02/05/2022 - 10:40

1C - con đường huyền thoại

* Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

 

Chương bốn mươi mốt

TRÊN ĐỒI TỨC DỤP

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

Bình minh lên trên cánh rừng trận địa. Những cụm tràm đó đây mấy năm qua đã ghi nhận nhiều hài cốt liệt sĩ thanh niên xung phong và Đoàn 195 thuộc Cục Hậu cần Quân khu 9. Trên thực tế ta không bổ sung quân dễ dàng. Đồng chí Ba Nơi về ấp Mặt Trời xã Tân Đức, Cà Mau, thu quân đã bị trái nổ, hy sinh. Từ quân số 800, đến lúc nữ Chánh ủy Trịnh Ngọc Châu nhận được nghị quyết thiên chuyển công tác, ta đã hy sinh gần 100 đồng chí. Một số đồng chí khác được Đoàn 195 rút về để thành lập Tiểu đoàn 410, trang bị mạnh để bảo vệ tuyến đường, đóng chốt tại Ngã ba Đầm Trích - Rạch Dứa, nên gọi là đơn vị đầu cầu. Nhìn chung, anh em ta trưởng thành lên, được rèn luyện trong lửa thép của tuyến đường, nhưng sự trống vắng từ nhiều phía cũng làm cho các chiến binh trẻ cảm thấy thiếu vắng nhau. Đồng chí Hai Hùng, Bảy Nông, Năm Thơ, Ngọc Tuyết, được đề bạt lên vị trí Liên đội phó. Nhưng đồng thời lại có tin đồng chí Năm Đoàn được thiên chuyển về tuyến Sông Đốc, Tam Giang để phụ trách Liên đội II, vận chuyển hàng nhận từ Bến 4 (B4) do Đoàn 962 tuyến vận chuyển Bắc Nam trên biển Đông mang tên Bác, đưa nguồn vũ khí này từ bãi bến Cà Mau lên các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Như vậy về tổ chức sẽ có những sắp xếp mới.

Cũng trong thời điểm này, giặc tập trung thực thi kế hoạch “Gió mùa Tây Nam” do các cố vấn và trợ lý của Tổng thống Hoa Kỳ trực tiếp chỉ đạo Thiếu Nguyễn Văn Mạnh - Tư lịnh Quân đoàn 4 và Vùng 4 chiến thuật.

1.Sau đêm giao nhận, buổi sáng đầu tiên của thủ trưởng mới chưa kịp triển khai chương trình công tác thì giặc ập tới đánh phá. Hai Nô vừa thu xếp giấc ngủ muộn dưới sạp xuồng thì phải chờn vờn thức dậy nhận xuồng sâu xuống nước bò đi “chém vè” một nơi khác xa ngôi chòi mà các cô chú vừa họp đêm qua. Trực thăng phóng pháo, các loại máy bay oanh kích, pháo từ các trận địa Vĩnh Gia, Chi Lăng, Kiên Lương giao hỏa rót xuống cánh đồng chết với tiếng nổ ì ùm, cây ngã đất rung liên tục. Các chiến binh thanh niên xung phong phải trầm sâu dưới nước, mặc cho vắt đeo, đỉa cắn, chịu đựng qua một trận càn kéo dài. Pho-ca của giặc vút trên mặt nước như bay. Chúng quét AR15 và AR16 vào những lùm rậm. Trực thăng dùng cánh quạt tốc những căn chòi căng cao su, hoặc lợp đưng che mưa. Chúng phóng pháo vào quăng hợp chất C4 vào những nơi đó để phá hủy. Từng đàn trực thăng đổ quân trên những cụm rừng có gò đất cao, hoặc bờ đìa, bờ kinh, hoặc một nền nhà cũ. Từ đó chúng dùng máy quan sát phát hiện đối phương ở đâu để tập trung “tìm diệt”.

Chú Hai Nô vừa bước chân đến vị trí công tác mới, đã nếm một trận càn ra trò. Mọi người đã về hết, tắm rửa và ca hát, dùng cơm chiều để chuẩn bị hành quân đi vận chuyển, thì chú Hai và vệ sĩ Sáu Mạnh của chú mới loi ngoi lội về. Chiếc xuồng từ Rạch Giá mang lên bị trực thăng phóng pháo tan tành. Hai chiếc ba lô của thầy trò Hai Nô cũng bị trực thăng phóng pháo rách nát. Tập thể văn phòng Liên đội phân phối chế độ quần áo mới và trang bị xuồng mới cho thủ trưởng mới.

Đêm nay, trước khi lên đường về Khu, nhiều cán bộ và chiến sĩ chống xuồng đến ken quanh sàn chòi để tiễn đưa người nữ thủ trưởng, người chị, người mẹ thân yêu. Mỗi người một cách nói, họ dặn dò, nhắn nhủ, gởi gắm cho nhau biết bao nhiêu lời lẽ, biết bao nhiêu ý tình. Những thức ăn tự tìm kiếm, những thứ bánh kẹo để dành từ lâu, những chai dầu, những cục xà bông thơm giấu kín trong đáy ba lô… được mang ra làm quà tặng cho nhau. Bên chiếc đèn bão quen thuộc, cô Út Nhì và những chiến sĩ trẻ liên hoan từ giã nhau. Không ai biết được bao giờ đến ngày toàn thắng. Và ngày ấy những người có mặt trong đêm tiễn đưa này ai còn ai mất?

Tuy nhiên, qua giây phút xúc động nghẹn ngào, cô cháu, chị em đồng đội lại hứa hẹn cùng nhau quyết tử chiến đấu để hoàn thành nhiệm vụ. Hải tặc đâu? Sao cậu không thổi sáo? Bài “Tiểu đoàn 307”, hay bài “Cô gái mở đường” của Xuân Giao? Bài nào tùy cậu, hãy thổi lên đi! Cánh rừng này mỗi cành cây ngọn cỏ chừng như đều nghe thấy tiếng sáo trúc của cậu. Còn Thống con, cháu hát bài gì, bài “Trăng thu nhớ Bác” hay bài “Cô gái Vĩnh Hanh” của nhạc sĩ Quốc Hương?

Cứ như thế, chương trình văn nghệ gồm đờn, kèn, sáo, hò lờ, hát tân nhạc, vọng cổ… nối dài chừng như khôn dứt. Út Mãn tiến sát lại người chị thân thương của mình, nói:

- Chị Út ơi, chị kể chuyện cổ tích cho tụi em nghe đi! Mấy lần trước chị kể chuyện “Chó rừng đuổi sư tử”, “Hươu và cáo”, “Nhà vua và em bé”… tụi em nghe và đem những truyện ấy kể cho đồng đội cùng nghe. Nay trước khi chị về, chị hãy kể một truyện nữa đi.

Tất cả những người em, cháu thân yêu của cô Út nhiệt liệt tán đồng ý kiến của Út Mãn: “Nói đi chị Út!”, “Kể chuyện cổ tích đi cô Út!”. Út Nhì:

