06/09/2022 - 16:18

900 bệnh nhi ở Cần Thơ bị sốt siêu vi trong tháng 8-2022 

(CTO) - Thống kê của Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP Cần Thơ, trong tháng 8-2022, BV đã tiếp nhận khám, điều trị cho khoảng 900 bệnh nhi bị sốt siêu vi, tăng rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo động trẻ nhỏ ở TP Cần Thơ bị sốt siêu vi. Ảnh do BV cung cấp. 

Theo BS CKII Trương Cẩm Trinh, Trưởng khoa Khám bệnh, sốt siêu vi đa số lành tính và có thể khỏi sau 5-7 ngày. Tuy nhiên việc cha mẹ không đưa trẻ đi khám hoặc tự mua thuốc cho trẻ uống, điều trị, chăm sóc không đúng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, hoặc gây tình trạng kháng thuốc, ảnh hưởng sức khỏe của trẻ.

Một trong những dấu hiệu nhận biết sốt siêu vi ở trẻ là sốt cao trên 390C, thậm chí có thể sốt lên 410C. Tình trạng sốt cao thường xuất hiện sau 3-5 ngày khởi phát bệnh và giảm dần. Trong cơn sốt, trẻ mệt mỏi, ít đáp ứng các loại thuốc hạ sốt thông thường. Trẻ còn bị đau toàn thân, mệt mỏi, quấy khóc. Một số trường hợp, trẻ rối loạn tiêu hóa; phát ban, thường xuất hiện 2-3 ngày sau sốt và tự lặn sau đó mà không để lại sẹo. Ngoài ra, ho, chảy nước mũi, hắt hơi, xuất hiện hạch ở đầu cổ, nôn nhiều... cũng là những biểu hiện sốt siêu vi ở trẻ em mà cha mẹ rất dễ nhầm lẫn với các bệnh đường hô hấp.

BS Trương Cẩm Trinh lưu ý, các bệnh lý hô hấp do vi khuẩn cần điều trị kháng sinh, còn sốt siêu vi có thể khỏi mà không cần kháng sinh. Cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế thăm khám để phát hiện đúng bệnh.

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị sốt siêu vi ở trẻ, chủ yếu điều trị hạ sốt, bằng cách nâng cao thể trạng, tăng cường sức đề kháng, điều trị các triệu chứng và phòng ngừa biến chứng. Trường hợp trẻ sốt dưới 38,50C: chườm mát cho trẻ, lau khô mồ hôi, cho trẻ mặc quần áo mỏng, thoáng mát. Trường hợp sốt 38,50C trở lên cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định bác sĩ, thông thường là thuốc hạ sốt đường uống Paracetamol liều 10-15mg/kg/lần, cách nhau 4-6 giờ. Trường hợp trẻ sốt trên 39,50C hoặc có tiền sử co giật, phụ huynh có thể dùng thuốc đặt hậu môn hạ sốt và lau mát bằng nước ấm trong 30 phút. Nếu trẻ bị co giật, cha mẹ giữ trẻ nằm ở nơi an toàn, kê đầu trẻ nằm nghiêng lên một chiếc gối mềm để giảm đờm nhày ra ngoài. Cho trẻ uống nhiều nước, bổ sung các loại thức ăn dễ tiêu như súp, nước hoa quả, cháo...

Cha mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay nếu trẻ sốt cao liên tục trên 2 ngày, không đáp ứng thuốc hạ sốt, ngủ nhiều, lơ mơ, đau đầu, xuất hiện sốt co giật, buồn nôn, nôn khan nhiều lần.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết