Đến nhiều địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố Cần Thơ trước thềm năm mới, có thể ghi nhận được rất nhiều câu chuyện về những cá nhân điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác Hồ kính yêu. Từ những cán bộ, đảng viên, những công dân tiêu biểu, gương mẫu, đến những thiếu niên, nhi đồng chăm ngoan..., tất cả đều thể hiện tình cảm sâu sắc dành cho Bác bằng những hành động, những việc “làm theo” gương Bác hết sức cụ thể trong đời sống hàng ngày. Với những cá nhân điển hình tiên tiến mà chúng tôi gặp gỡ, Bác luôn đồng hành cùng họ trên mọi bước đường và họ tự giác làm theo gương Bác như một lẽ tự nhiên trong đời. Họ cùng với hàng chục triệu công dân khác đang góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp hơn như tâm nguyện của Bác.
BÁC DẠY CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN PHẢI GẦN DÂN
Chị Phạm Ngọc Đang, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết chị rất tâm đắc và luôn cố gắng học tập, làm theo gương Bác từ những việc nhỏ nhất. Trong đó, những câu chuyện về sự tận tụy, gần dân, lo cái lo của dân là những bài học “nằm lòng” mà chị luôn tự nhắc nhở mình.
 |
|
Tốt nghiệp Trung cấp Luật vào năm 2002, cô gái trẻ Phạm Ngọc Đang bắt đầu tham gia công tác tại địa phương với vai trò cán bộ tư pháp xã Trung An (quận Thốt Nốt). Năm 2004, khi xã chia tách, Ngọc Đang chuyển về xã Thạnh Mỹ (huyện Vĩnh Thạnh) cũng với vai trò cán bộ tư pháp xã. Với sự tận tụy, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, chị lần lượt đảm nhiều nhiệm vụ khác nhau: Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Thạnh (2007-2012); Trưởng phòng Văn hóa huyện (2012-2013); rồi đảm nhiệm vai trò Bí thư kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Thạnh từ tháng 4 2013 đến nay. Chị Đang bộc bạch: “Cùng lúc giữ vai trò Bí thư kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Thạnh, công việc nhiều nên áp lực rất lớn. Bản thân tôi rất lo lắng và càng nỗ lực phấn đấu nhiều hơn để hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Với tinh thần cầu thị học hỏi, quyết tâm, kế hoạch làm việc khoa học, sự gắn bó với cơ sở, sâu người sát việc, chị Đang nhanh chóng bắt nhịp với công việc, lãnh đạo hệ thống chính trị hoạt động hiệu quả, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Trong vai trò “hai trong một”, hàng ngày dù bận hội họp, giải quyết “hàng núi” công việc của Đảng lẫn Chính quyền, nhưng chị Đang luôn sắp xếp thời gian để đi cơ sở, nắm tình hình hoạt động ở các ấp, nhất là nắm tình hình đời sống, tâm tư nguyện vọng, những vấn đề bức xúc trong nhân dân. Nhận thấy hệ thống đê bao yếu, chị Đang chủ động đề xuất với UBND huyện nạo vét, gia cố đê bao vững chắc để bảo vệ mùa màng. Năm 2014, thị trấn Vĩnh Thạnh đã huy động sức dân tiến hành nạo vét, gia cố 3 tuyến kênh trên địa bàn với tổng chiều dài 7.405m, khối lượng 76.287m3 với kinh phí trên 1.8 tỉ đồng. Chị Đang tâm sự: “Bà con trong xã chủ yếu sản xuất nông nghiệp nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Để giúp bà con nâng cao thu nhập, tôi cùng với tập thể triển khai nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh vận động bà con chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng phù hợp; hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ giúp bà con vay vốn sản xuất; phát triển mô hình cánh đồng lớn...”. .
“Tôi luôn nhớ lời Bác dạy, làm việc gì cũng phải đặt quyền lợi của nhân dân lên hàng đầu để dân hiểu, dân tin vào đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Trong điều hành, lãnh đạo, tôi luôn chú trọng việc phát huy vai trò tập thể; điều hành ý chí của tập thể chứ không phải bằng ý chí cá nhân”. Trước khi đưa ra chủ trương, quyết sách gì, chị cũng đều đưa ra bàn bạc với tập thể, nhất là những việc liên quan đến lợi ích của nhiều người, có huy động sức dân. Sau khi tập thể đóng góp, đạt sự thống nhất cao mới triển khai thực hiện, nhờ đó, các chủ trương, phong trào do Đảng ủy, UBND phát động, đề ra đều được cán bộ, đảng viên, các đoàn thể ủng hộ, ra sức triển khai thực hiện. Trong nhiều phong trào, công trình, chị sát cánh cùng cán bộ, đảng viên, đoàn thể đi vận động nhân dân, kịp thời chỉ đạo giải quyết ngay những vướng mắc phát sinh. Nhờ vậy, 2 năm qua, hệ thống chính trị xã đã vận động nhân dân hiến đất, góp công sức xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và thủy lợi tại địa phương ngày càng hoàn chỉnh, khang trang. Chỉ tính riêng trong năm 2014, thị trấn Vĩnh Thạnh đã xây dựng 3.011m bê tông, đạt 193% với tổng kinh phí trên 5,9 tỉ đồng. Trong đó, Nhà nước đầu tư trên 5,2 tỉ đồng; nhân dân đóng góp 67,7 triệu đồng, hiến đất trị giá 709 triệu đồng và tham gia góp sức trên 350 ngày công lao động. Tính đến nay, các tuyến đường giao thông đã được bê tông hóa 100%.
Song song với tập trung xây dựng Đảng bộ vững mạnh về cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức, đưa hoạt động của bộ máy chính quyền ngày càng đi vào nền nếp, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ nhân dân, chị Đang cũng chú trọng thực hiện tốt các chính sách xã hội. Đối với những hộ khó khăn về nhà ở. Tính từ đầu năm đến nay, thị trấn Vĩnh Thạnh đã xét cất mới 4 căn nhà Đại đoàn kết với trị giá trên 152 triệu đồng; cất mới 6 căn nhà tình thương; vận động quỹ “Ngày vì người nghèo” trên 23 triệu đồng để giúp đỡ những gia đình khó khăn...Với những giải pháp hỗ trợ thiết thực, năm 2014, thị trấn Vĩnh Thạnh có 41 hộ thoát nghèo, giảm 28 hộ cận nghèo, đời sống của nhiều hộ được nâng lên đáng kể.
Là phụ nữ lãnh đạo, vừa lo chu toàn việc cơ quan, việc nhà, chị luôn nỗ lực học tập để nâng cao trình độ. Năm 2012, chị Đang tốt nghiệp Đại học Luật và cũng đã hoàn thành xong chương trình đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị vào năm 2013. Chị Đang bộc bạch: “Tôi luôn cố gắng sắp xếp công việc cơ quan và gia đình hài hòa, hợp lý để bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tôi sẽ tiếp tục học tập, rèn luyện để tự hoàn thiện mình, nhất là học theo phong cách, lối sống giản dị, khiêm tốn, thanh bạch, gần dân, không quan liêu... của Bác”.
Hồng Vân
NHIỀU CÁCH THIẾT THỰC LÀM THEO GƯƠNG BÁC
Trong Đại hội thi đua yêu nước “Cựu chiến binh gương mẫu” lần thứ V, giai đoạn 2009-2014, do Trung ương Hội Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào đầu tháng 12-2014, ông Lê Công Trứ, Chủ tịch Hội CCB phường Thuận An, quận Thốt Nốt, là một trong hai CCB đại diện cho Hội CCB TP Cần Thơ phát biểu chia sẻ kinh nghiệm trong công tác Hội. Chặng đường 5 năm cũng là thời gian ông Trứ giữ chức vụ Chủ tịch Hội CCB phường Thuận An.
Sau khi chia tách ra từ phường Thới Thuận, Hội CCB phường Thuận An được thành lập với 34 hội viên nhưng đã có 14 hội viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Nhiều hội viên không có tư liệu sản xuất, nghề nghiệp, chỗ ở ổn định
nên rất khó vươn lên thoát nghèo. “Học tập tấm gương đạo đức của Bác, tôi tâm đắc nhất ở Bác chính là tấm lòng thương yêu con người, đức tính cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Khi nhận nhiệm vụ, biết phường mình có CCB nghèo nhiều nhất quận, tôi luôn trăn trở, suy nghĩ tìm cách để giúp hội viên CCB có việc làm, nâng cao đời sống” - ông Trứ tâm sự. Ông cất công đi tìm hiểu nhiều mô hình kinh tế hay, phù hợp để hướng dẫn hội viên, như: nuôi bò, làm mộc..., đồng thời cùng với Ban Chấp hành (BCH) Hội CCB phường khảo sát hoàn cảnh từng hội viên về nhà ở, thu nhập, nhu cầu vay vốn... Qua khảo sát biết có 11 đồng chí đang gặp khó khăn về nhà ở, ông Trứ cùng các BCH Hội CCB phường xem xét và giới thiệu Hội CCB thành phố hỗ trợ nhà. Đến nay, có 8 hội viên đã được tặng nhà, sửa chữa nhà.
Tháng 3-2013, mô hình “Tổ vệ sinh môi trường, thu gom rác thải” Hội CCB phường Thuận An ra đời với 3 thành viên là hội viên CCB. Đây cũng là ý tưởng do ông đề xuất khi thấy tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn phường ngày càng trầm trọng. Ông Trứ tâm sự: “Khi đó, nghe Trung ương Hội CCB Việt Nam phát động CCB tham gia bảo vệ môi trường nên tôi xin ý kiến Hội CCB cấp trên, Đảng ủy-UBND phường để xây dựng tổ, nhằm góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường và giúp hội viên nâng cao đời sống”. Ban đầu, thành viên của tổ chỉ có mức thu nhập 1-2 triệu đồng/tháng. Hiện nay, 12 thành viên của tổ có mức thu nhập từ 3-4,5 triệu đồng/tháng. 12 hội viên CCB tham gia tổ đều có cuộc sống ổn định, nhà cửa khang trang, không còn hội viên nào thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Tháng 6-2014, Hội CCB phường Thuận An mở rộng quy mô của Tổ vệ sinh môi trường, thu gom rác thải ra phục vụ tới tận phường Tân Lộc. Ông Trứ cho biết: “Chúng tôi đang có kế hoạch phối hợp với Hội CCB Vĩnh Thạnh để có thể nhân rộng mô hình này”.
Ông Trứ còn là tấm gương tiêu biểu trong việc vận động giúp đỡ học sinh khó khăn, cảm hóa và giúp đỡ các đối tượng chậm tiến
Trong năm 2014, ông Trứ nhận được 10 Bằng khen, Giấy khen của Trung ương Hội CCB Việt Nam, UBND thành phố, Hội CCB thành phố, Công an thành phố... Ông Trứ chia sẻ: “Tôi nghĩ người cán bộ Hội nói thì phải đi đôi với làm. Phải đặt mình vào cuộc sống của hội viên để thấy hội viên cần mình và không ngừng tìm cách giúp đỡ họ hiệu quả”.
Phạm Trung
THẤM THÍA TỪNG LỜI TRONG DI CHÚC BÁC
 |
Chị Nguyễn Thị Thu, luôn quan tâm thăm hỏi, động viên các em có hoàn cảnh khó khăn nỗ lực vượt khó học tốt. Ảnh: H.T |
“Mỗi lần đọc lại Di chúc của Bác, tôi lại thấy xúc động trước tình thương bao la, tấm lòng vì nước vì dân đến giây phút cuối cùng của vị lãnh tụ kính yêu. Từng câu, từng chữ trong Di chúc của Bác thật thấm thía, có giá trị, ý nghĩa to lớn đối với nhân dân Việt Nam trong mọi thời đại. Là thế hệ cách mạng đời sau, tôi luôn cố gắng làm theo những lời dạy của Người, dù lúc còn công tác hay đã nghỉ hưu...”- chị Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch Hội Khuyến học quận Bình Thủy, bày tỏ cảm xúc của mình khi nâng niu, lật từng trang di chúc của Bác. Những điều ấp ủ trong lòng đó được chị thể hiện bằng những hành động, việc làm cụ thể, ý nghĩa trong nhiều năm qua. Ba năm qua, từ khi nghỉ hưu, ngày ngày chị vẫn dành phần lớn thời gian ngược xuôi để lo chuyện khuyến học, khuyến tài, quyết không để học sinh phải bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn.
