phí hàng không và người tiêu dùng cảm thấy xứng đáng để trả giá cao.

Hơn hai giờ đồng hồ trò chuyện với Khương, người ta nói “gan trời” mới dám làm như Khương vì COVID-19 mang bóng tối trùm lên mọi thứ trong khi anh vẫn thản nhiên rà nguồn hàng, lọc lựa, thu gom, giữ các mối nối với bên ngoài. Tùy thị trường, cứ làm ăn chuẩn mực, từ quy trình, quy cách, tính chính xác thời gian hái, vận chuyển và độ chín… quyết định thành công từng chuyến hàng. Ðã 4 năm nay Khương phải tự ra quy cách vì Việt Nam không có tiêu chuẩn, quy cách định hướng cho từng loại nông sản xuất khẩu.

“Một trái bưởi đi EU trọng lượng trung bình 1,1-1,2 kg/trái, đi Trung Quốc 1,3-1,6 kg/trái, Trung Quốc không mua thì trái lớn cũng thành hàng chợ vì không lọt vô size nào đi EU hay các nước khác” - Khương đưa ra ví dụ. Mỗi thị trường có những quy chuẩn tùy theo phân khúc mà họ đặt hàng. Có những nhà buôn đưa ra những quy chuẩn phá rào, đặt hàng, buông đuôi phá bĩnh chỉ vì Việt Nam không có quy chuẩn định hướng.

Lại nói về cách lọc dòng cây trái bản địa của “Khương Tây Ðô”, theo Ngô Tường Vy giá trị của sầu riêng Ri6 và những cây trái bản địa khi chào bán đặc sản sang các nước rất tốt.

Thái Lan có những quy chuẩn đánh giá theo màu (độ chín) trên bao bì dù là một ký chôm chôm. Khi nhà vườn trồng chôm chôm, mít Thái, sầu riêng Mon Thoong, xoài Thái… khâu sau thu hoạch rất hời hợt chứ không chỉn chu như họ. Do mượn danh nên chào bán, đề cao hàng Thái không thể như dân chính quốc. Trung Quốc là “bạn hàng” không phân biệt sầu riêng Thái, mít Thái, xoài Ðài loan… trồng ở đâu. Do đó khi họ giảm số lượng nhập khẩu từ Việt Nam và tăng nhập khẩu từ Thái là chuyện bình thường. Bởi vì trồng ở Việt Nam thì cũng là giống của Thái. Người trồng ở Việt Nam đã cho họ thêm quyền lựa chọn nhập khẩu nơi nào có lợi nhất. Trong khi đó, sử dụng giống ngoại nhập từ Thái có thể chưa gặp khó khăn gì, nhưng nếu xuất khẩu thì… cần hiểu rằng muốn được tôn trọng thì đừng xâm phạm bản quyền của người khác, vì đó là việc cấm kỵ trong xã hội văn minh.

CHÂU LAN

Chia sẻ bài viết