10/04/2023 - 08:23

Vì sao nghị quyết thì hay thực hiện lại gay trăm bề

Bài 3: “Buông lỏng lãnh đạo”, “đánh trống bỏ dùi” trong triển khai thực hiện 

Nghị quyết dù hay đến mấy, nhưng nếu công tác lãnh đạo tổ chức thực hiện bị xem nhẹ, hoặc thiếu tính kế hoạch, thiếu quyết tâm, thì cái “hay” ấy cũng chẳng để làm gì. Trong khi đó, thời gian qua, nhiều tổ chức đảng vẫn chưa thật coi trọng công việc hệ trọng này.

Nặng việc ban hành, nhẹ việc triển khai

Trong không ít chuyến công tác về cơ sở, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ ý đặt câu hỏi với đồng chí bí thư cấp ủy ở một số địa phương: "Kết quả thực hiện nghị quyết nhiệm kỳ ở đảng bộ ta đạt đến đâu rồi? Có hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết theo đúng lộ trình, tiến độ không?". Trả lời những câu hỏi ấy, nhiều đồng chí bí thư cấp ủy hồn nhiên: “Đảng bộ địa phương chưa tiến hành công tác tổng kết nên cũng chưa nắm được cụ thể!”.

Nghe vậy, Tổng Bí thư nghiêm túc phê bình và nhắc nhở, việc ban hành nghị quyết là quan trọng, nhưng lãnh đạo triển khai còn quan trọng hơn. Nghị quyết chỉ có giá trị khi và chỉ khi các chủ trương, giải pháp được xác định trong nghị quyết trở thành hành động cách mạng của cán bộ, đảng viên, nhân dân và đi vào thực tiễn đời sống xã hội.

Câu chuyện xem nhẹ, buông lỏng việc lãnh đạo thực hiện nghị quyết xem ra đang là vấn đề rất nghiêm trọng. Đó là việc người đứng đầu tổ chức đảng không biết rõ nghị quyết đã triển khai thực hiện đạt kết quả đến mức nào. Có nghĩa, các tổ chức cơ sở đảng cứ mặc nhiên triển khai nghị quyết mà chưa thật quan tâm đến công tác lãnh đạo tổ chức thực hiện nghị quyết. Nhiều nơi có lối nghĩ rằng, nghị quyết lãnh đạo năm thì đến cuối năm tổng kết, nghị quyết nhiệm kỳ thì đến cuối nhiệm kỳ mới soi lại, đánh giá tổng quan; có hướng dẫn thì mới sơ kết nửa nhiệm kỳ hoặc làm theo yêu cầu của cấp trên.

Nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã thực hiện điều tra xã hội học ở 23 đảng bộ cấp xã, phường, thị trấn của 3 tỉnh khu vực Tây Bắc. Kết quả khảo sát mang đến những băn khoăn, lo ngại. Theo đó, người đứng đầu và cấp ủy khẳng định là có triển khai nghị quyết, nhưng phần đa đảng viên chỉ biết và nắm mơ hồ về nội dung; thậm chí không rõ tên nghị quyết. Hơn 92% số lượng đảng viên được khảo sát cho rằng, vì cấp trên yêu cầu học quá nhiều nghị quyết nên chỉ để tâm tới những nghị quyết liên quan đến thực tế địa phương và cương vị, chức trách công tác. 96% cho rằng, không nên để tình trạng nghị quyết lãnh đạo về phát triển kinh tế biển lại yêu cầu cán bộ ở khu vực miền núi tổ chức học tập... Như vậy, nguyên nhân của việc “thả trôi” nghị quyết có tác động từ nhiều yếu tố, chứ không đơn thuần thuộc trách nhiệm của tổ chức đảng ở cơ sở.

Việc không quan tâm đến công tác lãnh đạo triển khai nghị quyết là một thực tế rất đáng báo động. Đó chẳng khác nào tổ chức đảng “vứt” hàng loạt chủ trương, giải pháp, chỉ tiêu vào thực tiễn, rồi để nó tự vận động, tự trôi dạt, mà thiếu theo dõi, kiểm tra, điều chỉnh, bổ sung. Thành thử, qua năm tháng, các chỉ tiêu nghị quyết đạt được đến đâu, chỉ tiêu nào đã hoàn thành sớm, kinh nghiệm lãnh đạo hoàn thành; chỉ tiêu nào khó đạt được, cần tập trung sức lãnh đạo; hay những vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung, thay đổi trong quá trình thực hiện nghị quyết... thì chính tổ chức đảng triển khai lại không nắm bắt được. Cũng vì thế mà sinh ra tắc trách, mất thời cơ lãnh đạo hoàn thành các chỉ tiêu nghị quyết; tạo sự ngắt quãng trong công tác vận hành lãnh đạo của hệ thống tổ chức đảng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “... Mệnh lệnh và nghị quyết cũng như mạch máu. Mạch máu chạy đều khắp thân thể thì người mạnh khỏe. Mạch máu dừng lại đâu, không chạy thì chỗ đó sẽ tê liệt, sinh bệnh. Mệnh lệnh và nghị quyết đi mau, đi suốt từ trên đến dưới, công tác mau chóng, việc gì cũng xong xuôi. Nó ngừng lại cấp nào, từ cấp đó trở xuống là tê liệt”.


Minh họa: MẠNH TIẾN 

Thực trạng trên khiến không ít nghị quyết với nhiều chỉ tiêu “đẹp” và mỹ từ, có cả những nghị quyết rất đúng và hay nhưng chậm đi vào cuộc sống, ít trở thành hiện thực sinh động, chưa tạo ra được nhiều của cải vật chất và văn hóa, mang lại hạnh phúc và giàu có cho nhân dân... PGS, TS Đỗ Duy Môn, Học viện Chính trị nêu nhận định: “Đây chính là một nguyên nhân quan trọng khiến nghị quyết của Đảng khó đi vào cuộc sống, khó dẫn dắt, soi đường cho thực tiễn. Và đây cũng chính là lý do dẫn đến thực tế, dù rằng nghị quyết rất hay, nhưng triển khai thực hiện lại gay trăm bề”.

Một cách làm có thể tham khảo ở Đảng bộ tỉnh Yên Bái là Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc phải luôn làm tốt công tác đánh giá mức độ hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được nghị quyết xác định qua từng giai đoạn. Theo đó, dù nghị quyết nhiệm kỳ, nghị quyết chuyên đề hay nghị quyết hằng năm thì vào bất kỳ thời điểm nào, những người có trách nhiệm buộc phải nắm chắc thực trạng, kết quả thực hiện cả định tính và định lượng. Đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái khẳng định: “Nếu không chủ động chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan chức năng báo cáo tiến độ, kết quả hoàn thành qua từng tháng, quý, thì việc đánh giá kết quả triển khai nghị quyết rất khó lượng hóa. Vì có nhiều nghị quyết, mà cứ để nó trôi đi, thì không tài nào hình dung được chủ trương đang ở đâu, đạt đến mức nào, kết quả ra sao”.

“Muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo, về sau khuyết điểm nhất định bớt đi” (Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Như vậy, triển khai nghị quyết phải đi liền với lãnh đạo tổ chức thực hiện một cách tích cực, khẩn trương, thường xuyên, liên tục trên thực tế. Cũng qua đó mà có thêm điều kiện phát hiện hạn chế, yếu kém, kịp thời điều chỉnh, bổ sung phương thức, phương pháp lãnh đạo. Còn nếu “bỏ ngỏ”, thiếu quan tâm đến công tác lãnh đạo tổ chức thực hiện nghị quyết thì dễ dẫn đến tình trạng “sai một ly, đi một dặm”, thậm chí bị mất phương hướng lãnh đạo, xa rời chủ trương và giải pháp căn bản; sinh ra sự tự phát, thiếu tính khoa học, thiếu bài bản ở tổ chức đảng cấp dưới, rồi manh nha tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên trải thảm, dưới rải đinh”, hoặc biểu hiện “đánh trống bỏ dùi”...

Băn khoăn những “nghị quyết 0 đồng”

 “Nghị quyết 0 đồng” là cách nói vui của nhiều cán bộ địa phương để phản ánh tình trạng: Có nghị quyết nhưng không có nguồn lực, nhân lực triển khai, nên dù nội dung nghị quyết có hay, có đúng thì việc triển khai rất ì ạch, thậm chí kết quả thu về chỉ là con số không. Đây cũng là thực trạng chung đối với hệ thống nghị quyết các cấp, kể cả ở cấp Trung ương; cả nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và mặt trận đoàn thể. Bởi thế, trong tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết thì phần nguyên nhân của hạn chế bao giờ cũng đưa ra một nhận định quen thuộc: Còn thiếu nguồn lực tổ chức thực hiện nghị quyết; do đó, giải pháp kế tiếp luôn vạch rõ: Tập trung mọi nguồn lực để triển khai kịp thời, hiệu quả các chủ trương của nghị quyết trong thời gian tới. Vì thế mới đây, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới” chỉ rõ: Khắc phục tình trạng ban hành văn bản không sát với thực tiễn, thiếu nguồn lực tổ chức thực hiện.

Rõ ràng, Trung ương và các cấp đã nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của nguồn lực trong tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, lời giải cho bài toán: Bố trí, cân đối, phát huy nguồn lực triển khai thực hiện nghị quyết vẫn là “một ẩn số” và chưa có định khuôn về chế tài, pháp lý để hiện thực hóa. Thành thử, ở nhiều tổ chức đảng, cơ quan, ban, ngành, địa phương khác nhau thì việc bố trí nguồn lực khác nhau đối với việc triển khai thực hiện một nghị quyết cụ thể.

“Tổ chức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nghiên cứu, học tập quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng; xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện cụ thể của cơ quan, đơn vị, địa phương; tập trung nghiên cứu, thể chế thành luật và các văn bản dưới luật; xây dựng các quy định, quy chế của Đảng; tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức thực hiện” (Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”).

ết quả khảo sát 23 đảng bộ xã, phường, thị trấn trên địa bàn 3 tỉnh khu vực Tây Nguyên cho thấy: Các tổ chức đảng chưa xác định rõ nguồn lực thực hiện nghị quyết bao gồm những nhân tố, yếu tố, thành tố nào? Chưa phân biệt đầy đủ sự khác nhau giữa nghị quyết của Đảng với nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Chính phủ...; giữa nghị quyết lãnh đạo với các kết luận, chỉ thị, văn bản khác của Đảng. Nhiều nơi chỉ mường tượng nhân lực thực hiện nghị quyết là sự lãnh đạo của cấp ủy, phân công cấp ủy viên phụ trách, rồi kêu gọi toàn thể đảng viên nêu cao trách nhiệm tổ chức thực hiện.

Đây là tư duy, cách nghĩ hoàn toàn sai lệch. Nguồn nhân lực để nghị quyết lãnh đạo không chỉ đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, tập thể cấp ủy, người được phân công phụ trách, mà đó còn là việc gắn trách nhiệm đối với từng cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Triển khai thực hiện nghị quyết hoàn toàn không phải là nhiệm vụ của riêng tổ chức đảng, mà cần sự tham gia, phát huy đầy đủ vai trò, chức năng của từng tổ chức trong hệ thống chính trị.

Một nguồn lực quan trọng nữa là kinh phí phục vụ việc xây dựng, lãnh đạo thực hiện nghị quyết. Thực tế cho thấy, ở nhiều nơi, cơ quan chức năng chưa thật quan tâm đến vấn đề này, cứ triển khai nghị quyết, dồn mọi chủ trương đổ về cơ sở, “khoán” cho cơ sở thực hiện mà chưa tính toán kỹ các nguồn lực tài chính bảo đảm cho cơ sở hoàn thành nhiệm vụ. Thế mới có chuyện, cơ sở rất ngại, rất lo phải lãnh đạo thực hiện các “nghị quyết 0 đồng”, vì không có, không đủ nguồn lực để hiện thực hóa các chủ trương, mục tiêu của nghị quyết. Đồng chí Lê Anh Tân, Phó chủ tịch UBND TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) thẳng thắn: “Không có kinh phí thì không thể làm được gì cả, chứ nói gì đến việc triển khai nghị quyết bằng “hai bàn tay trắng” và sự kêu gọi, hô hào chung chung”.

Thực tế này được các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước thẳng thắn nhận diện, đề cập ở nhiều diễn đàn chính trị. Có ý kiến cho rằng, việc phân bổ nguồn lực cho lĩnh vực xây dựng Đảng còn quá khiêm tốn so với lĩnh vực kinh tế và các lĩnh vực khác. Một khi thiếu nguồn lực, không bảo đảm nguồn lực thì không thể hô hào suông, rằng: Công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, là việc gốc của Đảng được.

Tương tự, nguồn lực cho việc thực hiện nghị quyết của một số tổ chức đảng hiện nay vẫn chỉ mới vận hành theo lối “cầu may”. Có nơi đề cao trách nhiệm thì chủ động phân bổ, cân đối nguồn lực; có nơi lại “cấu véo” kinh phí từ những lĩnh vực khác để “nhường” cho phần việc hệ trọng của Đảng; có nơi lại “lực bất tòng tâm”, vì không thể hoặc không biết huy động nguồn lực từ đâu, ở đâu và bằng cách nào.

Để không còn những “nghị quyết 0 đồng”, cùng với việc làm tốt công tác tổ chức học tập, quán triệt, thì mỗi cấp ủy, tổ chức đảng phải chủ động làm tốt việc xác định nguồn lực trong thực hiện nghị quyết. Một cách làm khá sáng tạo, nhằm góp phần “đong, đo, đếm” được nguồn lực để nghị quyết đi vào cuộc sống tại Đảng bộ TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) là chủ động, kiên quyết vận hành tròn khâu trong quy trình ban hành nghị quyết. Ví như, trước khi ban hành nghị quyết lãnh đạo xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, Ban Thường vụ Thành ủy giao UBND thành phố xây dựng dự thảo đề án, trong đó xác định rõ nguồn lực lãnh đạo tổ chức thực hiện. Khi dự thảo đề án hoàn thành, Ban Thường vụ Thành ủy nghe UBND thành phố báo cáo, trên cơ sở đó chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục bổ sung, hoàn thiện; tiếp đó mới tiến hành họp, quyết nghị ban hành nghị quyết. Làm như vậy sẽ giúp nghị quyết khi được xây dựng có tính khả thi rất cao, vừa xác định đúng vấn đề lãnh đạo, vừa có nguồn lực thực hiện. Mặt khác, khi nghị quyết ra đời, UBND thành phố lại đảm nhiệm trọng trách là cơ quan trung tâm tổ chức thực hiện. Trên cơ sở dự thảo đề án đã có, UBND thành phố tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, ban hành đề án. Đây là căn cứ, cơ sở vững chắc để cụ thể hóa, hiện thực hóa nghị quyết lãnh đạo của tổ chức đảng.

Đồng chí Nguyễn Hoài Nam, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Vĩnh Yên, khẳng định: “Cách vận hành giao nhiệm vụ cụ thể như vậy bảo đảm nghị quyết được xây dựng tròn khâu, bài bản, sát thực tế. Đó cũng là cách tạo nguồn lực cho nghị quyết; bảo đảm mọi chủ trương khi được ban hành tất yếu sẽ đi vào cuộc sống”.

Theo Báo Quân đội Nhân dân

>> Bài 2: Sính hoành tráng nhưng thiếu trách nhiệm

>> Bài 1: Nghị quyết hay bị “đắp chiếu”

Chia sẻ bài viết