23/06/2019 - 07:47

100 năm điện ảnh Hàn Quốc 

Không phải là cái nôi của nghệ thuật thứ bảy, nhưng ngày nay Hàn Quốc lại là một trong những nền điện ảnh gây chú ý, đứng vị trí thứ 5 thế giới, theo Viện thống kê của UNESCO. Ðể có được vị thế này, điện ảnh Hàn đã trải qua không ít thăng trầm trong 100 năm qua.

“Extreme Job”.

► Thời kỳ đen tối và cải cách

Phim điện ảnh đầu tiên “Fight for Justice” được trình chiếu vào ngày 27-10-1919 ở bán đảo Triều Tiên và ngày này được Hàn Quốc xem như khai sinh nghệ thuật thứ bảy. Chiến tranh vào những năm 1950-1953 đã khiến Hàn Quốc phải mất rất nhiều thời gian để vực dậy nền kinh tế, cũng như tìm chỗ đứng cho ngành công nghiệp điện ảnh. Những năm 1960, điện ảnh Hàn bắt đầu tạo được dấu ấn, khi tác phẩm “The Coachman” (1962) của đạo diễn Kang Dea Jin trở thành phim đầu tiên của Hàn chiến thắng Gấu Bạc tại Liên hoan phim quốc tế (LHP) Berlin. Tuy nhiên, vẫn còn kém xa so với Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ… bởi điện ảnh Hàn lúc đó mỗi năm sản xuất không quá 10 phim, chiếm rạp phần lớn là Hollywood. Tỷ lệ phòng vé phim nội địa không vượt quá 20% trong nhiều năm liền.

Đến đầu những năm 1990, Chính phủ Hàn Quốc ban hành loạt chính sách cải tổ ngành điện ảnh, hướng tới hình ảnh “Con rồng châu Á” bằng cách mở rộng hạn ngạch trình chiếu phim nội địa và đầu tư nhân lực. Hơn 300 người được chọn với tiêu chí trẻ (18- 25 tuổi), có năng khiếu và tố chất, gửi sang Mỹ đào tạo, kinh phí đều do Chính phủ tài trợ. Sau đó, nhiều đạo diễn, diễn viên, kỹ thuật viên và khoảng 2.000 sinh viên được tạo điều kiện tốt nhất sang học tập tại Mỹ từ 4-5 năm. Chính phủ Hàn Quốc cũng khuyến khích tư nhân, các tập đoàn giải trí nước ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng cho điện ảnh, truyền hình với những ưu đãi tốt nhất. Tuy nhiên, họ vẫn có những quy định ưu ái cho việc sản xuất và phát hành phim nội địa: tỷ lệ suất chiếu phim nội phải nhiều hơn phim nhập tại các rạp, giám sát chặt chẽ việc nhập phim, giảm thuế và các chi phí sản xuất cho phim nội địa... 

► Hai thập kỷ phát triển ngoạn mục

Năm 1999 được xem là cột mốc lịch sử của điện ảnh Hàn Quốc với sự ra đời của phim “Shiri”. Tác phẩm của đạo diễn Kang Je Gyu đã phá vỡ mọi quy tắc lúc bấy giờ. Tại thời điểm đó, “Shiri” là phim có kinh phí cao nhất trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc với vốn sản xuất lên đến 8,5 triệu USD và nó đã làm "bùng nổ" phòng vé. Với 6,5 triệu lượt người xem, “Shiri” đã đánh đổ vị trí nhiều năm của siêu phẩm “Titanic” (1997) khi chiếu ở quốc gia này (với 4,3 triệu lượt xem). “Shiri” còn mang về đến 60 triệu USD doanh thu. “Shiri” làm thay đổi quan điểm làm phim cũng như thưởng thức tác phẩm điện ảnh của người Hàn; từ việc đầu tư kịch bản, diễn viên, phát triển đề tài, thị hiếu của khán giả. Điện ảnh Hàn Quốc từ đó có nhiều tác phẩm xuất sắc gây chú ý làng giải trí quốc tế: “Silido”, “Taegukgi”, “King and The Clown”, “The Host” đến “A taxi driver”, “The Admiral: Roaring Currents”, “Ode to My Father”…

Phim Hàn cũng liên tục vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng doanh thu với tỷ lệ phim nội địa trên dưới 50%, thuộc nhóm cao nhất của thế giới; đây là điều mà Nhật Bản, Trung Quốc vẫn phải đau đầu để chống sự thống trị của phim Hollywood. Trong hai thập niên qua, 18 phim Hàn có hơn 10 triệu lượt xem đều xuất hiện từ năm 2000 trở đi, chưa kể có hơn 10 tác phẩm ở giai đoạn này đều lọt vào danh sách phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại tại Hàn Quốc.

Năm 2018 và năm 2019 được xem là thời kỳ đỉnh cao của điện ảnh Hàn. Nam diễn viên Yoo Ah In của tác phẩm “Burning” được New York Times bình chọn là một trong 12 diễn viên xuất sắc nhất thế giới năm 2018. Ở trong nước, “Extreme Job” lập kỷ lục với 16,2 triệu lượt người xem, trở thành phim thứ hai trong 100 phim ăn khách nhất của lịch sử điện ảnh Hàn Quốc. Mới đây, “Parasite” của đạo diễn Bong Joon Ho mang về chiến thắng Cành cọ vàng tại LHP Cannes 2019. Ông chia sẻ: “Cành cọ vàng là giấc mơ của điện ảnh Hàn Quốc trong suốt 100 năm”. "Parasite” đã được bán cho 192 quốc gia, vùng lãnh thổ. 

Điện ảnh Hàn Quốc được công nhận vì chất lượng và sự sáng tạo. Hầu hết các phim thành công nhất của nước này đều có kịch bản hấp dẫn, giàu sức lay động, lòng tự hào dân tộc. Điện ảnh Hàn không ngần ngại phô bày các yếu tố nhạy cảm, các đề tài hiện thực, như: tham nhũng, hối lộ, sự cấu kết giữa các phe nhóm lợi ích để thao túng kinh tế, sự cấu kết giữa truyền thông và chính trị gia để lừa mị dân chúng... Vì vậy, điện ảnh Hàn còn có thể bán kịch bản cho nhiều nước châu Á, kể cả Hollywood, để làm lại. “Extreme Job” cũng vừa được bán bản quyền cho Mỹ để làm lại. Trước đó, Netflix cũng đã đầu tư sản xuất “Kingdom” của Hàn Quốc. Khi “Kingdom” công chiếu vào tháng 1-2019 đã tạo nên sức hút mãnh liệt và đang được sản xuất tiếp phần 2.

Hành trình của điện ảnh Hàn Quốc đáng ghi nhận và học hỏi bởi sự nhanh nhạy, nỗ lực giữ gìn bản sắc văn hóa bản địa với những định hướng hiệu quả.

BẢO LAM (Koreatimes, Koreaheralds, Hollywoodreporter)

Chia sẻ bài viết