04/07/2010 - 21:01

Ấm áp nhà Đại đoàn kết

Trao tặng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo ở phường Long Hòa.

“Không còn cảnh nhà cửa dột nát, từ nay cuộc sống gia đình chúng tôi đã sang trang mới”- Đó là tâm sự của nhiều hộ nghèo ở quận Bình Thủy được hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết mà chúng tôi ghi nhận được trong các buổi lễ bàn giao. Xác định có “an cư” mới “lạc nghiệp”, từ những ngày đầu thành lập quận, dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, lãnh đạo quận Bình Thủy đã sớm có chủ trương tập trung xây dựng nhà tình thương (nay gọi là nhà đại đoàn kết) cho những hộ nghèo - gặp khó khăn về nhà ở. Bảy năm qua, bằng cách làm năng động, tập trung huy động nhiều nguồn lực, quận Bình Thủy đã xây dựng được 853 căn nhà đại đoàn kết, xóa dần nhà tre lá, xiêu vẹo...

Sau cơn mưa đầu mùa, những tia nắng như tươi hơn, rạng rỡ hơn, phản chiếu lấp lánh trên nền tường nhà xanh lơ của anh Trần Thế Đạt và chị Nguyễn Thị Kim Tho (tổ 7, khu vực 1, phường Trà Nóc). Trong căn nhà tình thương còn thơm mùi vôi mới, chị Tho luôn miệng cười nói: “Được địa phương và các mạnh thường quân hỗ trợ cất tặng nhà mới, vợ chồng tôi mừng lắm. Từ đây không còn lo cảnh “nhà dột cột xiêu”, chúng tôi hứa sẽ chí thú làm ăn, cho con cái học hành đến nơi đến chốn”.

Gia đình anh Đạt, chị Tho thuộc diện cận nghèo của địa phương. Do không có đất đai để canh tác, thêm vào đó, việc chăn nuôi của anh Đạt liên tục gặp thất bại do dịch bệnh, nên cả nhà 4 miệng ăn đều trông chờ vào số tiền lời ít ỏi từ những tờ vé số và gánh ve chai do chị Tho gồng gánh. Theo chị Tho, chị vất vả cả ngày cũng chỉ tạm đủ tiền “chạy” gạo và lo cho hai đứa con đi học. Nhìn cửa nhà xiêu vẹo, dột nát, những đêm mưa to, gió lớn, trong nhà chẳng có chỗ nào khô ráo để ngả lưng, vợ chồng chị hết sức lo lắng. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh Đạt, đầu năm 2010, phường Trà Nóc đã vận động mạnh thường quân hỗ trợ gia đình 20 triệu đồng để anh chị xây dựng nhà mới. Hội LHPN phường còn vận động tiền hỗ trợ 25 bao xi măng, vận động giúp đỡ ngày công xây dựng. Nhờ vậy, căn nhà tình thương diện tích 40m2 của anh Đạt sớm hoàn thành và được bàn giao giữa tháng 6-2010.

Cùng tâm trạng như vợ chồng anh Đạt, bà Lê Thị Phụng ở khu vực 5, phường Bùi Hữu Nghĩa, vui vẻ mời chúng tôi tham quan căn nhà tình thương cao ráo, rộng rãi vừa được bàn giao vào cuối năm 2009. Gia cảnh vốn nghèo khó, quanh năm bà và các con đi làm mướn kiếm sống nên bà Phụng không dám mơ cất nổi căn nhà đàng hoàng. Năm 2009, gia đình bà vừa được phường ký tín chấp giúp vay vốn xóa đói giảm nghèo để làm vốn bán vé số và được chính quyền địa phương xét tặng căn nhà tình thương. Bà Phụng xúc động, nói: “Không chỉ hỗ trợ tôi cất căn nhà khang trang, trong những dịp lễ, tết, chính quyền địa phương còn tặng tiền, gạo, bột ngọt, dầu ăn, sữa, đường... giúp gia đình tôi vượt qua những lúc khó khăn”.

Trước đây, do làm ăn thất bát, nên gia đình anh Đặng Văn Bon, ở khu vực Bình Thường A, phường Long Tuyền, cũng thuộc diện nghèo nhất nhì ở địa phương. Không có đất sản xuất, vợ chồng anh chị thuê 2,5 công đất ruộng trồng lúa. Do chưa có kinh nghiệm sản xuất, nên sau khi thu hoạch, trừ hết mọi chi phí, huê lợi chẳng còn bao nhiêu. Vì vậy, vợ chồng anh còn đi làm mướn, kiếm tiền trang trải cuộc sống, nuôi các con ăn học. Để giúp gia đình anh Bon vượt qua khó khăn, năm 2005, chính quyền địa phương đã hỗ trợ gia đình anh cất lại căn nhà tươm tất. Anh Bon còn được cán bộ khuyến nông phường mời tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau màu trên nền đất lúa, đồng thời được Hội Nông dân phường Long Tuyền giới thiệu vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội với lãi suất thấp. Từ sự hỗ trợ thiết thực của chính quyền, đoàn thể địa phương, anh Bon đã chuyển đổi toàn bộ 2,5 công đất trồng lúa sang trồng dưa hấu. Vụ dưa hấu đầu tiên, anh chị thu lời khoảng 15 triệu đồng. Từ năm 2006, anh chị thuê thêm đất, đầu tư mua sắm các phương tiện máy móc phục vụ sản xuất. Tổng diện tích canh tác lúc này lên đến 16.000m2. Ngoài tăng thu nhập cải thiện đời sống gia đình, anh chị còn tạo việc làm cho một số lao động ở địa phương.

Không riêng các gia đình trên, những năm qua, ngày càng có nhiều hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận như: gia đình ông Lương Văn Thiểu - phường Long Hòa tuy tuổi đã cao nhưng phải nuôi con bệnh tật; hộ ông Nguyễn Văn Chính - phường Thới An Đông đông con, không có khả năng cất nhà... được cất tặng nhà đại đoàn kết. Đây là niềm động viên lớn lao để các hộ nghèo ngày càng phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.

Trong 7 năm qua, quận Bình Thủy đã vận động xây dựng được 853 căn nhà đại đoàn kết tặng hộ nghèo. Kết quả đó, xuất phát từ chủ trương đúng đắn của Quận ủy và quá trình lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền quận Bình Thủy. Theo kinh nghiệm của Quận ủy, ngay khi mới thành lập quận vào năm 2004, Quận ủy đã tập trung chỉ đạo UBND, UBMTTQ tiến hành khảo sát, đẩy mạnh việc xây dựng nhà đại đoàn kết. Để thực hiện mục tiêu đề ra, cùng với UBMTTQ quận, các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương cũng xây dựng chỉ tiêu, nỗ lực vận động đoàn viên, hội viên đóng góp sức người, sức của xây dựng đại đoàn kết cho hộ nghèo. Vì thế, ngay trong năm 2004, quận Bình Thủy đã sửa chữa và xây mới 241 căn nhà Đại đoàn kết, với kinh phí xây dựng hơn 2,4 tỉ đồng, đạt trên 180 % kế hoạch năm và thành quả đó tiếp tục được phát huy trong những năm tiếp theo.

Nét nổi bật của Bình Thủy là đã huy động được sự đóng góp của toàn xã hội, vào công cuộc chăm lo cuộc sống cho các hộ nghèo. Trao đổi với chúng tôi, nhiều đồng chí lãnh đạo các phường trên địa bàn Bình Thủy, phấn khởi cho biết: cùng với sự nỗ lực vận động của UBMTTQ, các ban, ngành, đoàn thể các cấp, các địa phương chủ động đem chuyện xây dựng nhà đại đoàn kết ra họp trước dân để mọi người cùng bình nghị, chọn những đối tượng xứng đáng nhất. Từ chỗ đồng thuận, nhiều người quan tâm đóng góp tiền của, công sức giúp các hộ nghèo có mái ấm đàng hoàng. Còn nhớ, trước đây, khi đến phường Long Hòa, chúng tôi thường nghe bà con địa phương nhắc đến gia đình cô Võ Thị Tư. Cô nhiều lần trích thu nhập từ huê lợi của miếng vườn, hỗ trợ bà con, khi thì tiền mặt, lúc vài tấm ván để dừng vách, hay tặng bộ cột để cất nhà. Cô còn tặng nền nhà cho gia đình anh Nguyễn Văn Phơi, một hộ không có đất ở, để địa phương cất tặng gia đình này căn nhà đại đoàn kết trong 2004. Nhờ có nhiều tấm lòng nhân ái như cô Tư mà ngày càng nhiều hộ nghèo trên địa bàn quận được giúp đỡ. Như anh Trần Thế Đạt, ở phường Trà Nóc, xúc động kể: “Ngoài số tiền 20 triệu đồng do địa phương hỗ trợ cất nhà, các đoàn thể còn vận động hội viên, mạnh thường quân hỗ trợ vật liệu xây dựng, giúp đỡ ngày công lao động... giúp gia đình tôi xây được căn nhà vừa đẹp, vừa chắc chắn”... Bên cạnh đó, nhiều năm qua, quận và các phường luôn đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền trong các đơn vị doanh nghiệp, công ty, các cơ sở kinh tế, nhà hảo tâm. Vì thế, ngoài nguồn kinh phí của Nhà nước, địa phương còn có sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, điển hình như: Công ty TNHH Ngôi sao Thiên Hà, Công ty Him Lam, DNTN Nguyễn Phương, bà Phạm Bích Ngân ở phường Bùi Hữu Nghĩa, ông Phạm Ngọc Gác - Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Sóc Trăng...

Những căn nhà Đại đoàn kết đầm ấm nghĩa tình ở quận Bình Thủy không chỉ giúp cho các hộ nghèo, khó khăn có mái ấm nương thân mà còn là cơ sở, nguồn động viên lớn lao để các hộ nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo trong những năm tiếp theo.

Bài, ảnh: HỮU HIỀN

Chia sẻ bài viết