16/05/2015 - 17:18

6 nguyên nhân phổ biến gây đau lưng và cách điều trị

Đau lưng là tình trạng phổ biến, ảnh hưởng tới ít nhất 80% người trưởng thành với mức độ khác nhau. Liệu pháp đầu tiên thường là dùng thuốc giảm đau, nhưng nhiều bằng chứng khoa học cho thấy cách này chỉ giảm đau nhất thời. Để giúp mọi người điều trị đúng cách, trang thông tin sức khỏe Healthista.com chỉ ra 6 nguyên nhân gây đau lưng phổ biến và cách chữa cho từng loại bệnh.

Căng cơ hoặc khớp cấp tính

 Ngồi làm việc sai tư thế cũng là nguyên nhân gây đau lưng phổ biến.

Đây là chấn thương phổ biến nhất ở vùng lưng dưới (với triệu chứng đau, co thắt cơ và di chuyển khó khăn), xảy ra khi khuân vác vật nặng, luyện tập thể thao, vặn mình hoặc rướn người quá mức. Những hành động này khiến các cơ, gân và dây chằng ở lưng dưới kéo căng để ngăn tổn thương nhiều hơn và tình trạng sưng viêm xuất hiện như một phần của quá trình hồi phục tự nhiên.

Cách điều trị:

Theo các chuyên gia sức khỏe, cách hữu hiệu nhất đẩy lùi tình trạng này là điều trị càng nhanh càng tốt, bằng cách đặt túi chườm lạnh lên vùng bị đau ít nhất 10 phút và làm nhiều lần để giảm sưng viêm. Nếu bị căng cơ, bạn có thể sử dụng túi chườm nóng, nhưng nhớ bắt đầu và hoàn thành liệu trình bằng túi chườm lạnh để vừa giảm sưng viêm vừa xoa dịu cơn đau. Nghỉ ngơi là điều cần thiết để cơ thể có thời gian phục hồi, nhưng tránh ngồi hoặc nằm quá lâu vì điều này có thể khiến tình trạng đau lưng thêm trầm trọng.

Thoát vị đĩa đệm

Tình trạng này xảy ra khi nhân nhầy đĩa đệm (túi chứa chất keo nằm giữa các đốt sống) bị lệch khỏi vị trí bình thường, chèn ép dây thần kinh cột sống và gây đau đớn hoặc có cảm giác như kim châm dài xuống hai chân. Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm thường là do khuân vác vật nặng sai tư thế, chấn thương khi chơi thể thao hoặc thoái hóa do tuổi tác.

Cách điều trị:

 

Đây là một bệnh nghiêm trọng và cần gặp bác sĩ chữa trị. Ngoài ra, bệnh nhân có thể giảm nhẹ triệu chứng bằng cách nghỉ ngơi để ổn định phần đệm bị lệch, sau đó nhờ chuyên gia giàu kinh nghiệm hướng dẫn thực hành pilates (môn thể dục thẩm mỹ kết hợp giữa yoga và thể dục nhịp điệu, tập với các dụng cụ như dây, bục, tạ, banh…). Phương pháp này giúp tăng cường sức mạnh cho các cơ chủ chốt ở bụng, qua đó hỗ trợ vùng lưng dưới và giảm nguy cơ đĩa đệm bị lệch nặng thêm.

Thoái hóa khớp xương

Theo tuổi tác, các đĩa đệm nằm giữa các đốt sống mỏng dần khiến các khớp xương bị dồn ép nhiều hơn và tình trạng hao mòn sụn ở đầu khớp xương xuất hiện, gọi là thoái hóa khớp hoặc viêm xương khớp (OA). Ngoài ra, chấn thương hoặc thừa cân cũng có thể dẫn đến bệnh này.

Cách điều trị:

Duy trì vận động thân thể là lời khuyên tốt nhất bởi không vận động và ngồi lâu càng khiến khớp xương bị thoái hóa và chèn ép nhiều hơn, khiến bệnh thêm trầm trọng. Đi bộ dù chỉ 5 phút cũng giúp ích đáng kể, hoặc bệnh nhân có thể chọn lựa những bài tập nhẹ nhàng như yoga, bơi lội hoặc khí công. Người bệnh cũng có thể chườm nóng để giảm đau và tăng độ linh hoạt cho các khớp xương, đồng thời giúp các cơ và dây chằng được thả lỏng. Ngoài ra, tiêu thụ thực phẩm chứa các chất kháng viêm tự nhiên, axít béo omega-3 , rau lá xanh, dâu tây, các loại hạt, nghệ, gừng và tỏi cũng là lời khuyên được các chuyên gia đưa ra.

Chấn thương tái diễn và kéo dài

Thường xảy ra ở phần lưng trên nhưng dạng chấn thương này có thể xuất hiện ở lưng dưới khi một hành động được lặp đi lặp lại trong thời gian dài, gây căng thẳng cho các khớp và mô mềm. Ví dụ, nếu bạn thường xuyên xoay người sang phải trong khi làm việc thì vùng lưng dưới bên phải dễ bị chèn ép và đau mỏi.

Cách điều trị:

Cố gắng điều chỉnh và cân bằng các chuyển động cơ thể trong ngày nhằm tránh tình trạng một bên cơ thể chịu sức ép. Nếu không thể tránh khỏi việc lặp lại một kiểu vận động, bạn nên duỗi căng cơ thể theo chiều ngược lại để cân bằng áp lực. Ngoài ra, thường xuyên mát-xa khối cơ lưng cũng có tác dụng giảm đau hiệu quả.

Sai tư thế làm việc

Nhiều người có thói quen ngồi làm việc liên tục nhiều giờ tại công sở lẫn ở nhà. Việc ít vận động kết hợp với ngồi sai tư thế dẫn tới tình trạng cứng cơ và chèn ép lưng dưới dẫn tới đau lưng.

Cách điều trị:

Giải pháp điều trị đơn giản là thường xuyên đứng dậy và vận động để giảm áp lực cho lưng, đồng thời điều chỉnh tư thế ngồi hợp lý. Ví dụ, trước khi ngồi xuống, bạn nên kéo ghế vào đúng vị trí và điều chỉnh độ cao của ghế sao cho hai tay dễ dàng đặt lên bàn phím máy tính, hai bàn chân tiếp giáp với sàn nhà. Thường xuyên kéo duỗi cơ thể và đi bộ một vòng sau giờ ăn trưa cũng giúp ích rất lớn trong việc giảm đau lưng.

Đau do hành kinh

Đối với một số phụ nữ, đau lưng dưới có thể xuất hiện trong thời gian hành kinh, do tử cung co thắt và mạng lưới dây thần kinh chạy qua vùng khung xương chậu bị kéo căng.

Cách điều trị:

Dùng túi chườm nóng, chai nước lạnh áp lên lưng hoặc tắm nước nóng sẽ giúp xoa dịu vùng cơ bị căng. Các chị em có thể vận động nhẹ nhàng (như đi bộ chậm, bơi lội, đạp xe, tập yoga hoặc thái cực quyền) để giảm nhẹ triệu chứng đau và hạn chế vận động mạnh (như chạy bộ) bởi nó dễ gây choáng. Ngoài ra, áp dụng chế độ ăn uống cân bằng (nhiều rau xanh, không ăn mặn, tránh dùng thức uống chứa cồn và chất caffein) cũng giúp giảm chứng đau lưng trong thời kỳ này.

ĐÔNG PHONG (Theo Daily Mail)

Chia sẻ bài viết