- Được rồi, để kỷ niệm đêm chia tay lịch sử này tôi kể chuyện “Hổ và đạo sĩ” cho các em nghe. Khu rừng Gộc Xây này ngày xửa ngày xưa có một con hổ da rằn. Khi no mồi, nó nằm ngủ trên xác một con nai mà nó ăn không hết. Nó không biết bên xác nai nó ăn thừa mứa có một con rắn hổ mang ở cạnh. Con rắn muốn ra khỏi hang để kiếm mồi, nhưng bị con hồ nằm chắn ngang nên không bò ra được, rắn liền cắn vào lưng hổ. Hổ bị nọc độc của rắn giãy giụa một lúc rồi chết. Lúc ấy có một đạo sĩ đi qua, vốn có lòng thương sinh vật, đạo sĩ lấy thuốc cứu tử huờn sinh thổi vào miệng hổ. Hổ tỉnh lại. Nhưng vừa mở mắt thấy nhà tu, thì hổ gầm lên: “Tao đang ngủ say, tự dưng mày đến đánh thức tao dậy, tao sẽ ăn thịt mày”. Đạo sĩ phân trần: “Hổ ơi! Mày bị rắn cắn chết, tao cho thuốc mày sống lại. Bây giờ mày lấy ơn làm oán phải không?”. “Tao không tin là tao bị rắn cắn chết và được mày cứu sống. Tao phải ăn thịt mày!”. “Nếu mày không tin, thì tao và mày đi hỏi mọi người gặp trên đường. Nếu họ bảo mày ăn thịt tao, thì tao chịu cho mày ăn thịt”. Hổ bằng lòng, cả hai đi vào rừng gặp thần cây xoài. Hổ và nhà tu đều thuật lại đầu đuôi câu chuyện cho thần cây xoài nghe và hỏi ý thần có để cho hổ ăn thịt đạo sĩ không. Thần cây xoài nghĩ rằng ta phải nói có lợi cho hổ vì hổ cùng ở rừng với ta” “Này nhà tu, con hổ đang ngủ, ngươi đã đánh thức nó dậy, thì nhà ngươi phải làm mồi cho nó”. “Thần nói như vậy không đúng. Dù ta chết là được lên niết bàn, nhưng ta chưa muốn chết, vì ta phải làm cho con hổ biết điều. Ta phải đi gặp chó rừng để hỏi ý kiến con vật thông minh đó”. Đạo sĩ và hổ cùng đi tìm chó rừng. Nhưng chó rừng cũng như thần cây xoài, không dám nói lẽ phải: “Này nhà tu, hổ là giống ăn thịt người, ngươi đánh thức hổ dậy, thì ngươi phải để cho hổ ăn thịt”. “Chó rừng, ngươi nói lý lẽ của kẻ muốn gậm xương. Ta không chịu để cho hổ ăn thịt đâu”. Nói xong, đạo sĩ dẫn hổ đến gặp chúa bò, kể lại sự việc cho bò nghe và nhờ bò cho ý kiến. Nhưng bò lại sợ hổ ăn thịt nên bò chỉ nói điều có lợi cho hổ: “Nhà tu, ngươi thật là dại dột, ngươi đã đánh thức hổ dậy, thì ngươi phải để hổ ăn thịt”. “Này bò, vì ngươi sợ hổ ăn thịt cả dòng họ, nên ngươi nói có lợi cho hổ”. Lúc này, hổ bảo: “Đạo sĩ ơi, dù đi đến đâu, ngài cũng không có người bênh vực. Vậy ngài hãy để cho ta ăn thịt. Ta đói lắm rồi”. “Này hổ, mày đi với tao một lần nữa, lần này là lần quyết định cuối cùng”. Hổ và đạo sĩ đi tiếp. Lần này họ gặp thỏ chúa. Thỏ nghĩ, đạo lý thuộc về nhà tu hành. Ta tuy sợ hổ nhưng không để hổ ăn thịt người ngay, nên thỏ nói: “Nghe qua chuyện của hai bên thật là khó tin. Hãy đưa tôi đến nơi đã xảy ra sự việc để tôi xem xét, rồi tôi sẽ phân xử cho các người. Con rắn bé nhỏ thế không thể cắn được hổ. Hổ đã chết, nhà tu không thể cải tử hoàn sanh cho hổ được”. Hổ bảo: "Thỏ, mày nói đúng, vậy hãy đi theo chúng tao”. Cả 3 trở lại chỗ xác con nai. Hổ nằm xuống nơi đó, và ở trong hang, con rắn bị bịt kín miệng hang bò ra cắn vào lưng hổ, hổ chết! Đạo sĩ hỏi: “Này chúa thỏ, ta có nên cứu hổ nữa không?”. “Thưa đạo sĩ, con hổ gian ác, vô ơn này, chỉ nên để nó ở đây làm mồi cho quạ”. Đạo sĩ nghe lời khuyên chúa thỏ. Ngài trả ơn thỏ bằng nhiều rau quả và những lời khen chân thành.

Cô Út Nhì kể đến đây tất cả vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Bấy giờ tiếng gà rừng đã gáy chập 2. Cô Út bắt tay mọi người và khuyên các đồng đội trẻ hãy về ngủ để mai còn hành quân vận chuyển.

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết