16/12/2014 - 21:51

Bác dạy “Khó khăn nào cũng vượt qua”

Đó là điều thương binh ¼ Phạm Văn Be, Chi hội trưởng Chi hội Cựu Chiến binh (CCB) ấp Nhơn Phú, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ luôn tâm đắc, cố gắng thực hiện trong nhiều năm qua. Dù là thương binh nặng, sức khỏe yếu nhưng với ý chí, nghị lực, quyết tâm "tàn nhưng không phế", ông đã trở thành một tấm gương sáng đối với nhiều cựu chiến binh, thế hệ trẻ ở địa phương.

Đến ấp Nhơn Phú, xã Nhơn Nghĩa, hỏi thăm ông Phạm Văn Be, nhiều người đều biết, khen ngợi người thương binh hết lòng tận tụy với việc xóm ấp. Trong ngôi nhà nhỏ, chật hẹp chỉ có chiếc bàn tiếp khách, chiếc giường cũ kỹ, ông Be dành nơi trang trọng nhất đặt bàn thờ Bác Hồ. Trong câu chuyện về một thời chiến đấu ác liệt, ông hay nhắc đến những phẩm chất cao đẹp của Bác Hồ, nhất là tấm lòng bao la, cả cuộc đời hy sinh vì dân, vì nước của Bác. Đó cũng là động lực giúp ông phấn đấu vượt qua mọi khó khăn với tâm nguyện "còn thở là còn cống hiến".

Nhập ngũ từ năm 21 tuổi, trải qua nhiều đơn vị khác nhau, đến năm 1986, trong trận đánh chi viện cho Sư 4 tại chiến trường Campuchia, ông Be đạp phải mìn của giặc và mất đi chân phải. Năm 1987, ông phục viên và về an dưỡng tại Khu điều dưỡng của tỉnh Sóc Trăng. Đến 1992, sau khi sức khỏe ổn định, ông Be trở về quê hương Phong Điền và tham gia sinh hoạt Hội CCB. Năm 2008, ông Be được hội viên tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp Nhơn Phú, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền đến nay. Ông Be bộc bạch: "Khi đảm nhận vai trò Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp, điều khiến tôi trăn trở nhất chính là công tác xóa đói, giảm nghèo. Thời điểm đó, Chi hội có 14 hội viên CCB, đã có 4 hội viên nghèo…".

Ông Phạm Văn Be, Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp Nhơn Phú, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ (bên phải) thường xuyên thăm hỏi, động viên hội viên xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả. Ảnh: H.VÂN

Nhận thấy cuộc sống của đa số hội viên nơi đây đều gắn bó với nông nghiệp, ông Be lặn lội tìm những mô hình làm kinh tế hiệu quả về giới thiệu với hội viên và bà con nông dân trong ấp. Chú Trần Long Bắc, hội viên Chi hội CCB ấp Nhơn Phú, Chủ nhiệm mô hình trồng táo, cho biết: "Ban đầu, khi anh Be phát động, mô hình này chỉ có 6 hội viên tham gia. Chi hội tạo điều kiện cho các thành viên được vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt…Thấy mô hình cho hiệu quả kinh tế cao nên nhiều người tham gia, đến nay có 24 thành viên. Mô hình này giúp nhiều hội viên thoát nghèo, có cuộc sống tốt hơn. Bản thân tôi cũng xây cất được căn nhà mới khang trang hơn". Theo lời chú Bắc, gia đình chú chỉ có 1,5 công đất, nhờ trồng táo có lời, chú mua thêm 4 công đất vườn. Chú Bắc tâm sự thêm: "Năm 2009, tôi được vay 7 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội. Cũng nhờ đồng vốn này mà tôi có điều kiện để cải tạo vườn, mua cây giống, phân bón…". Không chỉ riêng chú Bắc mà nhiều hội viên khác cũng được Hội hỗ trợ vay vốn để làm ăn như chú Võ Văn Chót, Võ Văn Mót,…

Trong triển khai thực hiện các phong trào, công tác trọng tâm của Hội, ông Be luôn chú trọng khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, giúp hội viên nâng cao đời sống. Chi hội đang duy trì 1 tổ vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội với 9 thành viên và 1 tổ hùn vốn xoay vòng không tính lãi để giúp đỡ cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Chỉ tính riêng trong năm 2014, tổ hùn vốn đã tiết kiệm 7,4 triệu đồng, giúp cho 7 hội viên gặp khó khăn đột xuất. Bên cạnh đó, Chi hội cũng duy trì mô hình mỗi hội viên đóng 50 ngàn đồng/năm để đóng góp xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội. 5 năm qua, Chi hội cũng đã phối hợp với Hội đồng chính sách xã tuyên truyền, hướng dẫn và xét duyệt hưởng chế độ theo Quyết định 62 và Quyết định 290 cho 9 hội viên với tổng số chi trả trên 79 triệu đồng. Nhờ những hoạt động thiết thực nêu trên, nhiều hội viên CCB trên địa bàn đã vươn lên làm ăn khấm khá, chỉ còn một hộ hội viên CCB nghèo.

Nhiều cán bộ, đảng viên, người dân trong ấp rất cảm phục, quý mến tinh thần tận tụy, xả thân vì việc xóm ấp của ông Be. Không chỉ tích cực vận động hội viên, nhân dân tham gia xây dựng các công trình phúc lợi, ông luôn có mặt trên các công trình để phụ giúp mọi người. Không thể làm việc nặng nhọc thì ông Be lại lặn lội đi vận động bà con ủng hộ tiền bạc, công sức và lo cơm nước cho lực lượng lao động. 5 năm qua, Chi hội CCB ấp Nhơn Phú đã vận động nhân dân góp tiền, ngày công lao động bê tông hóa nhiều tuyến đường giao thông, như: tuyến Rạch Quạ dài 165 mét (với chi phí trên 17 triệu đồng); tuyến đường từ Cầu Sắt đến Rạch Mũi dài 220 mét (chi phí trên 26 triệu đồng). Gần đây nhất là tuyến Mương Điều dài 1.200 mét. Ông Be cho biết: "Công trình này được UBND xã Nhơn Nghĩa hỗ trợ 750 bao xi măng. Chi hội đã vận động đổ cát đá với chi phí trên 300 triệu đồng". Ông Be cũng luôn chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục thế hệ trẻ; phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể chính trị xã hội, công an, quân sự trên địa bàn duy trì hoạt động các câu lạc bộ (CLB) 6 không, CLB "người thân không vi phạm pháp luật"…

Với những đóng góp thiết thực để xây dựng Chi hội vững mạnh, tổ chức nhiều phong trào, hoạt động hiệu quả tại địa phương, cựu chiến binh gương mẫu Phạm Văn Be đã nhận được nhiều Giấy khen của các ngành, các cấp. Ông là một trong những cá nhân tiêu biểu vinh dự được Chủ tịch UBND TP Cần Thơ tặng Bằng khen vì những thành tích đóng góp cho thành phố trong giai đoạn 2004 - 2013.

H. VÂN

Chia sẻ bài viết