06/05/2022 - 10:36

1C - con đường huyền thoại

* Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

 

Chương bốn mươi mốt

TRÊN ĐỒI TỨC DỤP

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

6. Trong một hang núi khuất gió, các nữ chiến binh nằm la liệt, thân thể gầy yếu, mặt hốc hác. Có những cô nằm mơ thấy gia đình kêu “Má ơi, má!”. Có những cô sắp chết, miệng gượng đòi “Nước, nước”. Những cô còn đi lại được nấu cháo loãng bưng đến cho đồng đội. Chú Năm Đoàn và chú Sáu Thiện đi kiếm thuốc nam ở các rẻo núi gùi về hàng bao cho mấy cô chặt, phơi héo, rồi sao, lấy thủy thổ sắc còn lại 3 phân đổ vào chén cho bệnh nhân uống. Nước để sắc thuốc và nấu cháo, chú Năm Đoàn và chú Sáu Thiện đi xin ở chùa Khnây-Khumchắc. Các vị sư sãi ở đây vui vẻ, dù chùa bị giặc quy kết ủng hộ Việt cộng, nên chúng dùng B52 oanh tạc hủy diệt. Chính điện và tha la bị tàn phá, các nhà sư vẫn ở trụ trì để dâng hương cho Phật. Những bà mẹ và bà con bổn sóc quanh chùa Khumchắc thuộc xã Ô Lâm đã tình nguyện nuôi chứa và tìm thuốc men chạy chữa cho các nữ chiến sĩ thanh niên xung phong bị bệnh trong hang núi.

Hang Tho-mo-mút - còn gọi hang Bụng Địa, là một thắng cảnh của vùng núi Ô Lâm. Những hòn đá trấn thủ nghìn năm trước cửa hang làm cho Tho-mo-mút trở thành pháo đài kiên cường chống giặc. Trong hang, cơ quan tuyên huấn tỉnh An Giang từng trú đóng trước kia, khi rút đi để lại một hệ thống giường, sạp, bếp nấu ăn. Nhờ vậy, “gánh Năm Đoàn” đến ở coi như có sẵn. Mấy bà má Khmer đem cốm dẹp, bún nước lèo, mắm bò, khô trâu, đường thốt nốt và nhiều thức ăn vật dùng khác từ chùa, từ nhà, hoặc mua từ tiệm buôn, chợ nhỏ, chợ xã đến tiếp tế cho đàn con trong hang núi.

Chính nhân dân và các vị sư sãi ở đây là nguồn sống vật chất lẫn tinh thần cùng sự tận tâm bảo vệ cho đơn vị Năm Đoàn tồn tại trong lòng dân, tập trung chiến đấu với bệnh tật. Ngoài hang núi, những chiến sĩ nữ vừa qua cơn sốt, choàng hầu khăn rằn và đội nón tai bèo, mặc nhiều lớp áo, cầm AK đứng gác. Ba Dưỡng nói:

- Hạnh ơi, bây mới vừa sốt, cái con vi trùng rét nó ăn hết máu rồi, đưa súng đây, tao gác cho. Tao nói cho bây biết, bệnh rét biến chứng có nguy cơ tử vong đó nghe. Mà rét là bệnh thế giới, đa số ở châu Phi, rồi châu Á, Nam Mỹ, Đông Dương như Campuchia, Việt Nam, rồi Thái Lan. Rét là do muỗi Anophèles và muỗi Minimus, An.sundaicus, gọi nôm na là muỗi đòn xóc. Tác nhân gây sốt là ký sinh đơn bào truyền vào dạ dày của muỗi, khi muỗi cắn người thì muỗi truyền sốt rét vào máu.

Hạnh trả lời:

- Anh không biết bệnh lý bằng em đâu, em là y tá đây, trước khi tòng quân, em phục vụ nhân dân ở trạm hộ sinh xã Tam Ngãi, gần nhà chị Út Tịch - nữ anh hùng. Bệnh rét làm ta thiếu máu, gan lách to, vàng da, ói mửa, đau bụng, tiêu chảy. Còn thêm chuyện xuất huyết ở nướu, răng, mũi, dưới da, ho khan và đau nhức toàn thân. Rét làm mất yếu tố đông máu, làm não hôn mê, co giật, phù phổi cấp, suy hô hấp, suy thận, suy cơ tim, hư thai hoặc sinh con non nếu là thiếu phụ. Tóm lại, anh Ba ơi mình dùng nước ở suối Ô Lâm do chất độc hóa học và xác người thúi rữa đọng lại, cộng với muỗi, tạo rét địa phương, chắc là anh em ta phải kẻ mất người còn.

- Hạnh ơi, tao có trái xoài đây. Không biết của đứa nào đi quơ củi ngoài rừng, lượm đem về bỏ trên góc vạc, tao lén lén giấu vào túi áo, thèm quá, muốn ăn mà sợ anh Năm Đoàn kỷ luật, nên lén đem trái xoài ra đây ăn với bây.

- Trời ơi, không được đâu anh Ba, anh có triệu chứng sốt thương hàn, ruột anh bị mỏng, anh ăn xoài vào là lủng ruột chết ngay!

- Bây đừng nói gạt tao, làm gì có chuyện lủng ruột, tao thèm chua lắm rồi, phải ăn một miếng, dù chết cũng cam.

- Tôi cấm anh không được ăn, anh ăn là tôi bắn súng báo động cho anh Năm Đoàn chạy ra bắt phạt anh. Bệnh thương hàn ở tuổi anh thường diễn ra rất nặng, nhiều biến chứng nguy hiểm, thương hàn đứng thứ 5 sau tiêu chảy, cúm, tỷ lệ tử vong rất cao... Bây giờ, tôi tịch thu trái xoài của anh vứt đi, để bảo toàn sinh mệnh của đồng đội, chớ không nói dang ca gì cả.

- Thôi được rồi, tao vứt đây!

Ba Dưỡng làm bộ vứt trái xoài vào gốc cây gần đó để xí gạt cô Hạnh, chờ đến phiên mình gác, lại tự tiện đến lượm lên ăn. Sau khi ăn hết nửa trái xoài sống, Ba Dưỡng một mình ôm bụng kêu trời và lăn lộn. Nửa giờ sau, đồng chí Chánh trị viên Đại đội Ba Dưỡng trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay đồng đội. Máu trong họng trào ra với câu nói cuối cùng lí nhí: “Tôi chết vì ăn xoài sống, không tuân kỷ luật đơn vị, tôi có lỗi với các đồng chí!”.

7. Hơn 10 ngày nay, sốt rét và thương hàn như một trận bão tàn phá sức khỏe và mạng sống của đơn vị thanh niên xung phong Năm Đoàn rất dữ dội. Mỗi ngày đều có một hoặc hai, có khi lên đến ba người chết. Xác chết còn nguyên vẹn vì không phải tử thương ở chiến trận mà do bệnh gây ra, nên thi thể gầy ốm xanh xao. Tại một bãi cát bên rẫy đậu giáp bìa rừng, những nữ chiến sĩ thanh niên xung phong còn tương đối khỏe, dùng vá, cuốc đào huyệt sẵn, để chờ đồng đội tắt thở, đem chôn nhanh, tránh lây cho những đồng chí còn sống. Mỗi tử thi đều được chôn theo một chai nhỏ, trong chai có mảnh giấy viết tên họ, quê hương và giờ qua đời của người chết, phòng sau này đến lấy hài cốt không lẫn lộn. Hồng Nhân nói với Ngọc Bé:

- Bé ơi, mầy qua đào tiếp tao chút đi, sao nửa chừng tao chóng mặt quá. Làm như người tao khô máu rồi vậy. Phải chi mình ở nhà, nói má mần gà nấu cháo ăn thì khỏi bệnh ngay!

Ngọc Bé:

- Chị Nhân ơi, mặt chị xanh chành kìa, chị vô góc cây nằm nghỉ chút đi, để em và Thanh Xuân qua đào tiếp cho chị. Anh Năm và anh Sáu phân công chị em mình đào 3 hố, là chuẩn bị chôn 3 người chết tiếp theo, đó là chị Ninh, chị Kính và chị Hồng.

Thanh Xuân:

- Tao với mầy ráng đào thêm 4 hố đi, để rủi nửa đêm chị Tính đứt hơi thì mình cũng phải ra đào. Mà đào ban đêm muỗi cắn chết.

Ngọc Bé:

- Thôi, mình nghỉ tay chút để ăn cơm. Mấy bà má Khmer cho cơm nếp với khô trâu nướng, mình ăn xong rồi đào nữa…

Ba chị em cùng ngồi ăn vui vẻ. Ngọc Bé ăn rất nhanh, nên chia 3 khẩu phần bằng nhau mà trong một loáng cô đã ngốn sạch. Nhìn hai người bạn còn đang ăn nhâm nhi từ tốn, Ngọc Bé muốn giúp vui cho bạn nên hát “Bài ca may áo” của nhạc sĩ Xuân Hồng: “Áo may xong mùa đông đã đến, gởi chút tình thương mến về ai…”. Giữa cảnh nghĩa địa hoang vu dưới nắng cháy, các cô làm nhiệm vụ đào hố chôn đồng đội của mình, hoàn cảnh thảm não đến như vậy, thế mà các cô lại hát lên. Những con chim lượn bay quanh khung trời nghĩa địa cũng xích tới đậu gần như để nghe tiếng hát của những người đang chiến thắng thần chết để giữ lại tuổi thanh xuân. Cô Hồng Nhân ăn vừa xong khẩu phần cơm nếp với miếng khô trâu nướng của mình, cô lau tay bằng những chiếc lá vàng khô rụng quanh chỗ ngồi rồi vỗ tay hưởng ứng: “Áo may xong mùa đông đã đến, gởi chút tình thương mến về ai…”. Ca vừa hết câu với bạn, Hồng Nhân bỗng gục xuống với tiếng la ấm ớ. Cái chết đột ngột do kiệt sức đã đến với người con gái Ba Hòn - quê hương nữ anh hùng Phan Thị Ràng.

Thanh Xuân và Ngọc Bé bắn mấy phát súng báo động, Năm Đoàn và Sáu Thiện cùng các đồng chí địa phương, các bà má Khmer, các vị sư sãi ở chùa Khnây-Khumchắc hộc tốc chạy đến nghĩa địa làm lễ truy điệu an táng cùng lúc 3 đồng chí. Nhưng nữ đồng chí Hồng Nhân, người đi đào huyệt để chôn chị Ninh, không ngờ chị Ninh không chết (sống đến sau ngày giải phóng) mà Hồng Nhân lại mất đột ngột. Đồng đội an táng cô ngay tại huyệt mả chính tay cô đào. Đây là những chi tiết độc đáo đầy bi thảm, đánh dấu những trang khốc liệt nhất của tuyến đường 1C anh hùng mà lực lượng thanh niên xung phong Tây Nam Bộ từng trải qua.

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết