Được phát động vào năm 2010, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (NTM) là một chủ trương lớn, mang tính đột phá trong phát triển toàn diện kinh tế-xã hội nông thôn. Sau gần 10 năm thực hiện, diện mạo nông thôn ĐBSCL đã thay đổi ngoạn mục, đáp ứng căn bản mong đợi của người dân ĐBSCL, giúp kéo gần khoảng cách nông thôn - thành thị...
Cùng với việc chủ động triển khai các giải pháp để xây dựng NTM theo chỉ đạo của Chính phủ, ở nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã, đang xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo huy động sức mạnh cộng đồng cùng chung tay xây dựng NTM. Qua đó, phát huy vai trò chủ thể của người dân - đối tượng trực tiếp thụ hưởng thành quả từ công cuộc xây dựng NTM…
Khi cộng đồng chung sức
Nông thôn vùng ĐBSCL chuyển mình với diện mạo tươi mới, "sáng - xanh - sạch - đẹp". Trong ảnh: Đoạn đường đi qua xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. Ảnh: T. Trinh
Về xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh hôm nay khách phương xa sẽ yêu mến vùng quê tươi đẹp, yên bình với hình ảnh những ngôi nhà mới khang trang, hiện đại nép sau hàng rào, hàng cây xanh ngát dọc theo những con đường thảm bê tông sạch đẹp, nối liền từng xóm, ấp. Chú Nguyễn Văn Khánh ở ấp D1, xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh, khoe với chúng tôi: Cuộc sống nơi đây bình yên lắm! Gần mười năm qua từ khi bắt tay xây dựng NTM, tình hình an ninh trật tự ngày càng tốt hơn, bà con nơi đây yên tâm lao động sản xuất, đời sống khấm khá hơn, nên bà con cũng tích cực tham gia xây dựng NTM, góp sức cho quê mình… Được như vậy là nhờ trong các ngày lễ hay các buổi học giáo lý, linh mục thường khuyên răn, nhắc nhở giáo dân luôn làm tròn trách nhiệm của một công dân, tôn trọng pháp luật, “sống tốt đời đẹp đạo”, chí thú làm ăn, tránh sa vào các tệ nạn xã hội.
Tính đến tháng 8-2019, ĐBSCL có 563/1.286 xã (tăng 30,88% so với cuối năm 2015) và 12 đơn vị cấp huyện đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Bình quân đạt 15,43 tiêu chí/xã, tăng 10,33 tiêu chí so với năm 2010. Một số địa phương đã đạt và vượt chỉ tiêu xã đạt chuẩn NTM được Thủ tướng Chính phủ giao, như: Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu. Riêng TP Cần Thơ đã hoàn thành 100% xã đạt chuẩn NTM. |
Mô hình “Xứ đạo, họ đạo 3 không” (không tội phạm, không ma túy, mại dâm) của huyện Vĩnh Thạnh là điển hình tiêu biểu cho thành công của chính quyền trong vận động, kêu gọi sự chung tay của cộng đồng tham gia xây dựng NTM. Với hơn 42% dân số trên địa bàn theo đạo Công giáo, từ năm 2009, Công an huyện phối hợp Ban Ðoàn kết Công giáo Vĩnh Thạnh xây dựng mô hình “Xứ đạo, họ đạo 3 không” được đông đảo các vị chức sắc, giáo dân trong các xứ đạo, họ đạo tích cực hưởng ứng. Mô hình này còn là sự kết hợp của các phong trào khác như: phong trào Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, mô hình xây dựng khu dân cư xanh - sạch - đẹp… Với những nỗ lực bền bỉ và hiệu quả, từ một huyện “vùng sâu, vùng xa” của TP Cần Thơ, huyện NTM Vĩnh Thạnh hôm nay khoác lên mình diện mạo mới, khang trang, hiện đại hơn nhưng vẫn giữ được bản sắc của một huyện thuần nông.
Không chỉ ở Vĩnh Thạnh, sức mạnh của cộng đồng đã được thể hiện khắp nơi thực hiện chương trình xây dựng NTM ở ĐBSCL nhờ vận dụng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân quản lý và dân hưởng lợi”. Lòng dân đã thuận, việc gì cũng xong! Là một tỉnh có nhiều khó khăn, việc huy động được trên 4.100 tỉ đồng để thực hiện Chiến dịch giao thông nông thôn - thủy lợi và trồng cây là một thành tựu lớn của tỉnh Hậu Giang trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cùng tham gia xây dựng NTM. Nhờ đó, đến cuối năm 2018, Hậu Giang đã làm mới, nâng cấp và sửa chữa được trên 6.500km đường; xây dựng mới 3.339 cây cầu và nâng cấp mở rộng 25 cây cầu; thực hiện công trình thủy lợi khép kín phục vụ sản xuất theo tiêu chí số 3 về NTM với chi phí trên 760 tỉ đồng và trồng trên 580.000 cây xanh.
