21/12/2007 - 21:39

Ánh Nguyệt, bền bỉ vươn tới ước mơ...

Nắng sớm mai trải dài khoảng sân rộng của Hợp tác xã sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Kim Hưng (HTX Kim Hưng), ở khu vực Thạnh Mỹ, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Cô chủ nhiệm HTX trẻ măng Huỳnh Thị Ánh Nguyệt cùng chị em trong HTX xúm xít phơi thảm lục bình. Ánh Nguyệt khéo léo xếp thảm theo dãy dài, cẩn thận sửa từng miếng, nhắc nhở chị em nhẹ tay. Cùng làm với chị em, Nguyệt dung dị, gần gũi như người thân trong gia đình...

Sản phẩm từ nguyên liệu lục bình của HTX Kim Hưng. (Ảnh do HTX Kim Hưng cung cấp).

Cầm miếng thảm tròn vành vạnh xoay xoay ngắm nghía, những bím lục bình giống như nhiều hạt gạo xếp tròn đều đặn, tôi hỏi vui: “Nghề này có gì vui không mà Nguyệt mê dữ vậy?”. Vừa khoe với tôi tập album lưu giữ các hình ảnh về các sản phẩm từ lục bình do chị em trong HTX gia công, Nguyệt nói: “Chính tôi cũng hổng ngờ mình lại theo nghề này”.

Nhà có 2 anh em, dù gia cảnh không khá giả nhưng Nguyệt được cha mẹ tạo điều kiện học hành đến nơi đến chốn. Tuổi thơ khó khăn đã giúp Nguyệt rèn tính kiên nhẫn, tự lập, yêu lao động. Năm 1998, sau khi thi trượt đại học, Nguyệt kiên trì theo học khóa đào tạo kỹ thuật viên ngành Công nghệ thông tin (2 năm) ở Trung tâm Kỹ thuật - Tổng hợp - Hướng nghiệp TP Cần Thơ. Cô còn xin “chân” bán hàng cho Công ty máy văn phòng, với ý định vừa kiếm tiền tự trang trải các khoản chi tiêu, vừa tập tành mua bán, tích lũy vốn kinh nghiệm kinh doanh.

Mối “lương duyên” giữa Nguyệt với những cọng lục bình bắt đầu từ một lần về chơi nhà bạn ở TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Tình cờ, bạn đưa Nguyệt đến thăm cơ sở của người chị, chuyên gia công sản phẩm lục bình, thu hút hàng trăm lao động địa phương. Thật lạ, những cọng lục bình khô khốc, xù xì đó cứ như thỏi nam châm cuốn hút Nguyệt và cô tập tễnh học đan sản phẩm với chị em. Biết Nguyệt là dân Cái Răng sông nước, chị bạn đề nghị Nguyệt làm đầu mối thu mua cọng lục bình khô, hàng tuần chở lên cung cấp cho cơ sở. Từ sau chuyến đi đó, Nguyệt bắt đầu nuôi ý chí khởi nghiệp.

Dẫn tôi đi một vòng khuôn viên HTX Kim Hưng thoáng mát, Nguyệt bảo nơi này trước đây là đất ruộng, nguồn thu nhập hàng năm của gia đình. Thế nhưng, khi Nguyệt có nguyện vọng mở địa điểm thu mua cọng lục bình, cha mẹ quyết định giao cho con mở mang việc làm ăn, kinh doanh với lời nhắc nhở: “Thương trường cũng như chiến trường. Thành công hay thất bại cũng được trải nghiệm trường đời”. Lúc đó, Nguyệt vừa qua tuổi 20 nhưng thấm thía từng lời dạy bảo của cha mẹ và xem như bảo bối vào đời.

Ngày đầu chập chững vào nghề, Nguyệt một mình mày mò vừa làm vừa học. Nguyệt thuê ghe đi xuống miệt Phụng Hiệp, Long Mỹ, Vị Thanh để thu mua cọng lục bình, định kỳ chở đi Mỹ Tho. Nguyệt kể: “Hồi đó, phải đi vào các ấp vùng sâu mới mua được nhiều lục bình, đủ nguyên liệu cung ứng. Để cạnh tranh, tôi phải mua với giá cao hơn, phải đặt tiền cọc họ mới để dành cho mình”. Thời gian sau, Nguyệt vừa cung ứng nguyên liệu vừa tổ chức gia công các sản phẩm. Nguyệt huy động một số chị em ở khu vực đến học nghề đan thảm lục bình. Nguyệt nói: “Sản phẩm không mắc lỗi kỹ thuật mới đạt yêu cầu. Chị em phải tháo ra sửa tới sửa lui nhiều lần. Nghề này đòi hỏi tính chịu khó, nhẫn nại, không được nóng vội, cẩu thả”.

Sau một thời gian, Nguyệt có thêm nhiều kinh nghiệm sống và tâm niệm giữ vững chữ tín để còn hợp tác lâu dài và cho rằng lực lượng lao động ổn định, có tay nghề là vấn đề phải quan tâm. Nguyệt tranh thủ liên hệ với ban ngành chức năng ở các địa phương, tổ chức các lớp dạy nghề đan thảm lục bình cho chị em phụ nữ. Nguyệt cung cấp nguyên liệu và tham gia hướng dẫn phần kỹ thuật. Sau 15 ngày học nghề, chị em có thể nhận nguyên liệu về đan và nhận tiền công trên sản phẩm. Ấn tượng của tôi về Nguyệt là sự tận tình hướng dẫn cách làm cho từng học viên lớp dạy nghề đan thảm miễn phí ở khu vực Thạnh Hưng, phường Thường Thạnh. Những khi vào cao điểm sản xuất, Nguyệt vừa phải lo thu mua, dự trữ nguyên liệu, vừa phải quán xuyến việc kiểm tra sản phẩm, đi giao hàng, ký kết hợp đồng mới, đảm bảo tiền công hàng tháng cho chị em.

Khi rảnh rỗi, Ánh Nguyệt thích làm bạn với máy vi tính. Ảnh: P.M

Nguyệt còn nhớ vào tháng 2-2006, được sự hỗ trợ của Liên minh Hợp tác xã TP Cần Thơ, HTX Kim Hưng được thành lập và đi vào hoạt động. Ánh Nguyệt là chủ nhiệm HTX, trực tiếp ký kết các hợp đồng gia công sản phẩm lục bình. Đến nay, Nguyệt đã xây dựng được đội ngũ hơn 20 công nhân lành nghề, sẵn sàng đi khắp các nơi dạy nghề cho nhiều lao động nữ.

Bà Bùi Thị Thu Cúc, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Thường Thạnh, cho biết: “HTX Kim Hưng đã tạo điều kiện để chị em phụ nữ ở địa phương có việc làm, thu nhập ổn định. Chị em có thể nhận nguyên liệu về cho cả nhà làm rồi hẹn ngày giao sản phẩm, nhận tiền công”. Mỗi dịp hè, nhiều học sinh còn chở cọng lục bình khô đến bán cho HTX, dành dụm tiền cho năm học tới, nhẹ gánh lo cho cha mẹ. Chị Kiều Nga, thường được Nguyệt phân công đi dạy nghề nhiều nơi, cho biết: “Nguyệt vui vẻ, hòa đồng, sống rất tình nghĩa. Còn trẻ mà ham làm ăn, giỏi giao thiệp lắm nghe”. Chị Trang, ở khu vực Phú Mỹ, phường Thường Thạnh, cho biết: “Nhờ nghề đan thảm lục bình, hàng tháng, tôi có thu nhập kha khá, phụ tiếp gia đình”.

Với nhiều thành tích nổi bật trong việc phát triển nghề thủ công ở địa phương cũng như tạo điều kiện cho chị em phụ nữ có việc làm , HTX Kim Hưng được chọn báo cáo điển hình tại Hội nghị HTX điển hình tiên tiến TP Cần Thơ năm 2007. Ông Nguyễn Quốc Hải, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, nói: “Ánh Nguyệt là một nữ chủ nhiệm HTX trẻ, nhiệt tình, xông xáo trong quản lý, điều hành hoạt động HTX. Nguyệt đã mạnh dạn tổ chức dạy nghề, ký hợp đồng, tìm đối tác, ổn định việc tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn”.

Hiện nay, HTX tiêu thụ mạnh 5 mặt hàng chủ lực từ cọng lục bình, nhưng mạnh nhất vẫn là thảm lục bình. Nguyệt còn nói với tôi ý tưởng mở mang hoạt động ở đây để thu hút khách tham quan bằng cách tập hợp sản xuất các sản phẩm truyền thống ở tại địa phương, như: chằm nón, dệt chiếu, bó chổi, thêu tay... với hy vọng khi bắt tay vào làm sẽ có người hỗ trợ, hướng dẫn lập kế hoạch...

Mặt trời đã khuất sau dãy nhà phía xa, Nguyệt lại bận rộn cùng chị em thu gom các sản phẩm lục bình xếp vào kho. Nhìn theo dáng người bé nhỏ thoăn thoắt tới lui như con thoi, tôi nhớ đến những dự định sắp tới của Nguyệt và tưởng tượng đến một ngày HTX Kim Hưng sẽ là điểm đến của nhiều khách du lịch. Với cô gái 28 tuổi này, tất cả đều ở phía trước...

  • Ký sự: ANH PHƯƠNG
Chia sẻ bài viết