21/05/2017 - 08:28

Đoàn Tuồng cổ Minh Tơ

6 đời chân truyền nghiệp Tổ

Dù sân khấu hát bội, tuồng cổ đang thời hưng thịnh, hay dần vào quên lãng; thì có một dòng họ, một đoàn hát qua 6 đời vẫn trân quý giữ gìn nghiệp Tổ. Có những bậc tiền bối, những nghệ sĩ tài danh và những con người thầm lặng sau cánh màn nhung… Họ làm cho sân khấu Tuồng cổ Minh Tơ mãi sáng đèn bằng tình yêu nghệ thuật.

Khai sáng cải lương tuồng cổ

 

 Vở “Đường về San Hậu” do nghệ sĩ Đoàn Tuồng cổ Minh Tơ biểu diễn tại Cần Thơ.

Tại Lễ Kỳ yên Đình Bình Thủy, hàng ngàn người dân đã về sân đình để xem hát bội, tuồng cổ. Những tích xưa như "Lưu bị cầu hôn Giang Tả", "Đường về San Hậu"… được các nghệ sĩ ca diễn hấp dẫn, cuốn hút. Khán giả lại gặp được những giọng ca mộ điệu như NSƯT Trường Sơn, NSƯT Kim Tử Long, Trinh Trinh… Nhưng ít ai biết rằng, họ đều là con cháu trong một gia tộc 6 đời làm rỡ ràng tuồng cổ.

Khởi thủy là ông bầu Vĩnh và vợ là đào Xuân, theo nghiệp hát bội vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Con trai bầu Vĩnh, tức ông Nguyễn Văn Thắng- là kép nhứt trong những tuồng hát nổi tiếng một thuở và năm 1924, làm bầu gánh Vĩnh Xuân Ban, sân khấu đặt ở đình Cầu Quan (quận I, TP Hồ Chí Minh ngày nay). Người trong nghề gọi ông là Bầu Thắng. Bầu Thắng có 8 người con, trong đó 5 người theo nghiệp hát và nổi tiếng: Minh Tơ, Khánh Hồng, Huỳnh Mai, Bạch Cúc, Đức Phú. Khoảng năm 1940, lúc đó Bầu Thắng đã qua đời, vợ và các con ông quản lý gánh hát nhưng lúc bấy giờ hát bội không còn được ưa chuộng như trước.

Để thích nghi với thực tế, nghệ sĩ Minh Tơ và vợ là nghệ sĩ Bảy Sự cùng với hai em là nghệ sĩ Khánh Hồng, Đức Phú đã sang đoàn cải lương Phụng Hảo của NSND Phùng Há học hát cải lương. Nghệ thuật hát bội pha cải lương ra đời từ bước ngoặt này. Có thể nói, dòng tộc của Bầu Thắng là người tiên phong khai sáng bộ môn tuồng cổ. Nhiều tích tuồng xưa được nghệ sĩ Minh Tơ viết lại theo phong cách cải lương, em trai ông là Đức Phú viết nhạc cũng trên thang âm ngũ cung. Có thể kể các vở: "Trọng Thủy Mỵ Châu", "Triệu Thị Trinh", "Phụng Nghi Đình", "Trảm Trịnh Ân"… Với phong cách mới lạ, đoàn cải lương Tuồng cổ Minh Tơ nhanh chóng chiếm được tình cảm của người mộ điệu.

Những thế hệ tài danh

Nếu như 3 thế hệ đầu đã đặt nền móng vững chắc thì 3 thế hệ sau làm rỡ ràng cho nghệ thuật tuồng cổ. Nổi bật là ông bầu Minh Tơ và nghệ sĩ Bảy Sự có 9 người con đều nối nghiệp: Xuân Yến, Thanh Tòng, Thanh Loan, Minh Tâm, Công Minh, Xuân Thu, Thanh Sơn, Tuấn Minh, Quế Phương. Một người con khác của Bầu Thắng là nghệ sĩ Huỳnh Mai có chồng là NSND Thành Tôn- nghệ sĩ hát bội "cây đa cây đề" đã sinh ra những người con giỏi nghệ thuật: Bạch Liên, Bạch Lê, Bạch Lựu, Bạch Lý, Bạch Long và NSƯT Thành Lộc. Ở thế hệ thứ 5, những nghệ sĩ U40 hẳn được nhiều người biết: Xuân Trúc, Trinh Trinh (con của nghệ sĩ Xuân Yến) và chồng là NSƯT Kim Tử Long, Quế Trân (con của NSND Thanh Tòng), Tú Sương, Ngọc Nga, Lê Thanh Thảo (con của nghệ sĩ Thanh Loan và NSƯT Trường Sơn)... Những mầm non thế hệ thứ 6 của gia tộc này như Bảo Trâm, Hồng Quyên, Kim Thư… trong nhóm Đồng ấu Bầu trời xanh với tài sắc, yêu nghề, hứa hẹn lớp hậu duệ không làm thất vọng người mộ điệu.

6 đời, với gần trăm con người hơn thế kỷ qua vẫn gắn đời với sân khấu, màn nhung, với những hỉ, nộ, ái, ố của những vai tuồng. Họ đã bảo tồn và làm thăng hoa nghệ thuật truyền thống. Đoàn Minh Tơ hiện nay do nghệ sĩ Xuân Yến - chị của cố NSND Thanh Tòng phụ trách. Tuổi gần 80 mà bà vẫn đảm đương coi sóc đoàn hát, mở màn mỗi khi lên tuồng, dẫn chuyện cho Lễ Xây Chầu Đại Bội. Từng nghi thức như Xây Chầu Đại Bội, Tôn Vương… được gánh Minh Tơ giữ gìn như bao đời qua vẫn giữ gìn- giữ cái đạo của nghiệp hát.

Sinh thời, cố NSND Thanh Tòng đã tâm sự, đại ý rằng: Thường người ta chỉ viết gia phả bằng chữ nhưng ông muốn viết gia phả bằng nghệ thuật. Ở đó, mọi người sẽ được thấy lại những hình ảnh, những thước phim tư liệu về những nghệ sĩ tiền phong của gia đình như: Minh Tơ, Đức Phú, Huỳnh Mai... cũng như "viết" lên quá trình phát triển từ cái gốc hát bội lên cải lương tuồng cổ ngày nay.

Đêm ở đình Bình Thủy, nhiều người chen kín trong hậu đài để xem nghệ sĩ hóa trang, nhiều nghệ sĩ lo ngại trễ giờ mở màn nên nhờ bà con lui ra. Nghệ sĩ Trinh Trinh cười nhẹ, can rằng: "Thôi, cô chú cứ để bà con coi. Bà con thương mình mới vào tận đây". Thật quý cái tâm với nghiệp, cái tình với người mộ điệu!

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết