07/05/2022 - 08:16

1C - con đường huyền thoại

♦ Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

Chương bốn mươi mốt

TRÊN ÐỒI TỨC DỤP

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

 BÁC SĨ TRẦN MINH HỮU ÐÃ ÐẾN

8. Những ngày đoàn cán bộ của trạm xá dã chiến do bác sĩ Trần Minh Hữu chỉ huy lưu trú trong một ngôi chùa ở kinh Xáng Cụt. Nhà sư trụ trì chùa này hơn 50 tuổi, bị mù mắt bẩm sinh. Nhưng nhà sư lão thông kinh sách và có nhiều năng khiếu xuất chúng như nhiều lần anh em nhắc nhở, ca ngợi, tuy mù mắt, nhà sư chỉ lắng nghe tiếng chân mà đoán biết ngay ai đến nói chuyện với mình, hoặc ai vừa đi ngang qua gần mình. Nhà sư:

- Chú Chín đó hả? Lại đây uống trà với tôi. Trà Tàu mua ở tiệm Tô Châu, Rạch Giá đó.

Chín Tần:

- Thưa đại đức hòa thượng, vì sao đại đức biết con đến gần mà gọi con uống nước.

- Chú hỏi, thì tôi không giấu. Vì khiếm thị, tôi phải dùng tai nghe để thay cho sự thấy, lâu ngày trở nên tinh luyện. Chú là người lịch sự, lễ độ và cẩn thận. Bước chân chú nhanh, nhẹ nhàng rón rén, sợ làm tôi giật mình. Tôi để ý đặc điểm này của chú, nên khi chú đi gần là tôi biết ngay.

Cô Thủy:

- Thưa Ðại đức trụ trì, còn con có đặc điểm gì mà khi đi gần Ðại đức gọi đúng tên con?

- Cháu Thủy đi dép Thái Lan, mỗi bước đi dép đánh vào gót nghe “lẹp bẹp”, nên cũng dễ nhận ra cháu.

Cô Ngân:

- Thưa Ðại đức trụ trì, cháu khác hơn chị Thủy mà sao Ðại đức gọi đúng tên cháu?

- Ngân đó hả? Ta nhận ra cháu vì bước đi của cháu ấn mạnh gót xuống đất tạo nên tiếng động “lịch bịch”. Nhờ vậy mà ta biết. Nhân đây, tôi cũng nói luôn, chú Năm Cơ hay hút thuốc Con két, nên nghe mùi thuốc này là tôi biết có chú đến gần, cháu Hồng Sa hay xức dầu Cao thiên, nghe mùi dầu thoang thoảng thì người đến gần là Hồng Sa chớ ai?!

Tất cả vỗ tay nhiệt liệt hoan hô và cảm ơn nhà sư. Nhưng công ơn lớn nhất của nhà sư ở đây là mỗi lần giặc đổ quân truy tìm gánh dân y Chín Tần, thì nhà sư tìm mọi cách ngăn cản chúng, bảo vệ anh chị em ta. Tên trung úy:

- Này lão hòa thượng, bọn Việt cộng bác sĩ Chín Tần đâu? Ông giấu đâu, chỉ ra đi!

- Ngài có máy bay đáp từ trời xuống. Ngài có hội tề, dân vệ và mật thám ở quanh chùa tôi năm này sang tháng khác. Bây giờ Việt cộng ở đâu mà ngài lại hỏi tôi. Tôi phải hỏi ngài Việt cộng ở đâu chớ, mà tôi mù, tôi đâu biết ngài là Việt cộng hay Quốc gia. Tốt nhất ngài lui ra khỏi chỗ thanh tĩnh này, để cho tôi tu hành và đảnh lễ đức Phật.

Tên đại úy:

- Này trưởng lão hòa thượng, ông thật là cao kiến uyên thâm. Thuộc cấp của tôi vì kém học nên xúc phạm đến trưởng lão, xin trưởng lão tha thứ.

Xoay qua tên trung úy, tên đại úy nói tiếp:

- Thôi hãy lui ra, coi như nơi đây không hề có Việt cộng!

9. Chiều nay, được thư Năm Ðoàn báo tin mấy mươi nữ chiến sĩ đơn vị Hòn Ðất lưu trú tại Hang Bụng Ðịa, đang lâm bệnh hiểm nghèo và đã có nhiều người chết, các chiến sĩ du kích sẵn sàng tiến dẫn toàn đội y tế dã chiến trở về núi Cô Tô ngay trong đêm. Lá thư viết vội trên giấy học trò của Năm Ðoàn được truyền cho tất cả y bác sĩ trong đoàn xem để nâng quyết tâm hành quân khẩn trương. Vì phải đi bộ nên dụng cụ y tế và phần lớn thuốc men phải chôn giấu sau chùa, chờ khi có điều kiện về chuyển đi. Mỗi người chỉ mang một ba lô và lương khô đủ dùng trong 3 ngày. Hoàng hôn xuống là lúc “gánh Chín Tần” theo đồng chí xã đội và hai chiến sĩ du kích hướng về núi Cô Tô rảo bước.

Cuộc hành quân này cực kỳ gian khổ vì các cô chú không quen lội bưng và càn sậy gộp để xuyên tắt những cánh đồng hoang dại bao đời, những cánh rừng loang lổ chiến tranh với những hố bom, hố pháo. Ðến khi lương thực hết, mà vẫn đi chưa tới, có những cô chú xin được chết chớ không thể bò đi nổi. Chú Chín Tần phải đem hết lời lẽ động viên, kêu gọi. Những nơi có bóng mát, chú tranh thủ ngồi kể chuyện Ba Phi cho anh chị em vui cười hỉ hả, tăng cường thêm sức khỏe để đi tiếp. Tại một gò đất giữa đồng hoang vu, đoàn người ngồi trong một bóng cây tránh nắng, chú Chín Tần kể chuyện Ba Phi:

- Bây giờ anh em nghe tôi kể truyện “Cọp xay lúa” nghen.

Tất cả ồ lên:

- Ừ, kể đi anh Chín, nghe chuyện Ba Phi là hết mệt đó.

Chú Chín Tần kể:

- Nhà Bác Ba Phi ở giữa rừng Lung Tràm, nơi đó cọp từng bầy đi chung quanh nhà nhiều hơn chó săn gấp trăm lần. Vì bác Ba Phi là thợ săn, bác thường săn cọp, lấy da đem bán cho người nhồi bông, xương cọp thì nấu cao hổ cốt. Một hôm cùng bác gái xay lúa, nhưng bác gái có việc ra nhà trước, để bác trai xay một mình. Con cọp chúa đang đói, nó ngồi rình từ lâu bên cạnh nhà, khi thấy bác trai đứng xay một mình, nó phóng ra chụp bác để móc họng vác đi vào rừng xé xác ăn. Bác Ba nghe tiếng cọp phóng về phía mình, liền né giàn xay một bên, con cọp chụp vào tay giàn xay, nơi bác gái vừa đi vắng. Móng cọp bén nên bấu dính luôn vào tay giàn xay, Bác Ba bèn nói: “Thôi, nhà ngươi xay tiếp cho ta một hồi đi!”. Bác Ba để một mình con cọp xay lúa (vì móng cọp dính vào giàn xay, nên con cọp đẩy tới đẩy lui để giựt ra không được, hóa thành động tác xay lúa). Bác trai kêu bác gái ra phụ đổ lúa vào cối, vì con cọp kéo đẩy quá nhanh, một mình bác trai xúc lúc đổ không kịp cho cọp xay, nên kêu bác gái ra đổ tiếp. Con cọp xay một buổi hết mấy trăm giạ lúa. Thấy cọp mệt quá, bác Ba động lòng thương, bác nói với con cọp: “Thôi, nhà ngươi nghỉ, về rừng đi, ta tha cho đó”.

