25/09/2023 - 09:10

Ấm áp cùng “Tên gọi khác của nhà” 

Chiến sự ở đất nước Syria luôn là vấn đề được thế giới quan tâm. Giữa những xung đột gay gắt của chiến tranh, của những mất mát đau thương, câu chuyện của một gia đình người Syria tị nạn trên đất Mỹ qua tác phẩm “Tên gọi khác của nhà” (NXB Dân Trí) mang lại sự ấm áp và lan tỏa sự lạc quan, tình yêu thương đến mọi người. 

Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tay của nữ tác giả Jasmine Warga, một người Mỹ gốc Ả Rập. Tác phẩm là một trong những cuốn sách bán chạy nhất của New York Times và đạt nhiều giải thưởng danh dự khác nhau.

Nhân vật chính của tiểu thuyết là Jude, cô bé 12 tuổi sống cùng cha mẹ và anh trai tại một vùng đất xinh đẹp của Syria. Khi chiến sự nổ ra, đất nước rơi vào khủng hoảng, mẹ cô đang mang thai, anh trai cô thì đi theo cách mạng, gia đình cô gặp nhiều nguy hiểm nên một quyết định nhanh chóng được đưa ra: Jude và mẹ cùng đến Mỹ nương nhờ người anh trai của mẹ là bác Michelle. Cha cô ở lại để trông coi nhà cửa và cửa hàng, khi thu xếp xong sẽ đi sau. Đặt chân lên đất khách, cô bé bắt đầu một cuộc sống mới và lạ lẫm…

Không quá dữ dội hay nhiều kịch tính, câu chuyện được dẫn dắt khá nhẹ nhàng, tạo cảm giác thoải mái cho người đọc. Phần đầu khi miêu tả về cuộc sống ở Syria, tác giả cho thấy: dù cuộc sống và thông tin còn lạc hậu nhưng với Jude và gia đình, họ hài lòng với những gì mình có, hài lòng với hạnh phúc bình dị nhưng quây quần bên nhau. Phần sau khi nói về cuộc sống trên đất Mỹ, mọi thứ tuy mới mẻ, lạ lẫm nhưng cũng không quá khắc nghiệt đối với mẹ con Jude.  

Thời gian đầu, Jude phải chật vật làm quen với cuộc sống hoàn toàn mới, học một thứ ngôn ngữ khác và kết bạn lại từ đầu, hơn nữa còn phải chịu đựng sự kỳ thị với người đến từ Trung Đông… Và tất nhiên, cô bé không tránh khỏi cảm giác lạc lõng, tủi thân và nhớ nhà, nhớ cha và anh trai… Thế nhưng, tình yêu vô bờ của mẹ, sự đùm bọc, cưu mang nhiệt tình của gia đình người bác và những người bạn mới đã giúp cô bé nguôi ngoai nỗi buồn, cố gắng thích nghi với hoàn cảnh mới.

Qua mỗi chương, độc giả cùng hòa vào những vui buồn của cô gái nhỏ, từ niềm vui khi mỗi lần cô kết thân với những người bạn mới, đến những lo lắng, bất an về cuộc sống nơi quê nhà, về người anh trai không tung tích… Khi cô bé trở thành thiếu nữ, được đội khăn trùm đầu theo quy định của đạo Hồi là chi tiết ấn tượng trong tác phẩm. Vì với Jude, việc đội khăn là sự tự nguyện, là niềm tự hào với văn hóa của quê hương chứ không phải là sự bắt buộc như nhiều người lầm tưởng. Ngoài ra, sự đồng hành và tạo điều kiện của các giáo viên, nhà trường trong suốt quá trình học tập cũng là động lực giúp Jude thêm tự tin, thêm yêu nơi ở mới.

Đặc biệt, việc cô bé mạnh dạn tham gia thử vai để được làm diễn viên trong vở kịch của nhà trường là một bước ngoặt lớn, đánh dấu sự trưởng thành và mạnh mẽ của cô gái Trung Đông ở xứ cờ hoa. Vượt qua nhiều người ứng cử và những rào cản của ngôn ngữ, ngoại hình, Jude đã được chọn và đảm nhận một vai nhỏ với đoạn độc thoại và thể hiện 1 bài hát yêu thích.

Khi Jude và những người thân đón chào cô em gái nhỏ ra đời, khi cô bé tự tin tỏa sáng trên sân khấu, khi tình thân, tình bạn, tình yêu thương, tình thầy trò… đong đầy thì cũng là lúc, Jude nhận ra rằng: ở một nơi cách xa nửa vòng trái đất với quê hương, mảnh đất này cũng trở thành một nơi mà Jude có thể gọi là “Nhà”…

CÁT ÐẰNG

Chia sẻ bài viết