Với Đồng Tháp, một tỉnh có thành tích nổi bật về xây dựng NTM, “bí quyết” chính là làm sao để người dân chủ động chung tay góp sức xây dựng quê mình. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan tâm đắc chia sẻ: “Tinh thần người dân là chủ thể trong xây dựng NTM không chỉ thể hiện ở chỗ dân góp bao nhiêu tiền và đất, mà còn thể hiện ở việc người dân sẵn sàng, chủ động đứng lên làm chủ làng xóm của mình qua các mô hình hội quán đã được thành lập”. Mô hình hội quán ở Đồng Tháp giúp nông dân liên kết mua chung, bán chung, giảm chi phí, nâng cao giá trị hàng hóa, giúp địa phương làm du lịch nông thôn, truyền thông các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến người dân, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM. Hiện Đồng Tháp có 80 hội quán với 4.300 thành viên và 17 hợp tác xã kiểu mới được thành lập trên nền tảng mô hình này. Sản phẩm du lịch của làng hoa và làng bột Sa Đéc vươn xa là thành công nổi bật của mô hình hội quán…
Hội quán Làng hoa ở xã Tân Quy Đông, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp góp phần tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. (Ảnh chụp Làng hoa ở xã Tân Quy Đông). Ảnh: T. Trinh
Nông thôn đổi thay...
Thành tựu của Chương trình xây dựng NTM làm thay đổi diện mạo nông thôn ĐBSCL trong 10 năm qua thể hiện rõ rệt nhất ở kết quả thực hiện tiêu chí hạng mục cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn. Tiêu chí này từ mức chỉ đạt 15,42% vào năm 2010 đã tăng lên 85,63% vào tháng 6-2019.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 10 năm qua, tốc độ gia tăng thu nhập của người dân nông thôn vùng ĐBSCL cao hơn so với tốc độ gia tăng thu nhập của người dân đô thị. Khoảng cách chênh lệch về thu nhập giữa nông thôn và thành thị ở ĐBSCL chỉ còn 1,41 lần, thấp hơn so với mức chung của cả nước là 1,8 lần. |
Với chị Thạch Thị Sơn Na Vy ở xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, Trà Vinh, chương trình xây dựng NTM đã mang đến cơ hội “đổi đời” thật sự cho bà con vùng quê của chị, một xã vốn rất khó khăn với gần 50% dân số là đồng bào dân tộc Khmer. Sau gần 10 năm, Hòa Tân đã được Nhà nước đầu tư xây dựng cầu, đường, trường, trạm, nạo vét kênh thủy lợi phục vụ phát triển sản xuất… Bà con nơi đây còn được hỗ trợ vốn, cây giống, con giống, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp nâng cao thu nhập. “Vui hơn hết là internet đã phủ sóng khắp xã với tốc độ cao giúp bà con biết truy cập internet đọc tin thời sự, học hỏi cách làm nông, tìm mua cây, con giống tốt, học cách buôn bán, tìm khách hàng. Học sinh nhờ có internet học hành cũng tiện lợi hơn” - chị Thạch Thị Sơn Na Vy chia sẻ.
Thật vậy, người thụ hưởng lợi ích là người đánh giá chính xác nhất ý nghĩa của thành tựu phát triển. Chú Nguyễn Văn Thái, ở xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, phấn khởi kể: “Hồi đó, đường sá, cầu cống trong xã còn lầy lội, cỏ cây mọc um tùm. Vậy mà mới 10 năm thôi, đường sá, trường học, bệnh viện… cái gì cũng mới, cũng đẹp. Đời sống sung túc hơn nên bà con mình cũng chú ý chăm chút nhà cửa, nề nếp sinh hoạt hơn so với trước đây. Những con đường tráng nhựa, bê tông thẳng tắp chạy khắp xã được bà con chăm chút làm cỏ, dọn rác, phát quang thoáng đãng sạch đẹp, ven đường bà con trồng hoa hoặc làm hàng rào cây xanh rất chỉn chu, đẹp mắt. Ngoài đường đã đẹp, bà con cũng bắt đầu sơn sửa, trang trí nhà cửa khang trang, tươm tất hơn...”.
Nề nếp sinh hoạt được bà con chú trọng còn thể hiện ở những điều giản dị nhưng ý nghĩa rất lớn, ví dụ như việc dọn rác. Chú Nguyễn Đồng Bào, ở xã Long Điền B, huyện Chợ Mới, vui vẻ nói: “Trước đây, người dân tự gom đốt rác hoặc bỏ rác ngoài đường, vứt xuống mương, sông nhìn nhếch nhác, không sạch sẽ. Nhất là ở các chợ, rác chất đống cặp bờ sông, ruồi nhặng bu quanh, bốc mùi hôi thối. Bây giờ rác được thu gom, nhà cửa, vườn tược sạch sẽ hơn, bà con cũng có ý thức không vứt rác bừa bãi nữa. Có xe đến tận nhà gom rác, bà con tui thấy cuộc sống ở quê cũng đâu có thua kém ở thành thị bao nhiêu!”.
Người dân xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ tham gia cùng đoàn thể, chính quyền địa phương thắp sáng giao thông nông thôn. Ảnh: T. Trinh
*****
10 năm xây dựng NTM, đời sống nông thôn vùng ĐBSCL ngày càng khởi sắc, tạo sự đồng thuận rộng rãi trong xã hội. Có được những thành tựu vượt bật đó là nhờ chính quyền các địa phương đã linh hoạt trong vận dụng các chính sách, uyển chuyển trong công tác vận động quần chúng và sáng tạo nhiều mô hình hay, hiệu quả trong xây dựng NTM.
Mỹ Thanh - Tuyết Trinh
Bài 2: Những bài học kinh nghiệm