15/06/2015 - 21:32

Vàng trong cát và nhà tù Côn Đảo!

Bài cuối: NGƯỜI CỰU TÙ CÔN ĐẢO...

 Ông Tư Dót đang xem lại hồi ký của mình viết từ hơn 10 năm về trước...

Trong khoảng 10 cựu tù Côn Đảo đang sống ở thành phố Cần Thơ có ông Nguyễn Văn Dót (Tư Dót), sinh năm 1924 tại Phụng Hiệp; nguyên quán An Bình-Cần Thơ. Ông bảo "kỷ vật Côn Đảo" của ông không phải là hiện vật, mà là ở trong xương...

1

Qua buổi chuyện trò thân mật đầy thú vị, tôi phát hiện ra "kỷ vật" ấy chính là bài thơ "Tâm tình qua trang sử". Ông đọc bài thơ ấy 2 lần cho tôi nghe, lần thứ hai không "dị bản", không một lần ngập ngừng hay vấp váp. Tôi ghi lại và đếm - tất cả 24 câu trong toàn bài (tôi không yêu cầu ông đọc hết). Ông cho biết mình không rõ ai là tác giả bài thơ, chỉ được nghe truyền miệng và học thuộc, rồi hằn sâu ký ức...

Lý lịch đảng viên của ông (viết từ năm 1976), phần hoàn cảnh gia đình ghi rõ: "Lúc còn nhỏ sống với cha mẹ. Cha mẹ nghèo mướn đất địa chủ để làm, đến mùa khô phải đong lúa ruộng và trả lúa vay. Năm nào qua tháng 9, tháng 10 bị đói thường ăn bữa cơm bữa cháo, có lúc phải độn khoai độn chuối. Khi hết mùa ruộng, ba má đi làm mướn hàng ngày để phụ thêm, cuộc sống rất khổ sở. Đến 9 tuổi, mẹ đau nặng nhiều ngày rồi chết, ở hẩm hút với cha. Cha nuôi con không nổi nên có cho một đứa em ruột tên Ngà về Bạc Liêu. Đứa em kháng chiến, đã hy sinh năm 1971, hiện bỏ lại 5 đứa con. Anh tên Nguyễn Văn Hiếm đang ở xã An Bình - Cần Thơ. Đến lúc tôi 13 tuổi làm ruộng phụ với cha, hết ruộng rồi đi làm mướn để sống qua ngày, cho đến năm 1945 là 20 tuổi bắt đầu tham gia kháng chiến chống Pháp và Mỹ cho đến nay".

Cụ thể quá trình hoạt động cách mạng của ông Tư Dót có thể tóm tắt như sau: Từ là thanh niên tiền phong, ông trở thành đội viên đội cảm tử Lê Bình năm 1946. Sau "giãn chính" về nhà (1 năm), đến 1948 ông trở thành liên lạc viên Ban tình báo thành Cần Thơ. Tháng 8 cùng năm, ông bị địch bắt cầm tù tại Cần Thơ đến cuối 1949 đày qua Mỹ Tho rồi thả về. Đầu năm 1950, được phân công làm Trưởng trạm II quân báo thành phố; cuối năm 1950 làm cộng tác viên xây dựng cơ sở bí mật thành phố Cần Thơ cho đến đình chiến - lúc này cũng công tác quân báo. Sau tháng 7-1954 là cán bộ binh vận thị xã Cần Thơ. Đến đầu năm 1957 là thị xã ủy viên, kiêm bí thư chi bộ, kiêm tổ chức giao liên tại thị xã.

Tháng 6-1957, ông bị địch bắt vào tù tại Cần Thơ rồi đưa đi Gia Định, lên Biên Hòa; đến cuối 1959, được trả tự do. Ra tù, ông trở lại công tác, làm cán bộ binh vận, đến gần cuối tháng 7-1960, lại bị địch bắt lần thứ 3 - kết án 10 năm khổ sai. Sau khi ở tù tại Cần Thơ rồi bị giải lên Chí Hòa, đến tháng 6-1962, ông bị đày ra Côn Đảo...

