08/02/2020 - 20:20

10 năm khổ luyện, xứng danh “Quái kiệt”  

Đã qua 7 lần diễn ra giải Lân Sư Rồng toàn quốc vào dịp trước Tết Nguyên đán tại Cần Thơ, khán giả không chỉ được thưởng thức những màn múa Lân Sư Rồng hấp dẫn, mà còn có cơ hội chiêm ngưỡng tận mắt công phu của các môn đồ võ thuật. Tại lễ khai mạc Giải vô địch Lân Sư Rồng toàn quốc lần thứ 7 năm 2020, một lần nữa khán giả phải trầm trồ, thán phục trước những kỹ năng của một võ sĩ được gọi là “Quái kiệt” - anh Trương Văn Thuận đến từ CLB Lân Sư Rồng Vovinam tỉnh Tây Ninh.

Những tuyệt kỹ phi thường

Còn nhớ những ngày đầu tổ chức giải Lân Sư Rồng toàn quốc, để tạo sức hút cho giải, ngành thể thao Cần Thơ đã mời những đoàn Lân đến từ Malaysia, Singapore, hay Thái Lan biểu diễn những tiết mục đặc sắc nhất trong lễ khai mạc. Vài năm gần đây, ban tổ chức mời thêm những võ sĩ tham gia các tiết mục biểu diễn công phu đặc biệt, đã tạo được ấn tượng mạnh, được rất đông khán giả chờ đợi. Ngày khai mạc giải năm nay cũng vậy, sau tràng pháo tay tán thưởng cho 9 Lân leo trên cột cao 7m, trầm trồ với màn nuốt kiếm của một võ sĩ, khán giả bỗng im phăng phắt khi Hoàng đai tam đẳng Vovinam - Trương Văn Thuận chuẩn bị biểu diễn trên sân khấu. Sau màn vận công khởi động, anh Thuận đưa ra một cái móc sắt khá lớn, móc vào da cổ và hai móc nhỏ hơn móc vào vùng thịt 2 cẳng tay.

Bài biểu diễn của anh Trương Văn Thuận.

Căng thẳng dõi theo, có người không dám nhìn những gì đang diễn ra trên sân khấu. Một vài động tác thăng bằng vận khí tiếp theo, anh khom người xuống đưa cái móc sắt có sợi dây xích nối vào chậu kiểng bằng sành, khá nặng. Rồi từ từ đứng thẳng lên, anh nhấc bổng chậu sành, vùng da cổ căng ra nhưng không hề hấn gì. Hai chậu kiểng nhỏ hơn được hai người hỗ trợ đặt vào chậu kiểng lớn, rồi hai quả tạ cũng được bỏ vào. Cùng với đó, hai chậu kiểng nhỏ hơn được móc vào hai bên tay của anh Thuận. Động tác nhẹ nhàng, anh nhấc bổng các chậu sành lên rồi lắc qua, lắc lại, xoay một vòng. Các chậu kiểng ấy đung đưa kéo căng hơn vùng da, khiến người xem lo lắng. Nhưng anh Thuận tiếp tục bước xuống 2 bậc thang của sân khấu, rồi bước trở lên, thật khiến người xem thót tim. Tiết mục thành công khi anh Thuận trả chậu sành về vị trí cũ, an toàn.

Chưa hết bất ngờ, khán giả lại lặng thinh chăm chú khi anh Thuận đưa hai cái kẹp nhỏ vào vùng da mi mắt. Hai cái chậu nhỏ được móc vào và anh tiếp tục biểu diễn với cặp mắt nhắm nghiền, cùng hai cái chậu đung đưa…

Khổ luyện

Để có những màn biểu diễn đỉnh cao như vậy, anh Trương Văn Thuận cho biết mình đã phải chịu nhiều chấn thương trong 10 năm luyện tập.

Cũng như các bạn đồng trang lứa ở ấp Bưng Gò, xã Hòa Hội, huyện Châu Thành của tỉnh Tây Ninh, anh Thuận mê võ thuật từ khi còn rất nhỏ, nên tầm sư học đạo khắp nơi. Những động tác đầu tiên anh được học là từ môn võ cổ truyền của một thầy trong xóm. Sau đó, anh dần tìm đến với Vovinam và gắn bó, rồi thành lập CLB võ thuật, huấn luyện môn võ Việt cho tới nay. Những ngày đầu luyện võ, anh tham gia vào đoàn múa Lân, nhưng lại mê xem các màn trình diễn công phu nên theo học. Luyện tập miệt mài, sức vóc, thể lực, kỹ thuật phát triển theo năm tháng, nhưng anh cũng trải qua những bài học đau đớn trong buổi đầu đi diễn.

Anh Thuận cho biết: “Ban đầu học chưa kỹ, thấy người ta làm rồi mình ra trình diễn nên bị dính chấn thương. Bài diễn có mức độ nguy hiểm cao, nên chỉ sơ suất nhỏ là chấn thương dễ xảy ra”. Rồi có khi cao hứng, anh thực hiện những động tác khó đến nỗi móc bị gãy dẫn tới chấn thương nặng. Đó là cái lần anh móc két bia vào cổ, rồi hưng phấn đi trên mai hoa thung trong một dịp diễn ra lễ cúng  đình ở Tây Ninh. Rất may là sự cố được anh xử lý kịp. Từ những lần đó, anh rút ra cho mình bài học kinh nghiệm xương máu: mỗi khi biểu diễn chỉ cần đạt tỷ lệ 70% bài diễn được xem như thành công.

Ở tuổi 29, HLV võ Vovinam - Trương Văn Thuận mang trên người không biết bao nhiêu vết thương. Anh kể, mỗi lần diễn là mỗi lần phải chịu vết thương vào người. Vì tiết mục biểu diễn của anh luôn khác biệt, với những cái móc vào da là thật, không có lỗ sẵn dễ bị tét da. Thế nên, mỗi lần biểu diễn là anh phải nghỉ dưỡng thương 2-3 ngày mới lành. Khi tham gia chương trình nào, anh cũng phải suy nghĩ chọn những màn ít bị chấn thương nhất để có thể diễn nhiều tiết mục. Thế mà thời điểm từ tháng Giêng đến tháng Ba hằng năm, anh có thể diễn 30 show/tuần. Hiện tại, anh chuẩn bị 36 bài, tức là có 36 tuyệt kỹ khác nhau để làm mới các tiết mục biểu diễn của mình.

HLV môn võ Vovinam tiết lộ: “Tôi chuẩn bị nhiều tiết mục để biểu diễn tùy vào khán giả, tùy chương trình. Nhiều khi lấy móc sắt ra là cổ rướm máu, mình phải chặn mạch máu lại, che giấu không để khán giả nhìn thấy”.

Những tuyệt kỹ trình diễn của anh Thuận có thể nói là phi thường, nhưng rất nguy hiểm và không dễ tập. Vì vậy, anh Thuận trăn trở: “Cũng có nhiều học trò theo nghề, nhưng chưa có ai theo được môn này cả, bởi nó đòi hỏi sự đam mê và gan lỳ lắm”.

Bài, ảnh: NGUYỄN MINH

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Quái kiệt