Ba lom khom trước sân chăm chút lại mấy cội mai. Tiện tay, lặt đi những chiếc lá còn sót trên vài nhánh đang với ra như muốn hứng lấy cái se se của khí trời. Năm nào cũng vậy, hễ nghe liu riu ngoài sông hơi gió lạnh thì mấy cây mai tự buông những chiếc lá èo uột khô khan xuống. Ba thong thả với dáng đứng của một nông dân đã qua thời vất vả. Sợ con cái lại chịu cực nhọc như đời của mình nên ba gắng công lo cho chị em tôi được học hành.
- Coi đi đón con Hai về nghe Út. Hôm bữa nó nói bữa nay về. Phụ chị một tay xách đồ đạc.
Lần nào, chị Hai về cũng lỉnh kỉnh đến nặng nhọc. Với lại, tết nhứt cũng sắm sửa chút quà biếu cho họ hàng. Làm ăn xa mà. Ai không vậy. Chị Hai tốt nghiệp đại học rồi khăn gói lên Sài Gòn lập nghiệp. Khi ổn định công việc hết, ba lại lo đến việc dựng vợ gả chồng cho chị. Vậy mà chị cứ viện hết lý do này đến lý do nọ để đánh trống lảng hoài.
- Con còn muốn lo cho ba má với thằng Út. Chừng nào em nó vô đại học rồi con mới tính, ba à.
- Chứ không phải bây đợi thằng Phong sao? Tao thấy nó thương bây thiệt tình. Nếu hai đứa ưng lòng nhau, ráng thêm ít năm kiếm vốn liếng rồi tiến tới đi. Bây cũng đâu còn trẻ mà chạy nhảy hoài được.
Chị Hai nghe tới vụ đó là lẻn đi mất. Không biết chị có để ý lời dặn dò của ba không mà mấy mùa Tết rồi vẫn thấy anh chị im thin thít.
- Dạ, thưa bác Hai. Con mới qua.
- Phong hả con? Con về hồi nào. Anh chị bên nhà khỏe không?
- Ba má con vẫn khỏe. Con về được hai ngày rồi. Hôm trước con có gọi cho Tâm. Nghe em nói hôm nay về. Ba má con gửi bác mấy gói trà dùng lấy thảo.
Ba gọi anh vào nhà trong uống nước rồi hỏi thăm. Ba biết anh vừa đi tập huấn kỹ thuật mới về nâng cao giá trị và chất lượng của dâu. Trước tới giờ, dâu Hạ Châu ở đây chỉ trồng lẻ và cân theo thương lái ghé vườn. Chuyến này anh đi, nghe đâu cũng là để tiếp cận với thị trường đầu ra. Bà con miệt này nghe vậy háo hức. Giờ khai thác loại trái cây đặc sản này mang lại hiệu quả cao nên thành phố thông báo cử kỹ sư địa phương đi tập huấn thêm. Tôi chỉ kịp chào anh một tiếng rồi dẫn xe, xuôi theo hướng bến đò đón chị, vừa chắc lưỡi: Biểu mua ít ít thôi, vậy mà.
***
Gần Tết nên đò đông nghẹt khách. Quê nhà lại đón những đứa con đi làm ăn xa trở về. Nắm níu xứ người suốt một năm trời, chắc lòng ai cũng nôn nao khi đặt những bước chân xuống chiếc đò quê. Ánh mắt cứ miên man chăm chăm theo từng đợt sóng. Hết chuyến này đến chuyến khác, tiếng tạch tạch xé nước nghe sao mà giòn rụm. Hay là vì trong lòng người về cũng đang hớn hở.
Tôi thấy chị em con Lượm cũng về ngang. Giờ ra vẻ người thành thị rồi nên tôi hơi bỡ ngỡ. Lúc trước nhà nghèo quá nên chị em Lượm đều bỏ học. Lên tận Bình Dương làm để gửi tiền về lo cho mẹ. Cuộc sống công nhân chẳng được thảnh thơi gì đâu. Đổi sức lấy đồng lương. Có lẽ chị em Lượm biết tích cóp nên giờ mọi thứ đều trở nên nhẹ nhõm và khấm khá. Hai chị em lướt qua tôi như mang cả không khí xuân trở thành da diết. Không hỏi không rằng. Tôi cũng không đành lòng trách cứ. Có mấy năm mà cả chị lẫn em đều thay đổi hẳn ra. Hình ảnh long nhong ngoài bờ ruộng dang nắng thả diều năm nào giờ chẳng còn. Thời gian bươn chải giữa bộn bề vất vả đã gột rửa đi ít nhiều nét quê dai dẳng suốt thời ấu thơ.
***
- Út. Ngó ai vậy. Lại xách phụ với Hai nè em.
- Ủa, chị Hai.
Tôi giựt mình, chạy lúp xúp đến.
- Gì mà nhiều quá vậy chị?
- Tết mà em. Thôi xếp đồ lên xe đi. Nắng lên rồi.
