29/12/2007 - 21:08

250 năm xứ Châu Đốc, An Giang - Vùng đất phên giậu Tây Nam Tổ quốc

Châu Đốc là vùng đất phên giậu Tây Nam Tổ quốc, trấn giữ cõi đầu nguồn phía hữu ngạn Hậu Giang, giáp với biên giới Việt Nam - Campuchia. Nơi đây, từ đồng bằng trũng thấp bỗng nhô cao lên la liệt núi tiếp núi! Những nóc Thất Sơn cao vòi vọi ấy tự xưa nay vẫn sừng sững che chắn, bảo vệ cho vùng Tây Nam Tổ quốc đời đời an ninh, thịnh thái.

Căn cứ các bộ sử biên soạn thời nhà Nguyễn như Gia Định thành thông chí, Đại Nam nhất thống chí, Phương Đình dư địa chí, Quốc triều chính biên, Đại Nam thực lục..., năm 1757 - tức cách nay vừa tròn 250 năm, chúa Nguyễn cho thành lập cùng lúc 3 đạo quân để lo việc bảo vệ an ninh miền biên cảnh. Đó là Đông Khẩu đạo (ở phía Nam sông Sa Đét - nay quen viết là Đéc); Tân Châu đạo (ở đầu Cù lao Giêng, Tiền Giang) và Châu Đốc đạo (phía Hậu Giang). Quân của các đạo đem từ dinh Long Hồ (Vĩnh Long) đến trấn thủ ngăn chặn chỗ yếu hai nơi địa đầu.

Trải mấy trăm năm kể từ ngày khai cương thác địa, tên gọi Châu Đốc vẫn được trân trọng bảo lưu. Buổi đầu cha ông ta gọi “Châu Đốc tân cương” với ý rằng, đây là vùng đất mới của Tổ quốc được khai thác sau cùng (Châu: vùng đất; Đốc: sau cùng). Đề cập đến địa danh này, sử cũ ghi rõ: “Vì đất ấy nhiều chỗ bỏ hoang, đầu đời Gia Long mộ dân đến ở, gọi là Châu Đốc tân cương”.

Một góc “xứ Châu Đốc” và hình kinh Vĩnh Tế được khắc trên hông Cao đỉnh - “đỉnh mở đầu” trong Cửu đỉnh - đặt giữa trước Thế miếu tại Hoàng thành, Huế (ảnh nhỏ). 

Năm 1832, thời Minh Mạng, tỉnh An Giang được thành lập, trở thành một trong sáu tỉnh của Nam Kỳ. Lúc này ít ai gọi đủ 4 tiếng “Châu Đốc tân cương” như trước mà gọi “xứ Châu đốc” để chỉ vùng đất bán sơn địa phía Tây sông Hậu thuộc tỉnh An Giang.

Vì rất quan tâm miền biên cảnh mà “Châu Đốc là trọng trấn cõi Nam” nên vua Gia Long truyền chỉ đắp đồn Châu Đốc để phòng giữ, kiêm quản cả trấn Hà Tiên. Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt giao cho phó tướng Nguyễn Văn Xuân trực tiếp trông coi. Đây là bước tiếp theo, bởi trước đó đồn Châu Đốc đã được khởi công vào ngày mùng 4 tháng Chạp năm Ất Hợi (1815) nghĩa là trước đó khoảng 1 tháng, do Trấn thủ Vĩnh Thanh Lưu Phước Tường phụng sắc, đem dân binh trong trấn hạt 3.000 người xây dựng Đồn Châu Đốc lúc đầu đắp bằng đất, hãy còn khá đơn sơ. Sau do bị nước lụt làm lở sụp nhiều nơi, nên Trấn thủ Vĩnh Thanh Nguyễn Văn Thoại phải cho tu bổ lại, có tăng cường thêm đá xanh ở một số nơi cho được kiên cố. Tháng 11 năm Mậu Dần (1818) ông vâng mệnh trích lấy một phần diện tích phía Đông, cho lập chợ Châu Đốc xây cất nhà phố.

Tháng Giêng năm Đinh Sửu (1817), vua thấy “xứ Châu đốc đất tốt, mà người ít, có nghe quan phủ Chân Lạp là Diệp Hội (người Tàu, làm quan bên Chân Lạp) là người mẫn cán, xử việc gì dân cũng bằng lòng; liền cho Diệp Hội làm Cơi phủ Châu Đốc, khiến chiêu tập người ta, người Thổ và người Tàu vào đó cho đông, hễ có biết nghề trồng cây, nuôi các thứ súc vật, buôn bán hay là làm đồ gốm, cho tùy nghề nghiệp mà làm; người nào thiếu vốn thời nhà nước cho vay”. Lại truyền dụ quan tổng trấn Gia Định: “Dân mới phủ tập, nên dạy làm các việc lợi ích, khiến dân đều an cư lạc nghiệp; chờ các việc thành rồi sẽ tâu lên”.

Do nhận xét “địa thế Châu Đốc - Hà Tiên cũng không kém Bắc Thành, đất mở càng rộng, Châu Đốc sẽ trở thành một trấn to” nên nhà vua không thể không trù tính về an ninh quốc phòng, bèn quyết phải đào một con kinh dọc theo biên giới có ý nghĩa phòng thủ, đồng thời cũng đáp ứng yêu cầu giao thông thủy, lợi ích cho cả nông thương trong vùng. Đây là một công tác lớn mang tính chiến lược không chỉ cần được sự đồng tình của nhân dân - lực lượng sẽ được huy động tham gia lao động - mà sự hợp tác của người Chân Lạp cũng là điều vô cùng cần thiết. Tháng 9 năm Kỷ Mão (1819) nhân có quan Chiêu thùy Chân Lạp là Đồng Phò sang, vua vời vào “tham khảo” việc đào sông, Đồng Phò tâu rằng “Nếu đào sông ấy thời ích lợi cho dân Chân Lạp lắm, Phiên vương cũng muốn mà không dám xin”. Vua rất hài lòng, liền truyền dụ dân Vĩnh Thanh rằng: “Công trình đào sông ấy rất khó, việc nhà nước và cách phòng giữ bờ cõi quan hệ rất lớn. Chúng dân tuy khó nhọc một lần, mà ích lợi cho muôn đời ngày sau, do đó phải báo cho nhau biết chớ nên sợ nhọc”. Tháng 10, vua Chân Lạp là Nặc Chân đưa thư đến thành Gia Định xin hiệp lực đào - trước gọi kinh Trấn, sau đặt là kinh Vĩnh Tế. Do công việc quá nặng nhọc, lại nghe ở Hưng Hóa có giặc, cần tập trung đánh dẹp nên việc đào kinh đôi lúc phải tạm đình. Rồi lại đào tiếp. Mấy lần như thế mới xong vào tháng 2 năm Giáp Thân (1824).

Kinh Vĩnh Tế là công trình thủy lợi quan trọng đầu tiên dọc biên giới Việt Nam - Campuchia, được xem như công trình thế kỷ lúc ấy (triều đình rất hài lòng, cho chạm khắc vào Cao đỉnh - “đỉnh mở đầu” trong Cửu đỉnh, đặt trước Thế miếu ở Hoàng thành Huế năm 1837).

Cho đến năm 1830 Châu Đốc tân cương vẫn là vùng đất được bảo vệ kiểu quân quản. Tháng 6 năm Canh Dần (1830) Tổng trấn Gia Định tâu: “Đồn Châu Đốc mới lập được 41 xã, thôn, phường, dân đinh chỉ được hơn 800 người, địa lợi chưa khai khẩn hết, xin hoãn niên hạn, đợi khi vào thành sổ rồi sẽ chịu thuế”. Vua cho, đồng thời gia ơn miễn diêu dịch 3 năm.

Đối với địa phương, nếu lúc còn sinh tiền Thoại Ngọc Hầu là vị quan đã từng trực tiếp đốc suất việc đào kinh Vĩnh Tế, đắp nhiều đường, bắc nhiều cầu ván để phục vụ yêu cầu giao thông trong xứ và với nước bạn Campuchia, thì nay Tổng đốc An Hà Doãn Uẩn ngoài đại công dẹp loạn những năm cuối thập niên 1820 ông còn đặc biệt quan tâm ổn định đời sống nhân dân, chăm lo cả về sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo. Chính Doãn Uẩn là người chủ trương xây cất ngôi Tây An tự (nay gọi Tây An cổ tự) ở núi Sam - ngôi chùa nổi tiếng và đẹp nhất An Giang. Ông được ban tặng An Tây mưu lược tướng Tuy Tĩnh Tử.

Tháng Giêng năm Quý Tỵ (1833) vua Minh Mạng thấy đồn Châu Đốc chật hẹp, chưa được tiện lợi, nên khiến cho quan Giám thành theo Trấn thủ Ngô Bá Nhơn, nhắm lựa chỗ nào sảng khái và đón được hai ngã sông Tiền, sông Hậu, mà đường đất vừa cân để làm thành tỉnh. Rồi lựa xứ Long Sơn ở về thượng du, địa thế cao ráo, qua lại tiếp ứng, thiệt là chỗ hình thế hiểm trở, bèn đem việc ấy tâu lên. Vua khiến Bộ Công vẽ đồ thức đắp thành.

Tháng 6 năm Kỷ Dậu (1849) Hiệp biện Đại học sĩ là Nguyễn Tri Phương tâu bày về việc thành tỉnh và các phủ thuộc tỉnh An Giang nên cho dời đặt đi chỗ khác. Cụ thể, xin dời thành tỉnh đến thôn Long Sơn (phía dưới thị trấn Tân Châu) huyện Đông Xuyên, còn thành cũ để làm phủ lỵ Tuy Biên. Còn phủ lỵ An Biên thì dời dựng ở bờ bên hữu sông Vĩnh Tế ở Giang Thành, liệu lượng đắp một con đường cái... Vua theo lời tâu, duy việc dời dựng thành tỉnh, thành phủ, chuẩn cho thong thả hãy bàn đến. Nhưng do tình hình biên giới lúc bấy giờ rất phức tạp, hễ dẹp yên nơi này thì nơi khác lại ứng lên, thành thử việc dời thành tỉnh bị bỏ trôi, cuối cùng vẫn giữ y ở Châu Đốc.

NGUYỄN HỮU HIỆP

BIÊN NIÊN SỰ KIỆN CHÍNH

Tiên khởi, để trấn giữ miền biên địa, năm 1757 triều đình cho thành lập cùng lúc 3 đạo (quân) là Châu Đốc đạo, Tân Châu đạo và Đông Khẩu đạo. Châu Đốc đạo chịu trách nhiệm địa bàn phía Hậu Giang. Buổi đầu, “vì đất ấy nhiều chỗ bỏ hoang, đầu đời Gia Long mộ dân ở, gọi là Châu Đốc tân cương”. Sau gọi xứ Châu Đốc, vẫn áp dụng chế độ quân quản. Dân cư rất thưa thớt.

Năm 1832, thời Minh Mạng, tỉnh An Giang được thành lập, là một trong lục tỉnh của Nam Kỳ. Diện địa rất to rộng từ biên giới tuốt tới biển Đông. Lúc ấy Châu Đốc là tỉnh thành của An Giang. Thời dựng đặt, toàn tỉnh có 2 phủ là Tuy Biên (ở Châu Đốc, có 2 huyện, sau thêm 2, là 4) và Tân Thành (ở Sa Đéc, có 3 huyện). Sau thêm phủ Ba Xuyên (ở Sóc Trăng, có 3 huyện, sau bớt 1, còn 2). Lỵ sở vẫn đặt tại Châu Đốc. Đứng đầu là chức Tổng đốc (kiêm quản tỉnh Hà Tiên nên gọi Tổng đốc An Hà), giúp việc có 2 Ty Bố chánh và Án sát.

Năm 1867 Pháp chiếm An Giang, cưỡng chiếm thành Châu Đốc đêm 21-6-1867. Sau đó (thời Pháp thuộc), họ chia An Giang làm 5 hạt (rồi đổi hạt thành tỉnh): Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng và Sa Đéc...

Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh khai phá và giữ cõi, người Châu Đốc - An Giang đã phải đổ ra biết bao là mồ hôi, xương máu! Hiện, Châu Đốc là 1 thị xã biên giới sầm uất thuộc tỉnh An Giang, có diện tích tự nhiên 99,95 km2, dân số trên 100.000 người - cửa ngõ giao lưu với 2 tỉnh Tà Keo, Kandal và Thủ đô Phnom Penh của vương quốc Campuchia - có thế mạnh về thương mại và du lịch mà nổi tiếng là lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam thu hút khoảng 3 triệu lượt người/năm!

Tính từ buổi sơ thời dựng đặt đến nay, Châu Đốc đã tròn 250 năm (1757 - 2007) một mốc thời gian rất có ý nghĩa và rất đáng tự hào.

Chia sẻ bài viết