Chúng tôi cùng chị Thu ghé thăm gia đình em Trần Thị Minh Anh, một học sinh nghèo hiếu học ở khu vực 1, phường Bình Thủy. Trong ngôi nhà nhỏ, oi bức, Minh Anh đang cặm cụi làm bài tập. Gặp chị Thu, chị Kim Thơ mẹ Minh Anh tỏ ra vui mừng, thân thiết như thể người thân trong nhà. Chồng mất sớm, chị Kim Thơ một mình bươn chải nuôi 2 con. Thấy mẹ đi làm mướn vất vả, con trai lớn của chị đã nghỉ học, đi làm kiếm tiền phụ giúp mẹ. Xoa đầu con gái, chị Kim Thơ cười, bộc bạch: “Minh Anh đang học lớp 4, nó học khá giỏi, nhưng có lúc túng thiếu quá, tôi định cho nó nghỉ học. Cô Thu và các cô chú khuyến học nhiều lần tới nhà động viên tôi cho cháu đến trường, còn hỗ trợ học bổng, tặng tập sách...Tôi sẽ cố gắng lo cho cháu đi học để sau này có tương lai tươi sáng... ”.
Không riêng trường hợp em Minh Anh, với sự quan tâm, giúp đỡ của chị Thu và các cán bộ khuyến học cơ sở, nhiều học sinh nghèo trên địa bàn được tiếp sức đến trường. Chị Thu trăn trở: “Bác đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp trồng người, quan tâm đến thế hệ trẻ - tương lai của đất nước. Vì vậy, có khó khăn đến mấy, chúng tôi cũng ráng vận động để giúp các em không bỏ học giữa chừng”. 3 năm qua, đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội Khuyến học quận Bình Thủy, chị Thu tập trung kiện toàn, đưa hoạt động của các tổ chức hội cơ sở, Trung tâm học tập cộng đồng các phường đi vào nền nếp; tích cực tuyên truyền, vận động cộng đồng chung tay góp sức cho công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Chị cũng đã xây dựng đề án thành lập “Quỹ học bổng khuyến học, khuyến tài Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa”. Qua đó chị tham mưu Quận ủy, UBND quận đổi mới hình thức vận động các tổ chức, ban ngành, các công ty, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp cho quỹ khuyến học. Bên cạnh vận động mỗi cán bộ viên chức mỗi năm góp 1 ngày lương vào Quỹ khuyến học, chị liên hệ với nhiều chùa vận động thành lập Ban Khuyến học và phát động phong trào nuôi heo đất, xin đặt thùng từ thiện để tăng thêm nguồn quỹ. Với sự nỗ lực vận động của chị và các thành viên, 4 năm qua, Hội Khuyến học quận Bình Thủy đã vận động trên 1,6 tỉ đồng cùng nhiều học phẩm khác, giúp đỡ nhiều học sinh, sinh viên trên địa bàn.
Nhắc những việc đang làm, chị bảo rằng có thấm vào đâu so với những vất vả trong những năm đầu đất nước mới thống nhất, phải bắt tay xây dựng lại tất cả từ con số không. Là một trong những cán bộ gắn bó với công tác địa phương từ năm 1975 đến nay, chị hiểu rõ tình hình, những chuyển biến trong đời sống bà con địa phương. Chị nhớ lại: “Những năm đầu sau giải phóng, đời sống kinh tế hết sức khó khăn, nhà dân thưa thớt, đường sá lầy lội. Phải đến từng nhà vận động cho trẻ đến trường...” . Trước thực tế đó, tùy từng lúc, với vai trò là nữ dân quân tự vệ, phường đội phó, hay là cán bộ Đoàn, chị không nề hà khó khăn, luôn kề vai gánh vác công việc, từ tuần tra canh gác, đến giúp dân sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa. Nhất là từ năm 1994, khi làm Chủ tịch UBND phường, chị cùng Đảng ủy tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy bận nhiều việc nhưng người ta thấy chị thường có mặt ở các công trình xây dựng hẻm, ngược xuôi xin bê tông, gạch vụn để nâng cấp đường, hay sẵn sàng xắn tay cùng người dân khai thông cống rãnh...Năm 2004, trở thành Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, chị vẫn luôn gắn bó với cơ sở, trăn trở tìm các giải pháp giúp nhân dân phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng bộ mặt đô thị khang trang. Nhớ lời Bác dạy “tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng”, chị luôn lắng nghe những lời phê bình thẳng thắn, học hỏi để tiến bộ. Chị cố gắng học tập Bác từ những việc nhỏ nhất, sửa đổi lối làm việc, gương mẫu trong công tác, lối sống; gần gũi, gắn bó với nhân dân để nắm tình hình, hỗ trợ nhân dân cải thiện cuộc sống... Giờ đây, ngày ngày chị vẫn tiếp tục lặn lội làm những việc ý nghĩa, có ích cho quê hương, với tâm nguyện: “Suốt đời, tôi nguyện làm theo lời Bác dạy. Làm việc gì, tôi đều đặt hết tâm huyết của mình”.
Kỳ Thư
HỌC BÁC, CÀNG SAY MÊ SÁNG TẠO
Tôi đã nhiều lần được nghe anh Nguyễn Văn Khanh, Trợ lý kỹ thuật, Tổ trưởng Tổ gò hàn Công ty TNHH Cơ khí Thế Dân (Khu Công nghiệp Trà Nóc) báo cáo tham luận tại hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến do UBND thành phố và Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức. Ngày cuối năm, đến công ty, được tận mắt ngắm nhìn những sản phẩm, máy móc do anh nghiên cứu chế tạo, tôi càng cảm phục về tài năng và lòng đam mê sáng tạo của người kỹ sư trẻ này.
Gia đình Khanh ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, trước đây có cơ sở chế biến lúa gạo. Mỗi lần máy móc, dây chuyền bị hư, gia đình phải thuê thợ sửa chữa rất tốn kém. Vì thế, Khanh ấp ủ ước mơ trở thành kỹ sư cơ khí từ khi còn học phổ thông. Tốt nghiệp THPT, Khanh thi đậu vào ngành cơ khí Trường Đại học Cần Thơ. Năm 2007, khi Khanh cầm trên tay tấm bằng kỹ sư thì cũng là lúc gia đình nghỉ chế biến lúa gạo. Khanh xin vào Công ty TNHH Cơ khí Thế Dân làm việc. Thời gian đầu, Khanh làm công nhân cắt gọt kim loại, gò hàn
Với sự say mê, tận tụy, óc sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, Khanh dần được đề bạt làm Tổ trưởng Tổ gò hàn, Trợ lý kỹ thuật của công ty.
 |
|
Lúc tôi đến, Khanh đang cùng tổ thợ lắp đặt nâng công suất máy ép củi trấu viên để kịp giao cho khách hàng ở miền Đông trước Tết Nguyên đán. Tham quan mô hình mẫu máy sản xuất phân NPK dạng viên nén do Khanh thiết kế, lắp đặt cho khách hàng là Nhà máy Đạm Cà Mau, tôi càng cảm phục ý chí quyết tâm và óc sáng tạo của người kỹ sư 32 tuổi này. Đầu năm 2014, Nhà máy đạm Cà Mau đến công ty chỉ đưa ra bọc sản phẩm đạm NPK dạng viên nén, rồi đặt hàng cho công ty chế tạo 1 dây chuyền sản xuất loại sản phẩm này. Sau khi tìm hiểu, Ban Giám đốc công ty nhận thấy trong dây chuyền sản xuất sản phẩm này, máy nén viên là một bộ phận rất quan trọng. Nhập khẩu máy năng suất 2.000 kg/giờ của Đức giá khoảng 10 tỉ đồng. Nhằm giảm chi phí cho khách hàng, sau nhiều lần bàn bạc, Ban Giám đốc công ty quyết định giao Khanh nghiên cứu chế tạo máy nén viên này. Sau hơn 2 tháng nghiên cứu, tìm tài liệu nghiên cứu thành phần nguyên liệu của viên nén NPK, nguyên lý cấu tạo máy nén, các linh kiện chế tạo
, Khanh đề xuất Ban Giám đốc cho chế tạo máy nén viên mẫu với công suất khoảng 50kg/giờ để thử nghiệm. Khi chạy thử nghiệm, nhận thấy khả năng tạo viên, độ chặt, độ ẩm
chưa đạt yêu cầu, Khanh phải mất thêm 1 tháng để nghiên cứu, chỉnh sửa. Tháng 5-2014, máy chạy thử nghiệm thành công, Ban Giám đốc công ty đã triển khai việc chế tạo máy lớn với công suất 2.000 kg/giờ. Hơn 6 tháng ròng bám xưởng, Khanh và các công nhân kỹ thuật đã hoàn thành việc chế tạo máy để lắp đặt vào dây chuyền bàn giao cho khách hàng. Khanh nói: “Sử dụng máy nén viên của chúng tôi chế tạo, chủ đầu tư tiết kiệm được 6,5 tỉ đồng so với giá máy nhập khẩu từ Đức, nhưng chất lượng sản phẩm và độ bền của máy thì không thua kém máy nhập khẩu”.
Theo anh Lâm Minh Trực, Phó Giám đốc công ty, hơn 7 năm gắn bó với công ty, Khanh đã nghiên cứu và chế tạo nhiều máy móc, thiết bị làm lợi cho công ty hàng tỉ đồng, tạo ra nhiều việc làm cho công nhân lao động (CNLĐ). Đặc biệt, có một số máy móc, khách hàng chỉ đưa ra mẫu sản phẩm và đề nghị công ty chế tạo máy sản xuất, trong khi thị trường không có mẫu để tham khảo, nhưng với sự đam mê sáng tạo, Khanh đã sáng chế thành công. Các máy móc, thiết bị của Khanh sáng chế có nhiều ưu điểm vượt trội và giá thành lại rẻ hơn nhập khẩu ở nước ngoài, nên công ty liên tục nhận được đơn đặt hàng. Anh Trực cho biết thêm, ngoài đam mê nghiên cứu sáng chế, Khanh còn là người “thầy” luôn tận tình chỉ bảo, hướng dẫn kỹ thuật cho công nhân trong khâu gò hàn, cắt gọt kim loại nên đội ngũ công nhân của công ty ngày càng nâng cao tay nghề và trưởng thành hơn.
Với sự nỗ lực trong nghiên cứu, lao động sáng tạo, năm 2014, Khanh được UBND thành phố tặng Bằng khen và tuyên dương CNLĐ tiêu biểu 10 năm (2004-2014), được Liên đoàn Lao động thành phố biểu dương CNLĐ trực tiếp sản xuất tiêu biểu năm 2014. Khanh bộc bạch: “Từ khi được học tập tấm gương đạo đức của Bác, tôi thấy ở Bác hội tụ nhiều phẩm chất quý báu. Tôi khâm phục Bác về ý chí quyết tâm, tính kiên trì tự học, tự rèn, đức hy sinh, cống hiến vì nước, vì dân. Tôi sẽ cố gắng học tập, nghiên cứu, tiếp cận công nghệ mới, chế tạo thêm nhiều sản phẩm, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho CNLĐ
”.
Anh Dũng
VƯỢT KHÓ HỌC TỐT ĐỂ XỨNG ĐÁNG LÀ CHÁU NGOAN BÁC HỒ
Văn phòng Đội Trường THCS Thuận Hưng, quận Thốt Nốt rộn vang tiếng nói cười bởi một nhóm học sinh đang tập luyện chuẩn bị cho buổi kể chuyện Bác Hồ trong buổi sinh hoạt dưới cờ. Nhóm trưởng Ngô Bá Lộc, học sinh lớp 9A1, say sưa kể chuyện, các bạn trong nhóm chăm chú lắng nghe, góp ý cho đồng đội. “Có rất nhiều câu chuyện hay về Bác nhưng em sẽ chọn những câu chuyện nói về lòng nhân ái bao la, tinh thần tự học, tự rèn của Bác để kể cho các bạn bè nghe” Lộc tâm sự.
 |
Ngô Bá Lộc (thứ 2 từ trái qua), cùng bạn bè làm hoa giấy tặng thầy cô. |
Cậu học trò có gương mặt sáng, đôi mắt long lanh khoe rằng Đội tuyển của trường vừa mới đạt giải Nhất cuộc thi “Em yêu lịch sử Việt Nam” do Hội đồng Đội và Nhà Thiếu nhi quận phối hợp tổ chức. Nhắc tới cuộc thi này, Liên đội trưởng Hồ Thị Minh Thư (bạn cùng lớp với Lộc) vẫn thán phục tinh thần ham học hỏi, sự sáng tạo của Lộc. Để bạn bè yêu thích học môn Lịch sử hơn, Lộc đề xuất sáng kiến tổ chức ôn bài kết hợp sinh hoạt, tuyên truyền lịch sử địa phương, kể chuyện về tấm gương đạo đức của Bác
góp phần làm cho tiết học thêm sinh động, hấp dẫn. Lộc tìm tòi, đọc nhiều sách viết về Bác Hồ, các danh nhân văn hóa, địa chí và lịch sử địa phương. Những sự kiện lịch sử, những tấm gương sáng về lòng yêu nước, tinh thần hiếu học được Lộc biến hóa sinh động trong các tiểu phẩm văn nghệ, tiết mục múa, hát hoặc các trò chơi đố vui, rung chuông vàng
Lộc còn rất giỏi Toán và tiếng Anh, em đã từng đạt giải Ba học sinh giỏi Toán cấp thành phố, giải Ba cuộc thi học sinh giỏi tiếng Anh cấp quận. Lộc thường xem các chương trình tiếng Anh trên ti-vi và tìm đọc các quyển sách hay bằng tiếng Anh trong thư viện trường. Để cải thiện kỹ năng nghe nói, Lộc rủ bạn bè thành lập nhóm sinh hoạt tiếng Anh, mỗi tuần thảo luận một chủ đề dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
Nhìn vào bề dày thành tích 8 năm học liên tục đạt loại giỏi, ít ai ngờ rằng con đường đến trường của Lộc là cả quá trình nỗ lực vượt khó. Cha mẹ sống bằng nghề cắt lúa mướn, thu nhập bấp bênh nên từ nhỏ Lộc sống chung với ông bà ngoại. Năm 8 tuổi Lộc đã tự lập, biết quán xuyến nhà cửa và tự chăm sóc bản thân. Khi cha mẹ Lộc rời quê lên thành phố làm mướn kiếm sống, nhiều đêm Lộc nằm khóc và định bỏ học để lên thành phố phụ giúp gia đình. Nhờ sự động viên, giúp đỡ của thầy cô, Lộc cố gắng vượt qua khó khăn để học tập tốt. Ban Giám hiệu trường cũng đã nhận mẹ Lộc làm tạp vụ để gia đình bớt khó khăn, cũng để động viên Lộc yên tâm học tập. Hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn khiến Lộc càng cảm thông, yêu thương và ra sức giúp đỡ những bạn học cùng cảnh ngộ. Phạm Văn Quân người bạn thân thiết chung lớp với Lộc kể rằng khi nghe tin Quân có ý định bỏ học, Lộc thường đến động viên, vận động bạn bè trong lớp đóng góp 400.000 đồng giúp bạn vượt qua khó khăn. Nhờ thầy cô, bạn bè giúp đỡ, động viên mà Quân không bỏ học. Nhiều hoạt động quyên góp vì bạn nghèo, nuôi heo đất, hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn
Lộc đều tham gia tích cực.
“Càng học tập, tìm hiểu về tấm gương của Bác, em càng cố gắng học tập và rèn luyện để xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ” Lộc tâm sự. Với những thành tích nổi bật trong học tập và rèn luyện, tháng 5 năm 2014, Lộc vinh dự là một trong 73 thiếu nhi được Hội đồng Đội thành phố Cần Thơ tuyên dương danh hiệu Thiếu nhi tiêu biểu - Cháu ngoan Bác Hồ.
Tú Anh