29/09/2020 - 19:06

5 gia đình có 2 bình chữa cháy 

Đó là mô hình được khu vực 6, phường An Lạc (nay thuộc phường Tân An), quận Ninh Kiều tổ chức từ năm 2018 đến nay và nhận được sự đồng tình, tham gia của nhiều hộ dân. Mô hình góp phần tăng hiệu quả phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong đô thị và đặc biệt là lan tỏa ý thức chủ động phòng ngừa cháy nổ trong cư dân.

Cô Diễm (bên trái) khoe chiếc bình chữa cháy được trang bị từ số tiền đóng góp của các thành viên nhóm dân cư PCCC.

Cô Diễm (bên trái) khoe chiếc bình chữa cháy được trang bị từ số tiền đóng góp của các thành viên nhóm dân cư PCCC. 

Ðược gợi ý từ mô hình 5 trong 1 về giữ gìn an ninh trật tự do Công an quận Ninh Kiều đề xuất, giữa năm 2018, Ðảng ủy phường An Lạc (cũ) đã chỉ đạo các khu vực vận động cứ 5 hộ liền kề phải trang bị 2 bình chữa cháy. Thực hiện chỉ đạo này, đến tháng 10 năm 2018, khu vực 6 nhanh chóng vận động đảng viên và nhân dân tự nguyện đóng góp mua được 76 bình chữa cháy. Nhờ vậy, khu vực nhanh chóng thành lập được 38 nhóm dân cư PCCC ở tất cả 14 tổ nhân dân tự quản. Từng nhóm có phân công nhóm trưởng và được tập huấn kiến thức PCCC, thực hành cách bảo quản và sử dụng bình chữa cháy. Ðến tháng 11-2018, mô hình chính thức được ra mắt với 58 nhóm dân cư PCCC, trong đó, có 20 nhóm là các doanh nghiệp tự trang bị 228 bình chữa cháy. Mô hình ngày càng lan tỏa, đến nay, nhóm dân cư PCCC ở các tổ nhân dân tự quản đã trang bị được trên 100 bình chữa cháy.

Bà Nguyễn Ngọc Tiết, Trưởng khu vực 6, phường Tân An, cho biết: “Chúng tôi kiên trì vận động, thuyết phục trên cơ sở nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của việc PCCC. Qua đó, nhiều hộ dân đồng thuận, tự nguyện tham gia. Các hộ dân đóng góp theo khả năng, ai có điều kiện khá giả, góp nhiều hơn một chút để cả nhóm cùng được trang bị bình chữa cháy, phòng ngừa “bà hỏa”. Việc tham gia này còn góp phần thắt chặt thêm tình làng, nghĩa xóm”. Sau khi thành lập mô hình, thông qua các nhóm trưởng, khu vực thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra tình hình bảo quản, bảo dưỡng định kỳ bình chữa cháy ở các nhóm dân cư để bình chữa cháy luôn đảm bảo an toàn và ở trạng thái sẵn sàng. Ðồng thời lồng ghép, tuyên truyền về vai trò của PCCC đối với việc bảo vệ tính mạng, tài sản. Bên cạnh đó, Trưởng khu vực khuyến khích các hộ gia đình có ý thức tự trang bị thêm hoặc chủ động thay thế bình chữa cháy đã hết hạn sử dụng, đồng thời tự cập nhật kiến thức PCCC qua các kênh thông tin uy tín.

Khoe với chúng tôi bình chữa cháy được để ở ngay góc phòng, cô Trương Thị Diễm, ở tổ 78, khu vực 6, phường Tân An, cho biết, nhóm của cô gồm 3 hộ liền kề. Tuy nhiên, cô được ưu tiên bảo quản bình chữa cháy vì gia đình cô kinh doanh trong ngành may mặc, thường xuyên có số lượng lớn vải vóc, quần áo lưu giữ trong nhà. Ðây là vật liệu dễ cháy nên cần phải kỹ lưỡng. Cô Diễm cho biết: “Gia đình tôi luôn có ý thức sử dụng lửa, điện an toàn trong sinh hoạt. Riêng hệ thống điện có sử dụng thiết bị cầu dao điện an toàn, dây điện có hộp cách điện, các thiết bị gia dụng không quá tải điện,… Có bình chữa cháy trong nhà, chúng tôi an tâm hơn rất nhiều. Với mô hình này, các hộ cùng nhau đóng góp, tiết kiệm một phần chi phí nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu có bình chữa cháy để dự phòng. Nhóm chúng tôi thống nhất gia đình nhận bảo quản bình chữa cháy phải đặt bình ở vị trí dễ thấy, dễ lấy, dễ sử dụng và luôn đảm bảo có người ở nhà thường xuyên. Nếu cả nhà có đi vắng lâu ngày thì đem bình chữa cháy sang nhà thành viên khác bảo quản. Khi có cháy, dù bất kỳ thời gian nào, các thành viên cùng tích cực hỗ trợ nhau dập lửa”. Không chỉ riêng cô Diễm, từ ngày có bình chữa cháy để trong nhà, các thành viên gia đình rất quan tâm, tìm hiểu cách sử dụng và bảo quản bình chữa cháy đúng cách. Không chỉ vậy, thỉnh thoảng, cán bộ khu vực hay nhóm trưởng, tổ trưởng tổ nhân dân tự quản cũng ghé qua, nhắc nhở cách kiểm tra, bảo dưỡng bình chữa cháy.

Chị Hà Thị Nhã Vy, ngụ Tổ 85, khu vực 6, vui vẻ cho biết: “Bình chữa cháy tôi để ngay chỗ cầu thang, ai trong nhà cũng biết chỗ để bình và cách sử dụng. Trong nhà có sử dụng nhiều loại thiết bị điện, trong khi diện tích nhà tôi nhỏ, lại có gác gỗ nên có thiết bị bảo hộ, PCCC là rất cần thiết. Vì vậy, hồi mới nghe khu vực triển khai, vận động người dân đóng góp, mua bình chữa cháy dự phòng, tôi rất đồng tình, ủng hộ. Với số tiền không nhiều, đóng góp cùng hàng xóm trang bị bình chữa cháy, chúng tôi đã giúp nhau cùng phòng, chống cháy nổ, đảm bảo an toàn”. Tuy nhiên, gia đình chị không vì có bình chữa cháy nên chủ quan mà chú ý kiểm tra các đường dây điện để kịp thay mới nếu dây quá cũ hoặc bị bong tróc; luôn cẩn thận trong quá trình sử dụng lửa và thiết bị điện. Các thành viên trong nhà giữ thói quen cúp cầu dao điện nếu là người cuối cùng ra khỏi nhà.

Gần 2 năm đưa vào hoạt động, mô hình 5 gia đình có 2 bình chữa cháy của khu vực 6, phường Tân An đã chứng minh được hiệu quả tuyên truyền rất tích cực. Từ việc hưởng ứng vận động của chính quyền địa phương, ngày càng nhiều gia đình tự mua sắm, trang bị bình chữa cháy riêng, đồng thời chủ động tìm hiểu các kiến thức PCCC, kỹ năng xử lý tình huống khi có cháy. Qua đó, góp phần phòng ngừa cháy nổ, đảm bảo an toàn về người và tài sản cho gia đình và cộng đồng.

Bài, ảnh: MỸ TÚ

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
bình chữa cháy