11/02/2019 - 18:12

Anh tăng cường sức mạnh quân sự ở Thái Bình Dương 

Anh sẽ triển khai tàu chiến lớn nhất của hải quân HMS Queen Elizabeth cùng hai phi đội chiến đấu cơ tàng hình F-35 đến các vùng biển tranh chấp ở Thái Bình Dương.

Chiến hạm HMS Queen Elizabeth có thể sớm được triển khai ở Thái Bình Dương.

Đây là một phần trong chiến lược tăng cường vị thế quân sự sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi Brexit. Trong một phát biểu mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết Luân Đôn phải nắm bắt cơ hội lớn nhất trong 50 năm để xác định lại vai trò cường quốc toàn cầu. “Chúng ta có thể củng cố quan hệ đồng minh cũ, xây dựng các liên minh mới nhưng quan trọng hơn hết là làm rõ tư thế sẵn sàng hành động khi được yêu cầu và là quốc gia mà mọi người có thể hướng đến khi thế giới cần lãnh đạo” – ông Williamson tự tin.

Trong đó, Anh và các đồng minh phương Tây cần sẵn sàng nếu phải dùng đến “quyền lực cứng” để bảo vệ lợi ích cũng như thể hiện lập trường cứng rắn trước các hành vi hung hăng. Đây là sự thay đổi đáng kể trong chính sách của Anh vốn chủ trương sử dụng “quyền lực mềm” để mở rộng ảnh hưởng sau các cuộc chiến dai dẳng và tốn kém ở Iraq, Afghanistan. Một số nguồn tin thân cận tiết lộ Bộ trưởng Williamson ủng hộ sử dụng công cụ ngoại giao, thương mại và trao đổi văn hóa, nhưng ông cũng đặt niềm tin vào lực lượng vũ trang khi cần thiết.

Theo Bộ trưởng Williamson, Anh có thể đơn phương can thiệp chống lại hoạt động gây hấn, coi thường luật pháp quốc tế của một số quốc gia. Trong tuyên bố cụ thể, ông cho biết phi đội máy bay chiến đấu sẽ được triển khai cùng tàu sân bay Queen Elizabeth tới Thái Bình Dương để răn đe Trung Quốc, củng cố quyền tự do hàng hải ở Biển Đông. Anh cũng thảo luận nghiêm túc về “các hành vi khiêu khích” từ Nga, đồng thời rót thêm ngân sách tăng cường phòng thủ không gian mạng. Đặc biệt, ông Williamson cũng xác nhận kế hoạch lập căn cứ mới ở vùng Caribbe và châu Á-Thái Bình Dương sau Brexit.

Sự hiện diện của Hải quân Anh tại Thái Bình Dương diễn ra giữa lúc căng thẳng khu vực leo thang xoay quanh tham vọng chủ quyền của Trung Quốc. Mỹ đã nhiều lần cho chiến hạm thực hiện hoạt động bảo vệ tự do hàng hải xung quanh một số thực thể nhân tạo phi pháp để thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông. 

Trong diễn biến khác, Chính phủ Úc hôm 10-2 đã ký hợp đồng mua 12 tàu ngầm của Pháp trị giá 35,5 tỉ USD. Đây là trọng tâm trong kế hoạch của Canberra mở rộng đáng kể năng lực quân sự nhằm bảo vệ lợi ích chiến lược và thương mại tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Dự kiến, tàu ngầm đầu tiên sẽ được giao vào đầu những năm 2030 và chiếc cuối cùng được hoàn thành trong những năm 2050. Một số chuyên gia cho biết động thái này của Úc thực hiện quá muộn khi vùng biển phía Bắc và Đông đã trở thành “đấu trường” cạnh tranh quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, giới quân sự Úc hy vọng tàu ngầm thế hệ mới đủ sức giúp họ duy trì khả năng răn đe chống lại các hành động thù địch.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết