08/07/2019 - 10:26

70 năm ngọt bùi bên nhau 

Nắm chặt tay vợ trong lòng bàn tay, rồi ông hôn lên trán bà, từ giã: “Tui dìa nghen bà. Bà có cho tui dìa không”. Bà thiêm thiếp, không trả lời. Ra đến cửa phòng, ông chầm chậm ngoái nhìn lại giường bệnh của bà, mắt ông ngân ngấn nước. Tình cảm của đôi vợ chồng già với 70 năm ngọt bùi cùng nhau làm ai cũng xúc động và ngưỡng mộ. 

Câu chuyện tình nghĩa vợ chồng nồng thắm ngót ngét 70 năm qua của họ được con cháu kể lại, đúng với câu: “thương nhau đến đầu bạc, răng long”. Ông Đức năm nay 91 tuổi, nhà ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Bà nhỏ hơn ông 5 tuổi nhưng mấy năm nay, tháng nào bà cũng vào bệnh viện 5-7 hôm. Những đợt nằm viện đó, ông đều có mặt bên bà. Con cháu hiểu lòng cha mẹ, không nỡ cản ngăn ông.

Lần này bà bị bạo bệnh, nằm viện gần hai tháng nay. Dây nhợ ghim chằng chịt trên người, bà không tự thở được, bác sĩ phải hỗ trợ thở ô xy. Bà nằm thiêm thiếp, con cháu đến thăm, hỏi han, bà chỉ u ơ, không phát tròn tiếng ra ngoài. Con cháu khuyên ông ở nhà, vì phòng bệnh hồi sức tích cực chống độc cần cách ly và cũng lo cho sức khỏe của ông. Nhưng cứ tầm 14 giờ chiều, ông bắt taxi từ nhà vào Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ thăm bà. Ông ngồi ở đầu giường, kể cho bà nghe chuyện hồi xưa và kể cho con cháu nghe chuyện ông bà thương nhau rồi sinh đàn con. Lâu lâu, ông lau vội dòng nước mắt.

Cụ ông hôn tạm biệt cụ bà khiến người chứng kiến cảm động.

Ông Đức sinh ra ở Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, 16 tuổi ông tham gia cách mạng (năm 1945), năm 1950 ông được kết nạp Đảng, tổ chức phân công về công tác ở Ty giáo dục tỉnh Sóc Trăng. Anh cán bộ ở nhờ nhà dân, được dân tin yêu, đùm bọc. Lâu ngày, ông Đức đem lòng thương cô con gái của ông bà nơi ông ở nhờ. Cô gái ưng lòng, cha mẹ cũng ưng bụng anh cán bộ hiền lành. Một đám cưới đơn sơ của ông bà được Tổ chức tác hợp. Và chỉ thời gian ngắn, ông chuyển công tác đến nơi khác, cũng ở tỉnh Sóc Trăng nhưng xa nhà. Vợ dại, con thơ phải gởi lại nương nhờ gia đình vợ.

Song, mẹ vợ ông Đức ái ngại cảnh đơn độc của con gái, bà chống xuồng đưa con gái và cháu ngoại đi tìm con rể. Lúc ấy, ông Đức làm công tác đánh máy, dịch tài liệu, phải ở giữa đám lá để tránh địch rải bom, ruồng quét. Khi mẹ vợ đưa vợ con tới, tổ chức hay chuyện đã thu xếp cho vợ con ông ở tạm căn nhà bỏ trống của dân trong xóm. Các con lần lượt ra đời và phần lớn những lần vượt cạn, vợ ông Đức “đi biển mồ côi một mình”, do ông phải làm nhiệm vụ...

Gợi lại những kỷ niệm những ngày gian khó, ông cứ xuýt xoa, “bà ấy cực lắm, cực không biết bao nhiêu mà kể cho xiết. “Như lần sinh thằng thứ năm, tưởng đâu hai mẹ con đều mất mạng. Bà sinh nó lúc đang chèo xuồng, bà lịm dần trên xuồng, đứa trẻ cũng khan tiếng khóc, ngất đi. Đến khi có người dân tình cờ thấy chiếc xuồng trôi lênh đênh với hai mẹ con còn dính nhau dây rốn, mới vớt xuồng cập bờ, cắt rốn cho bé, đưa hai mẹ con lên nhà ủ ấm”- ông kể.

Ngày đất nước hòa bình, đàn con 9 đứa kế cận tuổi nhau, vợ ông Đức gánh vác hết phần cực khổ nuôi dạy con, để ông hoàn thành nhiệm vụ Nhà nước giao. Sau tháng 4-1975, ông được giao nhiệm vụ Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Sóc Trăng; năm 1976, ông được phân công giữ chức vụ Phó Ban Khoa Giáo tỉnh Hậu Giang, đến năm 1983 thì nghỉ hưu. Cả tuổi trẻ, ông dành trọn cho quê hương, được Đảng và Nhà nước khen tặng nhiều danh hiệu cao quý: Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng III; Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng I...

Trong câu chuyện hồi tưởng, ông luôn miệng nhắc đến tình cảm vợ chồng, đồng lòng vượt qua gian khó, về sự hy sinh của bà, gánh phần cực khổ nuôi dạy đàn con. Chỉ bắt đầu khi ông nghỉ hưu, ông bà mới được trọn vẹn câu “chồng đâu, vợ đó”. Nhà nước cấp cho ông một phần đất ở quận Ninh Kiều, ông bà xây nhà sống chung với con gái và các cháu ngoại. Tình cảm yêu thương “tương kính như tân” của ông bà khiến các cặp vợ chồng trẻ không khỏi trầm trồ ngưỡng mộ.

Chị Kim Điều, cháu dâu của ông bà, kể: “Mỗi lần ông vô bệnh viện thăm bà, ông hay kể, bà hồi xưa rất đẹp, hiền hậu, dịu dàng. Ông thương bà nhiều lắm. Có lần bà bệnh, mấy dì chăm sóc bà, lau chùi vệ sinh hơi mạnh tay, ông trách liền. Từ bữa sức khỏe bà xuống, bác sĩ chỉ định lọc máu, ông khóc mắt đỏ hoe. Trước giờ ông chưa khóc vì bất cứ ai hay việc gì, chỉ có bà mới làm cho ông lo lắng”. Theo chị Kim Điều, tình yêu thương, chung thủy của ông bà là tấm gương mẫu mực, nề nếp để con cháu tự soi chính mình khi gặp hoàn cảnh khó khăn và gìn giữ nếp nhà.

Những khoảnh khắc yêu thương cụ ông dành cho cụ bà.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết