18/05/2011 - 08:03

Mô hình liên kết bao tiêu lúa theo Quyết định 80

"4 nhà" cần gắn bó hơn...

Sau 9 năm thực hiện Quyết định số 80/QĐ-TTg (Quyết định 80) ngày 24 tháng 6 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về “Chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng”, mô hình liên kết bao tiêu lúa cho nông dân tại TP Cần Thơ đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc xung quanh chủ trương này…

* Những thành công...

Ở TP Cần Thơ, Công ty Lương thực Sông Hậu, Công ty Cổ phần Thương nghiệp tổng hợp và Chế biến lương thực Thốt Nốt (Công ty Cổ phần Gentraco), Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ, Công ty Mêkông Cần Thơ... là những doanh nghiệp (DN) đi đầu trong việc bao tiêu lúa cho nông dân. Trong quá trình thực hiện, diện tích và sản lượng bao tiêu lúa của các công ty ngày một tăng lên, bước đầu tạo được niềm tin đối với nông dân. Theo Công ty Cổ phần Gentraco, chỉ tính riêng địa bàn TP Cần Thơ, từ tháng 10-2008 đến nay, công ty đã thực hiện bao tiêu 5 vụ lúa tại 11 xã thuộc 3 huyện: Vĩnh Thạnh, Thới Lai và Cờ Đỏ. Nếu ở vụ đầu tiên (vụ đông xuân 2008-2009), diện tích bao tiêu của công ty chỉ khoảng 135ha với sản lượng thu mua 523 tấn, thì vụ đông xuân 2010-2011, diện tích đã lên đến 800ha, sản lượng đạt trên 4.000 tấn. Ông Trầm Tấn Thành, Phó Ban Dự án Lúa chất lượng cao, Công ty Cổ phần Gentraco, nói: “Theo kế hoạch, vụ hè thu và thu đông 2011, chúng tôi sẽ tiến hành bao tiêu 900ha lúa với sản lượng 3.600 tấn tại TP Cần Thơ và bao tiêu thêm 600ha lúa, sản lượng 2.400 tấn tại 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang. Giá lúa sẽ được mua từ bằng đến cao hơn thị trường trên dưới 150 đồng/kg, tùy theo chất lượng và độ rạn gãy gạo. Ngoài ra, công ty phấn đấu đến năm 2014, diện tích bao tiêu tại TP Cần Thơ và một số tỉnh ĐBSCL sẽ đạt mức 15.000ha, tương đương sản lượng 75.000 tấn lúa”.

Ông Đỗ Hữu Sáng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ, cho biết: “Với nền tảng trước đây là Nông trường Cờ Đỏ, sau đổi thành Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ, nên việc thực hiện bao tiêu sản phẩm của công ty có nhiều thuận lợi. Hiện công ty có 5.500ha đất, giao khoán cho 2.500 hộ. Quá trình sản xuất của công ty được thực hiện theo một chu trình khép kín: sản xuất lúa, chế biến gạo, tồn trữ và xuất khẩu gạo. Bên cạnh đó, toàn bộ các khâu từ làm đất, giống, phân bón, chi phí thu hoạch... đều do công ty đầu tư vốn và được cơ giới hóa. Lúa sau thu hoạch xong sẽ được chúng tôi thu mua theo đúng hợp đồng đã ký kết, đảm bảo từ bằng hoặc cao hơn giá thị trường. Hiện tại, ngoài việc đảm bảo sản lượng lúa gạo làm ra đạt chất lượng đồng nhất và ổn định, chúng tôi đang tiến tới xây dựng thương hiệu để sản phẩm lúa gạo xuất khẩu hoặc tiêu thụ nội địa đều mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần tăng thêm lợi nhuận cho cả công ty lẫn nông dân”.

Như vậy, khi DN và nông dân ký kết hợp đồng bao tiêu lúa gạo sẽ mang lại lợi ích cho cả hai phía. Bởi DN sẽ chủ động được nguồn nguyên liệu, nâng cao giá trị sản phẩm, từ đó tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường. Còn nông dân sẽ có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thêm thu nhập, đặc biệt là không phải lo lắng về đầu ra sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Thắng, Tổ sản xuất lúa chất lượng cao số 1, xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Từ khi Công ty Cổ phần Gentraco hợp đồng bao tiêu lúa, nông dân rất phấn khởi, chuyên tâm hơn trong việc sản xuất vì có đầu ra ổn định. Điển hình như vụ đông xuân vừa rồi, giá lúa được công ty mua cao hơn giá thị trường từ 100-250 đồng/kg. Thông thường, sau khi ký hợp đồng, công ty luôn bám chắc địa bàn, liên tục hỗ trợ giống, phân bón; hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa, cách dùng phân bón và thuốc trừ sâu đúng cách... cho nông dân. Qua 5 vụ lúa, nông dân và DN ngày một hiểu và tin tưởng nhau hơn, thói quen bán lúa tươi của nông dân cũng từng bước xóa bỏ”.

* Cần thắt chặt liên kết “4 nhà”

Mô hình liên kết bao tiêu lúa được thực hiện tốt, nông dân sẽ không phải lo về đầu ra sản phẩm. Trong ảnh: Thu hoạch lúa vụ đông xuân 2010-2011 tại huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. Ảnh: M.HUYỀN. 

Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả tích cực mang lại, mô hình liên kết bao tiêu lúa cho nông dân cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Trên thực tế, điệp khúc “được mùa mất giá” vẫn diễn ra hằng năm. Trước thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân sâu xa của vấn đề là do nông dân và DN chưa thực sự trở thành “liên minh” theo đúng nghĩa. Anh Mai Thanh Xuyên, Tổ sản xuất lúa Xuân Thắng, huyện Thới Lai, băn khoăn: “Điều khiến nông dân “không vui” khi ký hợp đồng với DN là vào cuối vụ việc thu mua lúa của DN thường chậm trễ, nông dân phải chờ đợi “mỏi mòn”. Hơn nữa, sau khi lúa được thu mua, nông dân cũng phải đợi thêm một vài ngày nữa mới nhận được tiền từ công ty. Trong khi đó, họ cần tiền để trang trải nhiều khoản chi phí khác”. Còn theo một số DN, phần lớn nông dân vẫn chưa quen với cách làm ăn theo hợp đồng nên khi gặp khó khăn họ thường dễ dàng phá vỡ hợp đồng. Ngoài ra, vào thời điểm thu hoạch tập trung, do thiếu phương tiện vận chuyển, kho dự trữ, ...nên việc thu mua lúa của DN bị trì hoãn. Đây là lý do vì sao Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ đã có từ năm 2002, nhưng đến nay, số DN ở TP Cần Thơ tham gia bao tiêu lúa cho nông dân vẫn chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Diện tích và sản lượng bao tiêu vẫn còn thấp so với tổng diện tích và sản lượng lúa của toàn thành phố.

Theo bà Lưu Thị Lan, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Gentraco, nhằm đảm bảo hợp đồng được thực hiện nghiêm túc và uy tín, khi thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu, công ty thường ưu tiên chọn các địa bàn có sự hỗ trợ tốt từ phía chính quyền địa phương, nông dân chủ động liên kết sản xuất theo hình thức như câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã... Cũng theo bà Lan, mục tiêu chính công ty đặt ra từ vụ đầu tiên là tìm sự đồng thuận và đồng lòng từ phía người nông dân. Hiện nay, công ty đang chủ động đầu tư thêm hệ thống kho bãi tại địa bàn bao tiêu nhằm tiết giảm chi phí trong khâu vận chuyển và đảm bảo thu mua lúa kịp thời cho nông dân. Ngoài ra, công ty đang hướng tới đầu tư máy sấy để thu mua lúa tươi, khắc phục tình trạng gạo bị rạn gãy do sấy không đúng kỹ thuật.

Như vậy, để hợp đồng bao tiêu giữa nông dân và DN được thực hiện một cách trọn vẹn, công bằng và có hiệu quả thì vai trò của nhà nước cũng phải được phát huy cao độ. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho rằng: Kết quả mang lại từ những hợp đồng bao tiêu lúa giữa nông dân và DN đã đánh dấu bước ngoặt trong mối liên kết “4 nhà”. Đây là cơ sở để TP Cần Thơ hướng đến xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao: sản xuất và tiêu thụ phải được hoạch định sẵn, có kế hoạch, chiến lược cụ thể. Thời gian tới, ngành nông nghiệp thành phố sẽ tiến hành quy hoạch những vùng sản xuất qui mô lớn, đồng thời tăng cường đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật nhằm hỗ trợ nông dân sản xuất để mô hình liên kết bao tiêu lúa ngày càng phát triển nhanh, mạnh và đều khắp. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nông dân sản xuất theo nhu cầu của thị trường và đầu ra của hạt lúa hoàn toàn được đảm bảo.

MINH HUYỀN-MỸ THANH

Chia sẻ bài viết