Cô Thủy hỏi:

- Rồi chó săn của bác Ba đâu, không chạy ra xúm nhau vật con cọp sao anh Chín?

- Chó săn vốn sợ cọp. Nghe hơi cọp khét khét là nó chun đít sàn quéo đuôi trốn biệt. Cho nên con cọp bị móng dính giàn xay, xay cả trăm giạ lúa mà đàn chó không có một tiếng sủa.

Cô Ngân hỏi:

- Con cọp nó có võ nghệ, mà sao nó phóng chụp bác Ba không trúng, anh Chín?

-  Nó phóng, nó chụp ngang đó chớ, nhưng nghề võ bác Ba giỏi hơn cọp, nên nghe hơi gió con cọp phóng tới và bác né ngay, để cho nó chụp vào giàn xay dính móng ở đó, nó mới xay lúa được.

Cô Ngân hỏi tiếp:

- Sao con cọp nó đã lọt vào tay bác Ba, mà bác không bắt nấu cao, anh Chín?

- Ờ, lột da con cọp và lấy xương nó nấu cao thì dễ thôi, nhưng bác Ba là một người nhân đạo, chỉ bắt con cọp xay lúa cho mình xong, là bác thả nó về rừng với bầy đàn của nó. Con cọp xay cả trăm giạ lúa mệt quá, khi bác Ba gỡ móng nó ra, nó đi liêu xiêu về rừng, mắt còn nhìn lại tỏ vẻ cảm ơn gia chủ đã tha mạng sống cho nó!

Cô Hồng Sa lại hỏi:

- Anh Chín ơi, truyện "Cọp xay lúa" có thiệt không anh Chín?

- Có thiệt chớ, hổng tin mấy em về hỏi bác Ba Phi coi.

Tất cả cười rộ giữa rừng vắng. Chú Chín ra lịnh tiếp tục hành quân. Trong lần đi này, những khi đói lả, chú Chín đem chai mật - dùng để thay cho thuốc Pénicilline đổ vào các vết thương, chống nhiễm trùng - bảo mỗi người uống một ngụm cho khỏe để có sức đi tiếp. Nhưng chai mật chuyền qua cả chục người, khi trả về chú Chín gần như còn nguyên. Thế mới biết người chiến sĩ thanh niên xung phong sống bằng đức độ cao quý: chết không sợ, đói khổ không nao núng, thức ăn nhường cho bạn, công việc và cái chết giành về mình. Chú Chín bỏ chai mật vào ba lô và tiếp tục cùng đồng đội lên đường. Xế hôm đó đoàn y tá của Chín Tần vào đến sóc Ô Lâm. Chú ra lệnh nổ mấy phát súng để gọi những cô chú còn rớt lại phía sau. Những phát súng ấy làm bà con tưởng giặc đến, anh em du kích lại chuẩn bị chống càn. Nhờ vậy, chú Chín lại gặp cán bộ địa phương, được bà con nấu cơm nếp và kho thịt gà chiêu đãi một bữa ngon lành sau mấy ngày đói khát. Chú Chín dặn không đồng chí nào được ăn no, hãy nhai thật nhuyễn và nuốt chầm chậm để tránh nguy hiểm.

Như có điện tín giữa những tâm hồn cách mạng, chú Năm Ðoàn nghe mấy phát súng chợt hiểu là gánh Chín Tần đã đến. Ðúng vậy, chỉ 30 phút sau là hai chú gặp nhau, mừng vui chi xiết kể. Chưa kịp uống nước, bác sĩ Trần Minh Hữu đã đưa thuốc vào ống tiêm đi cấp cứu anh em. Từ những chiếc sạp đầy bóng tối, những bịnh nhân chờ chết, đã cố gắng mở bừng mắt để nhìn thấy sự sống trở lại với mình qua chiếc áo trắng có dấu hồng thập tự trên lúp cứu thương. Cái chết bắt đầu bị đẩy lùi từ con số 19 đồng chí đã qua đời trước đó.

Cần Thơ, tháng 11-2006

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết