13/01/2021 - 08:11

Trẻ hóa cán bộ lãnh đạo và tầm nhìn chiến lược của Đảng

Bài 3: Để có đội ngũ lãnh đạo trẻ ngang tầm 

Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII, trình Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ (ĐNCB) các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ... Chú trọng cơ cấu hợp lý, sớm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ ở các cấp, nhất là ở cơ sở...”.

Điều đó cho thấy, việc trọng dụng cán bộ trẻ phải cần tiếp tục được các cấp từ Trung ương đến cơ sở đặc biệt quan tâm, dồn sức lãnh đạo, chỉ đạo để từng bước xây dựng được ĐNCB lãnh đạo trẻ ngang tầm.

Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình gặp mặt 56 cá nhân tiêu biểu nhận Giải thưởng “Cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ VII, tổ chức ngày 3-11-2020. Ảnh minh họa/TTXVN

Phá bỏ những định kiến trong tư duy về cán bộ trẻ

Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, nhiều đồng chí cán bộ trẻ là lãnh đạo chủ chốt ở các cơ quan, đơn vị, địa phương cho rằng, để xây dựng được ĐNCB trẻ ngang tầm nhiệm vụ thì trước hết cần thay đổi tư duy ngay từ ĐNCB lãnh đạo các cấp trong toàn hệ thống chính trị. Cần có cái nhìn rộng mở, đổi mới về nhận thức và đột phá về tư duy trong sử dụng, trao quyền cho cán bộ trẻ thì mới có thể hiện thực hóa được chủ trương của Đảng trên thực tế. Nếu vẫn cứ tuần tự theo độ tuổi, thâm niên, kinh nghiệm công tác... thì cán bộ trẻ có năng lực vượt trội sẽ mãi vẫn chỉ nằm trong quy hoạch và dừng lại ở mức “có triển vọng”. Khi họ được cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm thì hoặc đã luống tuổi, hoặc đã chuyển công tác. Như vậy, vừa lãng phí nguồn tài nguyên chất xám từ người tài, vừa tạo sức ì rất lớn trong công tác cán bộ (CTCB).

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cán bộ trẻ giống như những mầm cây, muốn cây phát triển tốt thì rất cần có môi trường, điều kiện thuận lợi, được chăm sóc, vun trồng thường xuyên. Bên cạnh đó, nhân tài cũng phải có “đất dụng võ”, thì tài năng mới được phát huy, nếu không cũng sớm bị mai một và làm thui chột nhân tài. Nếu như người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương dành nhiều tâm huyết, chăm lo bồi dưỡng cán bộ trẻ, trọng dụng nhân tài thì tất yếu nơi đó, cán bộ trẻ được tạo môi trường thuận lợi để phát triển, có điều kiện tốt để phát huy năng lực, sở trường và có giải pháp đột phá để từng ngành, lĩnh vực và địa phương mình phát triển mạnh mẽ hơn.

Ngược lại, người đứng đầu chỉ lo vun vén cho người nhà, người thân, chỉ vì lợi ích nhóm, cục bộ, bè cánh thì rất dễ để lọt vào đội ngũ lãnh đạo những người không xứng đáng. Như vậy cũng có nghĩa, tỷ lệ cán bộ trẻ tuy có đạt được chỉ tiêu nhưng không phản ánh được thực chất về chất lượng cán bộ. Bởi vậy, vẫn có chuyện không ít cán bộ trẻ được bổ nhiệm đúng quy trình nhưng dư luận vẫn thấy nghi ngại. Nếu người giới thiệu mà tâm không sáng, trí lu mờ thì mọi quy trình cũng chỉ là hình thức. Việc chọn nhầm người vẫn diễn ra và hậu quả là những cán bộ trẻ chưa kịp cống hiến đã vội hưởng thụ, lạm quyền dẫn đến vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật Nhà nước.

Hiện nay, ở nhiều cơ quan, địa phương, việc sử dụng, giữ chân được cán bộ trẻ có thực tài và tạo điều kiện cho họ có môi trường tốt hơn để phát huy tài năng còn nhiều khó khăn và bất cập. Thực trạng một bộ phận cán bộ công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” và sự trì trệ, với sức ì lớn của hệ thống khiến nhân tài, đội ngũ trí thức trẻ triển vọng không mấy mặn mà với môi trường làm việc. Bởi thế, việc thu hút người tài vào làm việc tại các cơ quan nhà nước vốn đã khó thì nay còn thêm tình trạng “chảy máu chất xám” từ khu vực công sang khu vực tư. Thu hút nhân tài vào khu vực nhà nước là để họ làm việc, cống hiến, không phải pha trà, rót nước, sai vặt... Những bất cập này đã và đang hiện hữu, đòi hỏi các cấp phải có chuyển động tích cực hơn trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, trí thức trẻ.