Tôi khệ nệ chất từng món đồ được đóng gói cẩn thận lên xe. Chị Hai đã ngồi yên phía sau. Tôi cho xe chạy, bên tai ra rả lời của chị.
- Ba má khỏe hết hả em. Nhà mình lo sắm sửa tới đâu rồi. Em có phụ với ba dọn dẹp không?
- Xong hết rồi chị. Anh Phong, lúc em vừa ra đây đón chị, anh có qua nhà mình đó.
- Ừa. Chị có điện thoại cho ảnh. Lát về, chị gửi quà cho hai bác luôn.
- Mà chị với ảnh tính đến bao giờ làm đám cưới. Hai người cũng lớn tuổi rồi đó.
- Thằng nhỏ. Lo học hành đi. Chuyện đó anh chị tự biết lo liệu.
Xe cứ đèo hai chị em qua mấy cái dốc gập ghềnh. Đường về xóm, lốm đốm vàng ửng của những dải mai đang lứa tết. Gió vuốt vào lòng cái mùi bánh mứt ngọt ngào pha lẫn cái lành lạnh của đất trời. Không biết chị Hai thì sao, chứ tôi mỗi khi nghe thấy được cái vị ấy lại cồn cào lắm. Chắc mai mốt tôi không thể đi làm xa như chị Hai được. Kệ. Ở quê cho dễ chịu. Chúng tôi rẽ vào sân nhà, bỏ lại cái điệu xôn xao của mấy bài nhạc tết đang rộn rã từ đầu xóm. Lúi cúi tháo dỡ đồ đạc xuống. Anh Phong cũng chạy ra phụ một tay.
- Đi đường chắc mệt lắm hả em?
- Cũng có đôi chút. Anh qua lâu chưa? Lát về cho em gửi quà cho hai bác. Mai mốt em qua thăm hỏi sau.
- Chi mắc công vậy em.
Xong xuôi, cả ba chúng tôi rửa mặt mày rồi chạy lên chỗ ba ngồi.
- Má bây đi chợ, cũng sắp về rồi. Sẵn thằng Phong, con ở lại đây ăn cơm với gia đình bác luôn. Lâu lâu, con Tâm nó về. Tiện thể, cho ấm cúng nghe bây.
Ba tôi đưa anh vào thế kẹt. Mà tôi dám chắc anh cũng không dám chối từ. Phần vì chị Hai, phần vì ông già vợ tương lai đã quyết. Chuyện trò với nhau được một ít thì má về. Chị Hai xuống nhà sau phụ tiếp má làm cơm.
- Qua Tết, bác nói chuyện với anh chị bên nhà để tính chuyện cho tụi bây. Con cái cố gắng làm ăn để có một gia đình hạnh phúc thì ba má ai không mừng.
- Dạ, con cũng đợi xong vụ dâu Tết này con sẽ thưa chuyện, nay nghe bác nói con cũng nghe nôn trong lòng.
- Có nôn quá thì kiếm cô nào làm cho nhanh đi chớ chờ em chi.
- Thôi, cho ba can đi.
***
Dĩ nhiên, vụ dâu này ngon lành rồi. Trong xóm, ai chẳng biết anh chuyên canh tác loại đặc sản thương hiệu của miệt vườn. Tính anh Phong vốn hiền lành, lo làm việc, ít rượu chè bia bọt nên chuyện của anh chị khiến ba ưng bụng lắm. Mà anh với chị thì cũng thương nhau lâu rồi. Nói gì thì nói, chứ Tết năm sau tôi phải ăn cưới mới được.
- Ba để cho con lo việc thiệp mời và mướn rạp nghe.
- Được không đó Út?
- Chắc ăn với ba mà.
Thình lình tôi bị một cái cốc như trời giáng lên đầu.
- Tài lanh nè. Lo học để vào đại học đi ở đó mà tính toán bàn vô hả Út. Con mời ba, em mời anh xuống nhà sau ăn cơm.
Tôi nhăn nhó vì cái cốc của chị Hai còn ê ẩm thế mà ba và anh Phong đứng đó cười phì cho được. Thôi kệ.
- Miễn sao Tết tới em có đám cưới ăn là vui rồi.
Chị Hai giơ tay định gõ thêm một cái nữa nhưng tôi đã kịp né sang.
- Hổng phải sao? Hồi trước Hai nói rõ ràng mà. Chừng nào thằng Út vào đại học, thì chị tính. Vậy năm sau em sẽ đậu.
- Làm như em muốn là được không bằng.
- Em thi rớt chắc được yên với Hai à.
- Thằng quỷ nhỏ.
Ba đang đi cùng với anh Phong, chợt ngoảnh lại.
- Thôi, vô ăn cơm đi cô với cậu. Tết đã tràn tới giáp hàng ba, hai đứa cũng sắp già thêm một tuổi rồi. Ở đó, giỡn hoài!
PHAN DUY