14/05/2024 - 09:12

“Vua” đèn măng xông 

Ông Ðặng Văn An (Hai An, 70 tuổi, ở khóm Bình Khánh 1, phường Bình Khánh, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) được mệnh danh là “vua” đèn măng xông, bởi ông đã sưu tầm và bán ra gần 100.000 chiếc đèn măng xông.

Ông Hai An bên những chiếc đèn măng xông.

Ông Hai An kể, trước đây do gia cảnh khó khăn, không đất sản xuất nên ông làm nghề lái xe đường dài. Cuộc sống rày đây mai đó, thu nhập bấp bênh, ông chuyển sang mua bán kính mát, đồng hồ… Nhận thấy đèn măng xông được ưa chuộng trở lại để trưng bày, trang trí, nhu cầu tiêu thụ lớn, nên ông tự mày mò học sửa và kiêm luôn công việc này để kiếm thêm thu nhập.

Ông Hai An cho biết, đèn măng xông trước đây là “vua” của các loại đèn. Người giàu có, nhất là dân miền biển làm nghề đánh bắt thủy sản thường sở hữu loại đèn này. “Khi chưa có đèn điện, nhà nhà phải dùng đèn dầu, nhà ai có đèn măng xông phải thuộc hàng khá giả và chiếc đèn măng xông được coi như “báu vật”. Bởi khi thắp đèn là rực sáng một vùng, thu hút trẻ em trong vùng đến vui chơi” - ông An nhớ lại.

Ðể theo đuổi nghề này, ông Hai An phải học hỏi, tìm hiểu, sưu tầm về các loại đèn để dự trữ hàng bổ trợ nhau, đặc biệt phải có mạng lưới “cộng tác viên” khắp nơi. Trước đây, mỗi cây đèn măng xông có giá 1 chỉ vàng, nhưng vì đam mê nên ông Hai An “ráng” dồn tiền mua, đèn hư hỏng đem bán phế liệu ông cũng gom để lấy phụ tùng sang qua những chiếc đèn hư khác. “Tôi có mối từ các vựa phế liệu ở Rạch Giá, Tri Tôn, Hà Tiên, Châu Ðốc, Tân Châu… khi có đèn là gom hết về, không bỏ sót. Nhờ đó, khi xu hướng chơi đèn măng xông “hot” trở lại, nhiều người đem đèn hư của gia đình hoặc mua được đem đến sửa, tôi đều có phụ tùng thay thế” - ông An cho biết.

Hiện nhà ông Hai An như một “bảo tàng” thu nhỏ về đèn măng xông với hơn 100 chiếc, đủ các thương hiệu: con nai AIDA, PETROMAX, COLEMAN, ALADDIN… Trong đó nhiều chiếc đèn còn mới chưa qua sử dụng dù có tuổi đời trên 70 năm. Ngoài ra, ông Hai An còn mua bán và sửa chữa đồng hồ quả lắc xưa, nhiều chiếc đồng hồ được ông sưu tầm có tuổi đời 70-80 năm, thậm chí có chiếc trên 100 năm.

Với kinh nghiệm gần 50 năm theo nghề, ông Hai An am hiểu từng loại đèn cũng như cách sửa, đặc biệt là đèn măng xông. Theo ông An, mỗi chiếc đèn có thời gian sử dụng hàng chục năm, rất cũ kỹ, do đó người làm nghề “chẩn trị” phải kiên trì và chịu khó mới thành công. Trước đây, bình quân mỗi tháng ông An mua bán, sửa chữa khoảng 150 chiếc đèn. Hiện số đèn sửa chữa ít hơn, chủ yếu là phục chế. Chi phí “chữa bệnh” mỗi chiếc đèn từ 200.000-300.000 đồng; còn nếu bán thì giá 1-2 triệu đồng/chiếc.

Sau nhiều năm làm nghề, ông Hai An bán ra và sửa chữa gần 100.000 chiếc đèn các loại. Khách hàng của ông thường ở TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Trung, miền Ðông. Ngoài việc sử dụng, khách hàng của ông còn bán đèn sang Campuchia, Lào, Thái Lan. Hiện ngoài việc sở hữu hơn 100 chiếc đèn măng xông, bộ sưu tập của ông An còn nhiều món đồ “xa lắc xa lơ” như: đồng hồ treo tường, đồng hồ thùng gỗ, lò xô (Mỹ, Ðức, Pháp), bàn ủi con gà, đèn dầu, đèn khí đá… 

Bài, ảnh: NGUYỄN TRINH

Chia sẻ bài viết