Lấy thực tiễn làm thước đo cán bộ trẻ

Trẻ hóa ĐNCB lãnh đạo là nhiệm vụ quan trọng mang tính chiến lược, nên cần thận trọng từng bước, từng khâu trong quy trình CTCB để không lọt vào hàng ngũ những người không xứng đáng. Trẻ hóa về cơ cấu độ tuổi, số lượng là cần thiết, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là chất lượng để có ĐNCB lãnh đạo trẻ hội tụ đủ đức, tài, ngang tầm nhiệm vụ. Trình độ năng lực, tài năng xuất chúng của cán bộ trẻ phải được chứng minh, kiểm nghiệm qua thực tiễn, chứ không phải đẹp, đúng, đủ về tiêu chí trên hồ sơ cán bộ. Bởi vậy, thử lửa cán bộ trẻ không gì khác bằng thực tiễn và trong thực tiễn. Do đó, lớp cán bộ “hạt giống” kế cận trước khi được bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo cao hơn, tất yếu phải được luân chuyển, kinh qua thực tiễn công tác tại cơ sở.

Việc luân chuyển cán bộ không nằm ngoài mục đích để cán bộ rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm và trưởng thành hơn trước khi được đề bạt, bổ nhiệm ở vị trí công tác mới. Nhiều ý kiến cho rằng, việc thực hiện luân chuyển đối với các chức danh tương đương là rất cần thiết; qua luân chuyển, điều động để đào tạo, bổ sung kiến thức toàn diện và kinh nghiệm thực tiễn cho cán bộ. Những trường hợp có triển vọng phát triển và được dự kiến bố trí vào chức vụ cao hơn thì luân chuyển vào các chức danh cấp trưởng ở những địa bàn, lĩnh vực trọng yếu, có nhiều khó khăn, phức tạp. Bởi thế, trong số 28 bí thư ở các đảng bộ cấp trực thuộc Trung ương từ dưới 50 tuổi trở xuống, nhiều đồng chí được điều động, luân chuyển đến công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đó là môi trường tốt nhất để cán bộ lãnh đạo trẻ được hòa mình vào thực tiễn cơ sở; tiếp tục rèn luyện, trưởng thành, cống hiến và thể hiện tài năng. Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: "Không phải cứ đi luân chuyển là để lên cao hơn, để về giữ chức nọ, chức kia. Phấn đấu để được đi luân chuyển, “chạy” luân chuyển, về nơi nào thuận, dễ, “ngon ăn”, nhưng về chỉ làm cấp phó thì chẳng thể hiện được gì, chưa đủ 3 năm lại ngấp nghé đòi về. Rồi cứ nghĩ đi luân chuyển để làm cán bộ chứ không phải để trưởng thành...".

Cán bộ trẻ như những mầm cây, nếu được ươm chiết, sinh trưởng trong nhung lụa, ươm trồng trong môi trường bao bọc không gió bụi, không nắng mưa, không va đập thì mầm cây đó chỉ được cái đẹp mã, nó che đậy đi cái khuyết thiếu, cái sơ sài bên trong, khiến nhiều người lầm tưởng là “chín đỏ”. Bởi thế mới có chuyện, không ít cán bộ trẻ học cao hiểu rộng, bằng nọ, bằng kia nhưng không vận dụng được gì vào thực tiễn vì chưa có ngày nào được sống cùng thực tiễn sinh động ở cơ sở, nên không hiểu cơ sở đang cần gì và đang gặp khó khăn, vướng mắc ở đâu.

Thực tiễn chính là thước đo khách quan, công bằng nhất để đánh giá trình độ, năng lực của cán bộ trẻ. Vì chỉ khi đem những tri thức đã thu nhận được qua nhận thức, đối chiếu với thực tiễn để kiểm tra, kiểm nghiệm mới khẳng định được tính đúng đắn của nó. Thông qua thực tiễn cũng đánh giá được mức độ rèn luyện, trưởng thành và tinh thần học hỏi, nâng cao kiến thức, trình độ của cán bộ trẻ đến đâu. Đúng như đánh giá của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Một bộ phận cán bộ coi việc luân chuyển đi cơ sở chỉ là hình thức, đi cho xong nghĩa vụ nên làm việc cầm chừng, phấn đấu cầm chừng. Cán bộ đi cơ sở nhưng không hòa mình vào cơ sở nên chưa đóng góp được gì cho đơn vị, địa phương đã ngấp nghé đòi về; chưa học hỏi, rèn luyện được bao nhiêu đã hết nhiệm kỳ luân chuyển...

Cần thêm những cú hích mang tính đột phá

Mạnh dạn sử dụng và trao quyền cho cán bộ trẻ nếu họ thực tài, đủ cả tâm lẫn tầm chính là bước đột phá cần thiết trong CTCB. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng cán bộ, để ĐNCB kế cận xứng đáng, ngang tầm nhiệm vụ thì cần phải tiếp tục bồi dưỡng, chăm lo và đồng hành, dìu dắt cán bộ trẻ. Không dừng lại ở đó, ngay trong quá trình này phải thường xuyên đánh giá lại cán bộ một cách thực chất, có như thế “những người hủ hóa cũng lòi ra”. Do đó, từ Trung ương, các cấp ủy cần thường xuyên đánh giá, theo dõi cán bộ lãnh đạo trẻ.

Để đánh giá đúng thực chất, đúng năng lực của cán bộ trẻ thì cần gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể có tính định lượng và lấy phiếu tín nhiệm tại nơi công tác để làm thước đo đánh giá năng lực là hết sức cần thiết. Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý phải căn cứ vào kết quả, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đối với cán bộ cấp chiến lược, việc đánh giá còn phải căn cứ vào kết quả đổi mới, sáng tạo; tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nói đi đôi với làm; khả năng thích ứng nhanh với tình hình thực tiễn, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành... Việc đánh giá cán bộ phải làm thường xuyên, hằng năm, trước khi kết thúc nhiệm kỳ hoặc trước khi chuyển công tác; kiên quyết không được nể nang, đánh giá theo kiểu qua loa, lấy lệ.

Hiện nay, có nhiều quy định, chính sách, hướng dẫn của các cấp về CTCB, nhưng vẫn chưa có quy định, chính sách cụ thể về xây dựng ĐNCB trẻ, nhất là cán bộ trẻ cấp chiến lược. Vì vậy, Trung ương cần xây dựng chiến lược phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và xây dựng ĐNCB trẻ cấp chiến lược. Ngoài ra, nên nhân rộng hình thức thi tuyển lãnh đạo trong một số cơ quan nhà nước (đang được triển khai thí điểm ở một số cơ quan và địa phương). Đây chính là biện pháp công tâm nhất để chọn “hạt giống”, là một trong những giải pháp để tránh tình trạng bổ nhiệm con ông cháu cha, hạn chế được chạy chức, chạy quyền.

Cách đây 5 năm, khi thảo luận về tiêu chuẩn, cơ cấu nhân sự, Đại hội XII của Đảng đã xác định, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII cần có cơ cấu 3 độ tuổi, trong đó dự kiến dưới 50 tuổi khoảng 15-20%; phấn đấu xây dựng cơ cấu, tỷ lệ cán bộ trẻ dưới 40 tuổi 4-6% (khóa XI là 2,2%). Kế thừa những kết quả đạt được, công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng được Trung ương đặc biệt chú trọng về chất lượng; bảo đảm tính kế thừa, phát triển và sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ cao cấp của Đảng. Đặc biệt, không để sót những cán bộ có đức, có tài, có triển vọng phát triển, có tín nhiệm cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh. Tại Hội nghị lần thứ 12, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã thống nhất số lượng và cơ cấu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; trong đó, chú ý tăng thêm tỷ lệ cán bộ trẻ và đặt mục tiêu dưới 45 tuổi khoảng trên 10% (nhiệm kỳ XII là 9,5%).

Như vậy, qua các giai đoạn phát triển, sau 12 kỳ đại hội, Đảng ta luôn nhất quán chủ trương trọng dụng, ưu tiên cán bộ trẻ, nhất là cấp chiến lược, bảo đảm luôn có tính kế thừa, đổi mới và phát triển. Yêu cầu đặt ra đối với toàn Đảng, từ Trung ương về đến cơ sở là cần phải tiếp tục kiên quyết, kiên trì xây dựng ĐNCB trẻ các cấp có đủ uy tín, phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ. Đây là vấn đề mang tính chiến lược nên từ việc nhất quán trong chủ trương thì cũng cần tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong hành động để bảo đảm chủ trương được thực hiện thống nhất, xuyên suốt ở các cấp.

Theo MINH MẠNH (Báo Quân đội Nhân dân)

Chia sẻ bài viết