Đầu năm 1964, địch "xé" phòng (xáo trộn tù nhân nhằm cắt đứt đường dây liên lạc, lãnh đạo của tổ chức Đảng trong tù), ông được đưa về trại III (nơi giam tù chính trị có án). Những ngày đầu đi lao động khổ sai ngoài Sở Ruộng, ông cùng một số anh em bứt dây rừng bện tranh lợp chòi ruộng. Dần dần, các ông phải lao động nặng nhọc hơn, lại đói ăn, thiếu uống, thiếu thuốc, thiếu rau... trong khi quá dư thừa roi vọt, người thanh niên cao ráo, mạnh khỏe là ông - cũng như nhiều tù nhân khác - đã thay hình đổi dạng đến gần như là bộ xương khô...

Dù vậy, phong trào học tập chính trị trong tù tuy bí mật nhưng đều đặn, hiệu quả. Ông nắm bắt được kha khá thông tin từ bên ngoài - thông qua đường dây liên lạc, qua radio được bí mật tuồn vào - và bằng mọi cách, mọi nơi, kể cả nơi dơ bẩn nhất, đã được anh em tù nâng niu, giữ gìn như báu vật. Tháng 10-1964, ông kể cho bạn tù nghe chuyện báo Sài Gòn đưa tin Tổng thống Mỹ Kennedy bị ám sát; hỏa tiễn xuyên lục địa của Liên Xô thử thành công. Lúc ấy có 1 tên quân phạm chính trị gốc Mỏ Cày (Bến Tre) muốn tâng công, đã báo cáo sự việc này ra Ban an ninh Côn Đảo. Mấy ngày sau, bọn an ninh cử trật tự điều tra, đánh đập, khiến ông ra máu họng, gãy 1 xương sườn và 4 cái răng - về tội "vào tù còn tuyên truyền cho cộng sản"! Sau đó là những ngày dài ông bị tống vào xà lim của trại, vào chuồng cọp - bị còng cả đôi tay chân, ăn cơm lạt - rồi vào hầm đá... Mãi một tháng sau, chúng mới trả ông về Sở Ruộng, ở phòng 18, Trại III. "Tay" trật tự đánh đập, điều tra ông vốn đã biết ông - vì khi ông công tác quân báo thành ở Cần Thơ, hắn là nhân viên công an xung phong. Sau, hắn "ăn cướp" bị chính quyền Sài Gòn bắt, kêu án 20 năm đày ra Côn Đảo...

2

Năm 1970, khi chỉ còn 4 ngày nữa là mãn án, bọn cải huấn kêu ông ra hỏi "Mãn án, thả về, anh có cộng tác với chính phủ Việt Nam cộng hòa không?". Trả lời "Khi chưa thấy chính nghĩa, tôi không thể cộng tác". Ngay lập tức, trật tự đưa ông trở vào trại giam.

Nửa năm sau, chúng lại kêu ông lên, nói "Anh mãn án 6 tháng rồi, ở nhà chắc vợ con trông đợi lắm". Rồi, chúng cũng hỏi với câu hỏi lần trước. Ông cũng trả lời y như cũ. Tên cải huấn đỏ mặt, chửi "ĐM. Mày ngu quá, mày ừ đại đi. Mầy về, cơm quốc gia mầy ăn, áo quốc gia mầy mặc, súng quốc gia mầy cầm, mầy bắn lại quốc gia... Được không?". Ông vẫn im lặng, cười. Chúng lập tức làm giấy câu lưu ông "không thời hạn" ở trại VI khu A.

Vào đây, ông được tổ chức tập hợp vào chi bộ, được phân công làm trưởng ban đại diện phòng. Phòng giam thường có khoảng 100 anh em tù nhân; trưởng đại diện làm nhiệm vụ công khai, đấu tranh trực diện - gặp giám thị trại, gặp quản đốc nhà tù yêu cầu về dân sinh dân chủ, như: đòi trả tự do cho người mãn án; cơm đủ ăn, thuốc đủ trị bệnh; bữa ăn phải có rau, không ăn khô đắng, mắm chua...

Sau ký kết Hiệp định Paris 1973, đến tháng 4 cùng năm, tù Côn Đảo lên tới 9.579 người, trong đó tù chính trị chiếm 8.493 người. Dựa vào Hiệp định, tù chính trị Côn Đảo đòi thi hành Nghị định thư trao trả tù chính trị (trả đúng, trả hết); trong lúc chờ đợi phải cho tù nhân ăn uống đầy đủ, cho tắm nắng, trị bệnh, cho anh em tới lui thăm hỏi nhau... Phong trào đấu tranh càng lúc càng dâng cao, quyết liệt hơn; kết quả địch đã trao trả 5.081 tù chính trị cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam - qua 3 đợt, tại Lộc Ninh. Số khác, địch ém giấu lại Côn Đảo - ông Tư Dót là một trong hơn 3.000 người bị "ém giấu" ấy!

Đến tháng 2-1975, địch lại "xé" trại VI khu A, phân tán tù nhân qua các trại khác. Ông Tư Dót cùng 119 người khác bị đưa qua trại VII (còn gọi là khu chuồng cọp Mỹ, giai đoạn 73-75 thế kỷ trước được đổi tên là trại Phú Bình - NV); trong đó có phân nửa đưa về khu biệt lập. (Giai đoạn 1960-1970, Mỹ ngụy cho xây thêm các trại, từ V đến VIII. Trại IX và X xây dở rồi bỏ sau Hiệp định Paris 1973 - NV). Trại VII có 8 dãy phòng giam, từ A đến H, mỗi dãy gồm 48 phòng. Khi qua khu E, F, chỉ mới 6 ngày đã có 1 người chết, anh em đồng thanh hô la, phản đối chính quyền Sài Gòn để tù nhân chết. Viện cớ tù đấu tranh, địch không cho anh em tắm rửa, không cho đổ thùng cầu cả chục ngày... Cuộc đấu tranh vẫn không ngừng diễn ra...

Khoảng hai ngày cuối tháng 4-1975, bọn cầm quyền Côn Đảo nháo nhào, lần lượt tháo chạy... Chỉ còn trên đảo những tên bảo an, trật tự với thái độ không còn hung hăng nữa. Tuy vậy, anh em tù vẫn không hay biết gì về tình hình bên ngoài - do đã bị địch soát phòng lấy mất radio. Riêng bên nữ tù nhờ giấu lại được nên đã hay tin Sài Gòn giải phóng - nhưng không cách nào liên lạc, thông báo được với anh em. Trong lúc này, anh em đang chuẩn bị tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1-5, và xác định: sẵn sàng đấu tranh, chiến đấu, nếu địch ngăn cản, đàn áp...

Ngày 1-5-1975, Nhà tù Côn Đảo tự vùng lên giải phóng. Đảo ủy lâm thời được thành lập, mọi việc sắp xếp tổ chức, phân công trách nhiệm thu gom vũ khí, đào công sự bảo vệ đảo, tìm cách liên lạc với đất liền v.v... được nhanh chóng tiến hành. Chiều cùng ngày, anh em đã tiếp quản toàn bộ các cơ sở quân sự, hành chính, cảnh sát... kể cả 23 chiếc máy bay các loại mà địch còn bỏ lại tại sân bay Cỏ Ống. Mặt khác, kêu gọi số tù nhân, cùng binh lính các loại của địch đang lẩn trốn trên núi về, tích cực phổ biến 12 chính sách của Chính quyền và Mặt trận... Cho sửa ca nô vượt đảo về đất liền, cộng với liên tục phát sóng vô tuyến - để báo tin về đất liền "Côn Đảo đã được giải phóng"...

Đến chiều ngày 4-5-1975, tàu hải quân đã cập đảo, đón rước 549 tù chính trị diện đau yếu bệnh tật về đất liền chuyến đầu tiên... Theo lời kêu gọi của Đảng, cùng một số đồng chí khác, ông Tư Dót tình nguyện ở lại đảo công tác. Đến cuối năm 1975 do bệnh tật, ông về đất liền điều trị bệnh và ở lại Cần Thơ, tiếp tục công tác cho đến năm 1987 thì nghỉ hưu tới nay...

Bài, ảnh: NHƯ BĂNG

Chia sẻ bài viết