10/10/2010 - 10:01

80 năm truyền thống ngành Tổ chức xây dựng Đảng

Năm 2010, trong không khí toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chào đón nhiều ngày lễ lớn của đất nước, Ngành Tổ chức xây dựng Đảng tổ chức kỷ niệm 80 năm truyền thống Ngành (14/10/1930 - 14/10/2010). Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa to lớn, nhất là với đội ngũ cán bộ, công chức đã và đang công tác trong các cơ quan tổ chức của cấp ủy các cấp. Để tuyên truyền sâu rộng về quá trình ra đời, xây dựng và phát triển của Ngành Tổ chức xây dựng Đảng, Ban Tổ chức Trung ương biên soạn và phát hành Đề cương tuyên truyền 80 năm Ngày Truyền thống Ngành Tổ chức xây dựng Đảng.

Phần 1

QUÁ TRÌNH RA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN

1. Sự ra đời của Ngành Tổ chức xây dựng Đảng.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kiện chính trị vô cùng trọng đại của cách mạng nước ta. Sau tám tháng thành lập Đảng, ngày 14-10-1930, Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Trung ương khai mạc tại Hương Cảng (Trung Quốc) đã thông qua nhiều văn kiện quan trọng của Đảng, trong đó có việc quyết định thành lập Bộ Tổ chức kiêm giao thông - tiền thân của Ban Tổ chức Trung ương Đảng ngày nay. Việc thành lập Bộ Tổ chức kiêm giao thông ngay sau khi thành lập Đảng khẳng định vai trò quan trọng của công tác tổ chức xây dựng Đảng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng. Từ đó đến nay, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng về tổ chức, cán bộ và đảng viên. Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa IX) đã đồng ý lấy ngày 14-10 hàng năm là Ngày truyền thống Ngành Tổ chức xây dựng Đảng và cơ quan tổ chức cấp ủy các cấp.

2. Những chặng đường vẻ vang.

Ngay sau khi ra đời, Đảng ta đã đặc biệt quan tâm và tập trung củng cố, phát triển tổ chức cơ sở Đảng, vận động các phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng, giáo dục, bồi dưỡng quần chúng ưu tú để kết nạp Đảng. Đến tháng 4-1931, Đảng ta đã có 250 chi bộ với hơn 2.400 đảng viên. Nhiều tổ chức chính trị - xã hội, quần chúng lần lượt ra đời.

Trong những năm 1936 - 1939, tranh thủ thời cơ phong trào đấu tranh tự do, dân sinh, dân chủ lên cao ở các nước thuộc địa của Pháp, Đảng ta tổ chức nhiều hình thức đấu tranh hợp pháp. Công tác phát triển đảng viên tiếp tục được coi trọng, đưa đảng viên vào xí nghiệp, hầm mỏ để vận động tổ chức quần chúng đấu tranh. Cuối năm 1939, chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, địch khủng bố mạnh mẽ, một số tổ chức Đảng và tổ chức quần chúng bị phá vỡ, không ít chiến sĩ cách mạng bị bắt. Trong nhà tù của địch, nhiều chi bộ được bí mật thành lập, tổ chức các chiến sĩ bị giam cầm kiên cường đấu tranh, biến nhà tù thành trường học cách mạng.

Sau 15 năm thành lập, với hơn 5.000 đảng viên, nhưng có đường lối chính trị đúng đắn và nghệ thuật chỉ đạo, tổ chức tài tình, được đông đảo đồng bào cả nước nhiệt liệt hưởng ứng và tích cực tham gia, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử, lập nên Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên Đông Nam châu Á.

Để phục vụ đường lối vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, trường kỳ kháng chiến, công tác tổ chức xây dựng Đảng trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp tục coi trọng việc củng cố các tổ chức của Đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng, xây dựng, phát triển đảng viên và lực lượng vũ trang. Năm 1947, Trung ương ra Chỉ thị thi đua xây dựng đảng và xây dựng chi bộ tự động. Công tác tổ chức giai đoạn này vừa bảo đảm thắng lợi của cuộc chiến đấu giữa ta và địch ngày càng ác liệt trên khắp các chiến trường, vừa bảo đảm thực hiện các chủ trương chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về nông dân, nông nghiệp và nông thôn, động viên, tập hợp sức mạnh của cả dân tộc, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới, góp phần quan trọng vào chiến thắng oanh liệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Khi đất nước tạm thời bị chia cắt, miền Bắc tập trung xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho miền Nam tiếp tục đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị, công tác tổ chức xây dựng Đảng ở miền Bắc thời kỳ này đi vào kiện toàn tổ chức các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể; thực hiện “Bốn tốt” ở các chi, đảng bộ cơ sở gắn với cuộc vận động “Ba xây, ba chống”; đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ xuất thân từ công nhân, nông dân, học sinh miền Nam tập kết. Ở miền Nam, công tác tổ chức chú trọng xây dựng tổ chức và đội ngũ cán bộ, đảng viên trung kiên để lãnh đạo và cùng nhân dân miền Nam ruột thịt anh dũng chiến đấu, làm thất bại mọi âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi của đường lối chính trị, quân sự, ngoại giao đúng đắn và cũng là thắng lợi trong công tác tổ chức tài tình của Đảng ta. Hơn 20 năm chiến tranh ác liệt, các cơ quan tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức dù hoạt động ở hậu phương hay tiền tuyến, ở vùng địch tạm chiếm hay vùng giải phóng, dù phải đấu tranh trong các trại giam tàn bạo của nhà tù Mỹ - Ngụy, hay ở những nơi biên cương hẻo lánh, đều tỏ rõ lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, nỗ lực phấn đấu, hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Hàng nghìn cán bộ làm công tác tổ chức, số đông là cán bộ, đảng viên trực tiếp hoạt động ở các chiến trường ác liệt đã anh dũng hy sinh. Tổ quốc và nhân dân đời đời nhớ ơn các đồng chí.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Những năm 1975 - 1986, do nóng vội, chủ quan, duy ý chí, chúng ta đã mắc những sai lầm trong hoạch định đường lối phát triển kinh tế - xã hội, đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế – xã hội, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng chỉ rõ những ưu điểm và khuyết điểm trong sự lãnh đạo chính trị của Đảng, trong đó “công tác tổ chức cũng rất trì trệ, chậm chuyển hướng, không đi kịp tình hình và nhiệm vụ”. Sau Đại hội V, công tác tổ chức xây dựng Đảng tập trung vào việc củng cố hệ thống tổ chức Đảng, tiến hành xây dựng các quy chế làm việc của cấp ủy và tổ chức Đảng, đề cao trách nhiệm của tập thể, cá nhân, khắc phục những yếu kém; kết hợp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với việc kiện toàn các cơ quan chính quyền, cải tiến tổ chức và cơ chế quản lý, nâng cao tính chiến đấu của đội ngũ đảng viên; thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đổi mới phương pháp làm việc...

Phần II

CÔNG TÁC TỔ CHỨC XÂY DỰNG ĐẢNG TRONG 25 NĂM ĐỔI MỚI VÀ NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM

Một dấu mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam được đánh dấu bằng sự kiện Đại hội lần thứ VI của Đảng (1986) - Đại hội của sự nghiệp đổi mới toàn diện, mang ý nghĩa một cuộc cách mạng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đánh giá, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, “Nhìn chung, chúng ta chưa thực hiện được những mục tiêu tổng quát do Đại hội lần thứ V đề ra”. Đại hội đã thẳng thắn chỉ ra rằng nguyên nhân chủ quan của tình hình khó khăn, khủng hoảng là do những sai lầm, khuyết điểm trong sự lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước... Những sai lầm, khuyết điểm trong lĩnh vực kinh tế, xã hội bắt nguồn từ những khuyết điểm trong công tác tư tưởng, tổ chức và công tác cán bộ của Đảng.

Đại hội lần thứ VII của Đảng còn có ý nghĩa quan trọng ở chỗ, đây là lần đầu tiên Đại hội thông qua Cương lĩnh chính trị, vạch ra những bài học kinh nghiệm, quan niệm về mô hình CNXH ở nước ta, nêu những định hướng lớn về chính sách kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, về hệ thống chính trị, về vai trò lãnh đạo của Đảng... Hội nghị Trung ương 3 (khóa VII) đề cập tới vấn đề đổi mới và chỉnh đốn Đảng. Hội nghị đã xác định cụ thể các yêu cầu, phương châm và nội dung lớn đổi mới, chỉnh đốn Đảng. Đặc biệt, Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ của Đảng (từ ngày 20 đến 25-1-1994) đã chỉ ra 4 nguy cơ mà công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác tổ chức xây dựng Đảng nói riêng phải được nhận thức và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện trong thực tiễn.

Đại hội VIII của Đảng đã tổng kết chặng đường 10 năm đổi mới, rút ra 6 bài học kinh nghiệm, trong đó, có bài học kinh nghiệm về Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Trong công tác xây dựng Đảng, Báo cáo chính trị xác định, xây dựng Đảng ngang tầm đòi hỏi của thời kỳ mới với 7 nội dung cơ bản. Trong nhiệm kỳ khóa VIII, Ban Chấp hành Trung ương đề ra và chỉ đạo nhiều nghị quyết quan trọng, như: Nghị quyết Trung ương 3 về “Chiến lược cán bộ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; về “Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước CHXHCN Việt Nam trong sạch, vững mạnh”, Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) “về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”.

Có thể nói, những Nghị quyết này đặt nền tảng, tạo ra những tiền đề, những động lực, những mục tiêu cho công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác tổ chức xây dựng Đảng nói riêng có những chuyển biến quan trọng qua các Đại hội Đảng lần thứ IX, X sau này.

(Còn tiếp)

BAN TỔ CHỨC TRUNG ƯƠNG

Chia sẻ bài viết