26/04/2008 - 11:06

10 cảng biển, 60.000 tỉ đồng, 2010!

GS. TSKH. NGUYỄN NGỌC TRÂN

Ngày 13-4-2008, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin ngành hàng hải Việt Nam sẽ khởi công xây dựng 10 cảng biển tổng hợp. Theo quy hoạch chi tiết, từ nay đến năm 2010, Việt Nam sẽ cần khoảng 60.000 tỉ đồng cho việc xây dựng 10 cảng biển tổng hợp, hơn 20.500 tỉ đồng cho cụm cảng phía Bắc trong đó có Cảng Hải Phòng; hơn 14.000 tỉ đồng cho các cảng miền Trung; hơn 20.100 tỉ đồng cho phía Nam và hơn 2.000 tỉ đồng cho vùng Tây Nam Bộ.

Là công dân của một đất nước với hơn 3.200km bờ biển, với hơn một triệu km2 lãnh hải, chúng ta đều mong muốn ngành hàng hải Việt Nam sớm lớn mạnh, và như các nước phát triển có biển trên thế giới, có được một số cảng biển hoàn chỉnh, hiện đại góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, thông tin về quy hoạch chi tiết nói trên của ngành hàng hải Việt Nam gợi lên không ít băn khoăn và đặt ra nhiều câu hỏi.

1. Trước tiên, tính một cách thô thiển nhất, cứ bình quân 300 km bờ biển sẽ có một cảng biển tổng hợp. Các nước Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Trung Quốc có bờ biển dài hơn Việt Nam, GDP của họ hiện nay cao hơn chúng ta cả chục lần; đội thương thuyền của họ có từ vài trăm đến vài ngàn chiếc với tổng trọng tải hơn mười triệu DWT, cũng chỉ có 5-10 cảng biển. Nhiều nhất là Nhật Bản, với gần 30.000km bờ biển (gần 10 lần Việt Nam), gần 700 tàu tổng trọng tải gần 12 triệu DWT, cũng chỉ có 10 cảng biển. Chúng ta có quyền mơ về tương lai, nhưng hãy trở về với hiện tại, liệu 10 cảng biển tổng hợp có nhiều quá không, ít nhất là trong giai đoạn phát triển hiện nay của đất nước?

2. Trong nhân dân, trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại diễn đàn Quốc hội, đã có nhiều ý kiến về phong trào xây dựng cảng biển (có người còn gọi là “hội chứng cảng biển”). Có nơi chỉ cách nhau khoảng 50km đã có hai cảng biển, nhưng không có cảng nào hoàn chỉnh. Các cảng biển tổng hợp khác các cảng biển hiện đang dang dở ra sao? Tổng cộng là bao nhiêu cảng biển? Tôi thiết nghĩ quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam nhất thiết phải trên cơ sở tổng kết, đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường việc xây dựng các cảng biển trong thời gian qua, xem lại chất lượng của từng báo cáo nghiên cứu khả thi, một tổng kết nghiêm túc, khách quan, công bố công khai minh bạch trước xã hội chứ không hình thức, khép kín trong ngành!

3. Từ nay đến 2010, còn hơn hai năm. Hơn hai năm để sử dụng 60.000 tỉ đồng. Số vốn này tìm ở đâu, hay chủ yếu lại quay về với ngân sách nhà nước (như dự án luồng Quan Chánh Bố nếu sắp tới được triển khai)? Vả lại, giả sử là đã có vốn, liệu ngành hàng hải có sử dụng nổi một cách có hiệu quả số vốn này hay không? Liệu các căn bệnh dàn trải, lãng phí, thất thoát, tham nhũng sẽ có đất thuận lợi để nảy sinh và tiếp tục hoành hành trên mồ hôi và thuế của người dân đóng góp? Đầu tư công của chúng ta hiệu quả còn khá thấp, kể cả cho các cảng biển trong thời gian qua. Hãy đừng để kết luận của các đợt giám sát của Quốc hội và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ gần đây về đầu tư công, giống như “nước đổ lá môn”!

4. Đồng bằng sông Cửu Long hiện đóng góp 60% sản lượng gạo, 90% kim ngạch xuất khẩu gạo, 65% kim ngạch xuất khẩu thủy hải sản của cả nước. 13 cảng biển dọc sông Hậu cho tới nay, và ít nhất đến năm 2014, thông ra biển qua cửa duy nhất, Định An. Thực tế nạo vét luồng Định An trong ba mươi năm qua không căn cơ một chút nào, năm nhiều nhất là 700.000 mét khối bùn cát với kinh phí nạo vét cao nhất là 12 tỉ đồng. Riêng năm 2007, chỉ vỏn vẹn 53.000 mét khối và 2 tỉ đồng!

Thế nhưng theo “quy hoạch chi tiết” của ngành hàng hải, trong hơn 60.000 tỉ đồng, phần dành cho Tây Nam bộ dự kiến chỉ có hơn 2.000 tỉ đồng mà hầu hết chắc chắn sẽ được dồn vào dự án luồng tàu biển qua kênh Quan Chánh Bố với tổng kinh phí dự toán không dưới 3.200 tỉ (và có thể lên đến 6.000 tỉ đồng), thực hiện trong 6 đến 7 năm, một dự án hãy còn khá nhiều tranh cãi vì báo cáo nghiên cứu khả thi chưa làm rõ được tính bền vững và tác động lên môi trường. Tôi xin được đặt thêm một lần nữa với Bộ Giao thông vận tải câu hỏi: Trong khi chờ đợi luồng Quan Chánh Bố, chủ trương của Bộ đối với luồng Định An và kế hoạch nạo vét luồng này như thế nào trong các năm sắp tới?(*)

5. Trong tình hình như đã phân tích trên đây, tôi thiết nghĩ rất cần thiết (a) Chính phủ cho biết quy hoạch chi tiết xây dựng 10 cảng biển tổng hợp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hay chưa, việc chi 60.000 tỉ đồng trong hơn hai năm có đảm bảo các yêu cầu về tiết kiệm và hiệu quả đối với đầu tư công hay không; (b) Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo về việc đầu tư xây dựng 10 cảng biển tổng hợp này, xem xét và quyết định chủ trương đầu tư bởi lẽ tổng dự toán cho việc xây dựng cả 10 cảng cho đến khi hoàn tất chắc chắn sẽ cao hơn ngưỡng bắt buộc, (c) có phản biện chặt chẽ đối với báo cáo nghiên cứu khả thi của từng dự án cảng.

Ngày 24 tháng 4 năm 2008

(*) Được biết Cục Hàng hải Việt Nam vừa có công văn đề nghị Bộ GTVT và Bộ Tài chính cho phép để lại nguồn thu phí hoa tiêu và phí cảng vụ để bổ sung kinh phí nạo vét duy tu các tuyến luồng hàng hải hàng năm, trong đó có tuyến luồng Định An - Cần Thơ, và khẳng định, với tư cách là chủ đầu tư, “đang hoàn tất các thủ tục cần thiết để khởi công dự án luồng vào sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố trong năm 2008". Như vậy đã rõ: (1) con số hơn 2.000 tỉ đồng dành cho Tây Nam bộ, sẽ không có phần dành cho nạo vét luồng Cửa Định An; (2) Dự án luồng qua kênh Quan Chánh Bố sẽ được khởi công mặc dù chưa làm rõ tính khả thi và bền vững của luồng!

* GS. TSKH. NGUYỄN NGỌC TRÂN

Chia sẻ bài viết