22/03/2017 - 20:55

5 ứng dụng ghi chú hay nhất cho nhiều nền tảng

Các ứng dụng ghi chú hiện đại, như Evernote hay OneNote, đã có thể làm được hầu hết mọi việc, như đính kèm hình ảnh và video, chụp ảnh bảng trắng, thậm chí người dùng chỉ đọc ghi chú để ứng dụng chuyển giọng nói thành văn bản. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta chỉ cần một ứng dụng đơn giản, có khả năng lưu tự động và dễ dàng mở nhanh trên bất kể nền tảng nào. Sau đây là 5 lựa chọn tốt nhất dành cho mọi người dùng.

1. Notes (Windows, Mac, Linux)

Notes trước đây từng là ứng dụng ghi chú mặc định tốt nhất dành cho người dùng máy tính macOS trong một thời gian dài. Đến khi mở rộng sang Windows và Linux, nó vẫn giữ nguyên những tính năng tốt nhất.

Ứng dụng Notes nổi bật với khả năng tự động lưu mọi chữ ngay khi người dùng nhập vào, mà không cần nhấn tổ hợp phím Ctrl + S. Khung bên trái của nó là nơi chứa tất cả mẫu ghi chú của người dùng, trong khi khung bên phải hiển thị nội dung chi tiết. Người dùng cũng có thể tìm kiếm bên trong tất cả nội dung ghi chú và kết quả được đưa ra rất nhanh chóng. Notes thậm chí còn có cả những tổ hợp phím tắt để nhập ghi chú nhanh hơn và được cung cấp miễn phí cho những hệ điều hành nêu trên.

2. Bear (Mac, iOS)

Với khả năng đồng bộ giữa máy tính Mac, điện thoại iPhone và máy tính bảng iPad, ứng dụng Notes đã là một công cụ mạnh mẽ cho bất kỳ người dùng sản phẩm của Apple nào. Tuy nhiên, ứng dụng mới Bear còn nâng cấp hơn Notes.

Bear "ghi điểm" ở mọi lĩnh vực mà Notes vẫn còn đang "mơ ước". Nó hỗ trợ ngôn ngữ Markdown cho người viết. Bên cạnh đó, một đặc điểm khác giúp nó nổi bật là hệ thống sắp xếp theo cây thư mục rất thuận tiện. Người dùng chỉ việc thêm #todo vào một ghi chú là ghi chú đó sẽ tự động được chuyển tới thư mục "todo" (cần làm), trong khi nếu thêm vào #todo/work, ghi chú đó sẽ nằm dưới thư mục "work" (công việc), thư mục con của thư mục "todo".

Ứng dụng Bear cho thiết bị iOS cung cấp tất cả tính năng này, nhưng không có chế độ chia đôi màn hình. Trong khi nó vẫn cho phép lưu tự động, tính năng đồng bộ trên hai thiết bị là một tính năng trả phí ở mức 15 USD/năm.

3. Noty (Android) và JOT (iOS)

Hai ứng dụng giống nhau cho hai hệ điều hành riêng biệt. Các ứng dụng này cho phép người dùng mở ứng dụng và bắt đầu viết ra ngay những ý tưởng của mình, mà không cần quan tâm đến việc sắp xếp hay bất cứ thao tác nào khác.

JOT khởi động với bàn phím và một màn hình trống. Ngay sau khi người dùng viết ra những gì mình muốn và đóng ứng dụng lại, nó tự động lưu mọi thứ theo thứ tự thời gian, nên người dùng sau đó chỉ việc nhìn vào các mốc ngày/giờ. Nó không khác gì một "cuốn nhật ký" trên điện thoại iPhone. Dĩ nhiên, người dùng vẫn có thể xem lại và sắp xếp các ghi chú sau đó.

Noty cũng có ý tưởng tương tự. Nó khởi động với một màn hình trống, nhưng người dùng phải nhấp nút Save để kết thúc. Người dùng vẫn có thể chỉnh sửa hay xóa các ghi chú sau đó. Đáng tiếc là Noty không lưu tự động, nếu ngược lại nó có thể sẽ là ứng dụng ghi chú tốt nhất trên Android. Cả hai ứng dụng đều được sử dụng miễn phí.

Notable và Quick Notes luôn sẵn sàng từ trình đơn thông báo.

4. Notable (Android) và Quick Notes (iOS)

Đây là hai ứng dụng giống nhau khác, với ý tưởng độc đáo là ứng dụng ghi chú nằm ngay trong trình đơn thông báo. Bằng cách này, người dùng luôn có thể kéo trình đơn thông báo xuống để viết ghi chú, bất kể họ đang làm gì trên điện thoại.

Notable của Android là ứng dụng cũ và mạnh mẽ nhất trong bộ đôi này. Tuy nhiên, người dùng có thể viết nhiều ghi chú cùng lúc, thậm chí tạo thông báo nhắc nhở.

Quick Notes đơn giản hơn và chỉ cho phép viết từng ghi chú một. "Điểm cộng" của nó là có thể sao lưu các ghi chú lên iCloud, nên dễ dàng mở lại những gì đã viết. Cả hai ứng dụng đều được cung cấp miễn phí.

5. Papier (Chrome)

Đây là phần mở rộng mới nhất và là một trong những phần mở rộng hay nhất cho trình duyệt web Chrome hoạt động theo "kiểu" sử dụng trang "Tab mới".

Ngay khi người dùng mở thẻ mới, nó sẽ cung cấp một trang trống để người dùng bắt đầu nhập ghi chú gì tùy ý, từ những dòng chữ đơn giản cho đến dán cả một bài báo. Papier hỗ trợ định dạng RTF, thậm chí cho phép người dùng tạo hộp đánh dấu như danh sách việc cần làm và có sẵn một công cụ đếm số ký tự. Nó hoạt động ngoại tuyến, lưu ghi chú ngoại tuyến, có chế độ ban đêm Night Mode, cho phép in tất cả ghi chú bất cứ khi nào cần. Papier cũng được cung cấp miễn phí.

Lê Phi (Theo MUO)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
ghi chúNotes