CÁT ĐẰNG
“Vong nhi” là phim kinh dị tiếp theo của đạo diễn Hoàng Tuấn Cường, sau thành công của “Nhà không bán” (2022). Lần này, bi kịch của những người phụ nữ từng phá bỏ thai nhi được đưa lên màn ảnh rộng và khai thác sâu vào nỗi đau cũng như hệ lụy, mang đến một câu chuyện nhiều cảm xúc và truyền tải thông điệp ý nghĩa.
Phim đang chiếu tại các cụm rạp của CGV và Lotte Cinema tại Cần Thơ.
Diễn viên Lê Phương có diễn xuất ấn tượng với vai Thảo trong phim.
Mở đầu phim, Thảo (Lê Phương) đưa cô em họ đi phá thai vì trót lỡ lầm khi đang là sinh viên năm thứ 3. Tuy nhiên, sau đó, Thảo luôn bị ám ảnh, hù dọa bởi tiếng cười, tiếng nói của trẻ con trong nhà, trong khi cô và chồng lấy nhau đã 4 năm mà vẫn chưa có con. Cho rằng mình bị “vong nhi” đeo bám để trả thù, cô tìm cách trấn áp ma quỷ bằng bùa ngải. Khi Thảo mang thai, niềm vui chưa trọn thì cô luôn bị những cơn ác mộng đeo bám và bi kịch tiếp nối bi kịch khi quá khứ đen tối của cô bị lật lại…
“Vong nhi” là tác phẩm kết hợp 2 thể loại gồm kinh dị siêu nhiên và kinh dị tâm lý. Do đó, phim có những cảnh tâm linh và cả những ám ảnh, hoảng sợ do tâm lý bị kích động, tổn thương gây ra. Nửa đầu phim, những cảnh hù dọa khiến nhân vật và người xem nhiều sợ hãi, nhưng càng về cuối, phim càng đi sâu vào tâm lý nhân vật Thảo, khai thác nỗi đau trong quá khứ để lý giải những tổn thương của hiện tại. Có thể nói, những cảnh kinh dị, hù dọa trong phim không nhiều và không mới, đôi lúc, kỹ xảo chưa tốt nên chưa tạo được hiệu ứng cao, nhưng bù lại, phim khắc họa tốt những trường đoạn đau khổ, ám ảnh của nhân vật chính cũng như bi kịch của các nhân vật phụ.
Lúc đầu, khán giả sẽ thắc mắc, khó hiểu với một số chi tiết vì thấy chưa hợp lý, nhưng càng về sau, mọi chuyện được hé mở, kết nối và lý giải rõ ràng, thuyết phục được người xem. Diễn viên Lê Phương đã có màn hóa thân xuất sắc trong vai Thảo với tâm lý phức tạp và nhiều phân cảnh nước mắt, khiến người xem thương cảm, xót xa.
Ngoài tuyến truyện của Thảo, phim còn 2 tuyến truyện khác là bác sĩ sản khoa Phương (Nhật Kim Anh) - người mẹ có con nhỏ bị ung thư, đang đứng trước cửa tử và bà Thuận (Hạnh Thúy) - một phụ nữ chuyên nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi và nhận các bào thai bị bỏ ở bệnh viện phụ sản đem về chôn cất. Hai người phụ nữ với những nỗi đau, những suy tư, trăn trở khiến người xem phải suy ngẫm. Nghịch lý ở chỗ: bác sĩ Phương mong muốn cứu sống con mình nhưng hằng ngày lại tước đi bao tính mạng của những đứa trẻ chưa thành người. Và dù không nói ra, nhưng người xem thầm hiểu, cái kết của bác sĩ Phương và Thảo giống như “quả báo” cho việc làm của mình.
Phim cũng nêu lên những quan điểm khác nhau của các nhân vật trong việc nên giữ hay nên bỏ khi có thai ngoài ý muốn, hoặc do bị cưỡng bức… Bên cạnh phê phán chuyện nạo phá thai bừa bãi, phim còn cho rằng phá thai là tội ác dù vì bất cứ lý do gì, bởi đó vẫn là ngụy biện cho cái sai của mình. Điều này ít nhiều gây tranh cãi hoặc lấn cấn cho người xem. Bởi việc dồn nén quá nhiều bi kịch cho nhân vật chính tuy đẩy được cảm xúc lên cao nhưng vẫn khiến người xem tự hỏi: Liệu như vậy có quá nhẫn tâm với Thảo? Cô ấy có đáng nhận lấy một kết cục bi thảm khi quá khứ của cô đã quá bi thương?
Dù mô-típ không mới, nhưng phim tạo được nhiều cảm xúc cho khán giả qua diễn xuất của nhân vật chính, qua những cảnh xúc động của mẹ con bác sĩ Phương và qua cách sống nhân văn của bà Thuận. Đặc biệt, những cú lật bất ngờ ở cuối phim góp phần tô đậm kịch tính và dấu ấn cho tác phẩm.