24/11/2021 - 07:47

Chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021

“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” 

Hôm nay, ngày 24-11, Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Ðảng, nhằm triển khai Nghị quyết Ðại hội lần thứ XIII về văn hóa.

Cách nay đúng 75 năm, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ I (ngày 24-11-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. 75 năm qua, tư tưởng của Bác Hồ luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Kế thừa truyền thống ấy, Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 được tổ chức nhằm khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc trong xây dựng, phát triển đất nước từ nền tảng phát triển văn hóa.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Ảnh minh họa: Một chương trình nghệ thuật ca ngợi Đảng, Bác Hồ tại TP Cần Thơ. Ảnh: DUY KHÔI

Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 1946

Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, năm 1946, khai mạc tại Nhà hát Lớn Hà Nội, với sự tham dự của hơn 200 nhà hoạt động văn hóa đại diện cho phong trào văn hóa toàn quốc khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam và đại diện Chính phủ, Ủy ban Thường trực Quốc hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu tại hội nghị.

Ðến nay, tư liệu về hội nghị này không nhiều, phong phú nhất là bài tường thuật trên Báo Cứu Quốc số ra ngày 25-11-1946. Theo bài báo, sau khi trình bày về hệ giá trị văn hóa Việt Nam, vấn đề “ta nên theo văn hóa nào?” - Ðông phương hay Tây phương. “Theo ý Người thì Tây phương hay Ðông phương có cái gì tốt thì ta học, lấy đề tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ”, bài báo tường thuật.

Trong cuốn “Lịch sử biên niên Ðảng Cộng sản Việt Nam” (tập 3, NXB Chính trị Quốc gia, 2008) có ghi: “Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu nhiệm vụ của văn hóa mới là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam với ba tính chất: dân tộc, khoa học, đại chúng. Người nêu rõ vị trí, ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ. Người kêu gọi các nhà văn hóa Việt Nam “hãy chú ý đặc biệt đến nhi đồng”!”. Rõ ràng, những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa vừa sâu sắc, thực tế, vừa mang tính thời đại rất cao. Tư tưởng vĩ đại ấy của Người đến nay chúng ta vẫn luôn quán triệt và làm theo.

Theo bài tường thuật trên Báo Cứu quốc, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất đã bầu ra Ủy ban Văn hóa toàn quốc, gồm 15 vị chính thức và 5 vị dự khuyết. Ðó là: Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Hữu Ðang, Hoàng Xuân Hãn, Ðào Duy Anh, Nguyễn Ðình Thi, Hồ Hữu Tường, Bùi Công Trừng, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Thiệu Lâu, Trương Tửu, Khái Hưng, Thế Lữ, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn Huyên (chính thức); Lưu Hữu Phước, Hoàng Tích Trí, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn (dự khuyết).

Triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”

Chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức triển lãm với chủ đề “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” bằng hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến.

Công tác bảo tồn di sản văn hóa nhiều năm qua được TP Cần Thơ thực hiện có hiệu quả. Trong ảnh: Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Kỳ yên Đình Bình Thủy. Ảnh: DUY KHÔI

Triển lãm trưng bày, giới thiệu tới công chúng 320 tác phẩm ảnh nghệ thuật tiêu biểu, 123 tài liệu, hiện vật quý hiếm với 6 nội dung chuyên đề theo dòng chảy văn hóa từ truyền thống tới hiện đại. Chuyên đề thứ nhất “Văn hóa Việt Nam trước năm 1930” giới thiệu khái quát sơ lược về lịch sử văn hóa Việt Nam qua những hình ảnh về quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông.

Chuyên đề thứ hai, “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam”, trong đó đặc biệt nhấn mạnh sự quan tâm tới di sản văn hóa dân tộc của Bác Hồ kính yêu.

Chuyên đề thứ ba giới thiệu hình ảnh, tư liệu về các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước với sự nghiệp phát triển văn hóa. Ở chuyên đề này, triển lãm cũng tập trung giới thiệu các văn bản, nghị quyết của Ðảng về văn hóa qua các kỳ đại hội Ðảng. Trong đó, có Bản Ðề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 là văn kiện chính thức đầu tiên của Ðảng về công tác văn hóa, văn nghệ.

Chuyên đề thứ tư “Văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”.

Chuyên đề thứ năm “Văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước” làm nổi bật những thành tựu về lĩnh vực văn hóa, gia đình, du lịch và thể thao trong nước cùng các hoạt động quảng bá, giao lưu văn hóa Việt Nam tại nước ngoài.

Chuyên đề thứ sáu là “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc”, trưng bày ảnh, tư liệu và số liệu về thành tựu bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc trong những năm vừa qua. Ðiển hình như việc bảo quản, tu bổ, phục hồi các di sản được UNESCO ghi danh, các di tích lịch sử được xếp hạng quốc gia, quốc gia đặc biệt, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể...

Ðặc biệt, triển lãm có nhiều hình ảnh, tư liệu giá trị như “Ðề cương Văn hóa” đăng trên Tạp chí Tiền Phong - cơ quan vận động văn hóa mới thuộc Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam, xuất bản ngày 10-11-1945; thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị cán bộ văn hóa ngày 18-2-1957; sách “Con người xã hội chủ nghĩa” của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất bản năm 1961...

Khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước từ phát triển văn hóa

Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 do Ban Bí thư Trung ương Ðảng chủ trì tổ chức, được xem là “Hội nghị Diên Hồng” của toàn ngành Văn hóa.

Trả lời báo chí trước thềm hội nghị, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhấn mạnh: Hội nghị Văn hóa toàn quốc bám sát tổng thể quá trình triển khai Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XIII về văn hóa. Việc tổ chức Hội nghị lần này cho thấy sự quan tâm rất lớn của Ðảng, Chính phủ, Quốc hội, nhất là sự quan tâm của Bộ Chính trị mà trực tiếp là Ban Bí thư đối với văn hóa.

Nội dung, trọng tâm xuyên suốt của hội nghị chính là dẫn luận, hệ thống lại các quan điểm của Ðảng, tư tưởng của Bác Hồ về văn hóa. Bên cạnh đó, dựa trên đường lối của Ðảng ta, đặc biệt là tinh thần của Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề văn hóa được Ðảng ta xác định là “kim chỉ nam” cho hành động, hội nghị đánh giá một cách sâu sắc hơn qua 35 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Ðảng chúng ta đã đạt được thành tựu gì, chúng ta đang khó khăn gì.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, sau hội nghị, cần thiết xây dựng hệ sinh thái văn hóa, mà bao trùm xuyên suốt là xây dựng cho được một môi trường văn hóa. Chúng ta phải tập trung thực hành để triển khai hệ giá trị con người Việt Nam mà nghị quyết đã đề ra. Ðó là con người Việt Nam yêu nước, trọng lẽ phải, giàu tình thương, có khát vọng xây dựng đất nước. Ðó là con người của thời đại hội nhập, giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Ðây là những điều kỳ vọng sau hội nghị.

DUY LỮ (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết