26/11/2018 - 21:23

“Trận địa mới” trong căng thẳng Nga-Ukraine 

Quan hệ Nga-Ukraine tiếp tục “nóng” lên trước việc Kiev thiết quân luật sau khi Mát-xcơ-va sử dụng vũ lực bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine ngoài khơi bán đảo Crimea.

Cuộc khủng hoảng bắt đầu xung quanh cáo buộc của Nga về việc tàu Ukraine xâm nhập hải phận bất hợp pháp. Sáng 25-11, hai pháo hạm Berdyansk và Nikopol của hải quân Ukraine cùng tàu kéo Yana Kapa ​​đang trong hải trình từ cảng Odessa ở Biển Đen đến Mariupol ở Biển Azov. Ukraine cho biết đã thông báo kế hoạch di chuyển với Mát-xcơ-va từ trước, nhưng tàu của họ bị lực lượng tuần duyên Nga chặn lại khi chuẩn bị tiến vào Biển Azov vốn được chia sẻ giữa hai nước.

Nga triển khai chiến đấu cơ và đặt tàu chở dầu án ngữ dưới cầu Crimea ở Eo biển Kerch hôm 25-11. 
Ảnh: Reuters

Theo Hải quân Ukraine, tuần duyên Nga đã đâm vào chiếc tàu kéo nhưng nhóm tàu Ukraine vẫn tiếp tục hướng tới Eo biển Kerch và bị chặn lại khi đối phương cho tàu chở dầu án ngữ ngay dưới cây cầu bắc qua Eo biển Kerch nối bán đảo Crimea với đất liền Nga, cũng là lối duy nhất ra vào Biển Azov. Cáo buộc tàu Ukraine xâm nhập lãnh hải trái phép, Nga yêu cầu các tàu nói trên dừng lại vì lý do an ninh, đồng thời điều động 2 chiến đấu cơ và 2 trực thăng đến khu vực. Tuyên bố của Hải quân Ukraine cho biết tàu của họ đã bị Nga “tấn công” khi cố gắng rời đi, khiến 6 thủy thủ bị thương. Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cũng xác nhận một trong các tàu tuần tra của họ phải dùng tới vũ lực để bắt giữ 3 tàu Ukraine nhưng cho biết chỉ có 3 thủy thủ bị thương và những người này đã được hỗ trợ y tế.

Hôm qua 26-11, Nga đã mở lại tuyến hàng hải trên Eo biển Kerch sau tuyên bố phong tỏa để đảm bảo an toàn trước hành động “nguy hiểm” của nhóm tàu Ukraine. FSB cho biết sẽ sớm công bố “bằng chứng không thể chối cãi” về việc Kiev “chuẩn bị và sắp đặt các hành vi khiêu khích” dẫn đến sự cố trên Biển Đen. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, vụ việc trên phản ánh “đặc tính” hành vi của Ukraine: kích động, gây áp lực và đổ lỗi cho âm mưu xâm lược.

Sự cố xung quanh Eo biển Kerch, vùng nước hẹp phân tách Biển Đen và Azov, đánh dấu sự leo thang căng thẳng trong cuộc chiến âm ỉ gần 4 năm qua giữa Nga và Ukraine sau khi Mát-xcơ-va sáp nhập bán đảo Crimea. Trước khi quan hệ ngoại giao tuột dốc, hai nước vào năm 2003 từng ký hiệp ước công nhận Eo biển Kerch và Biển Azov là vùng lãnh hải chung. Nhưng từ năm 2014, Nga bắt đầu tăng cường kiểm soát hoạt động ra vào khu vực với đa phần là tàu Ukraine đến các cảng than và thép ở Mariupol, Berdyansk. Căng thẳng trên Biển Azov tiếp tục bị đẩy lên cao sau khi Mát-xcơ-va khánh thành cầu Crimea.

Sau vụ việc hôm 25-11, Kiev cáo buộc Mát-xcơ-va vi phạm hiệp ước đã ký kết cũng như Luật Biển của Liên Hiệp Quốc. Tại cuộc họp lúc nửa đêm của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine (NSDC), Tổng thống Petro Poroshenko mô tả hành động của Nga là “vô cớ và điên rồ”. Hội đồng cũng thông qua quyết định ban bố tình trạng thiết quân luật trên lãnh thổ Ukraine trong 60 ngày theo đề xuất của ông Poroshenko. Quyết định này đang chờ Quốc hội Ukraine phê chuẩn.

Tổng thống Poroshenko khẳng định ban hành thiết quân luật không ngụ ý tuyên bố chiến tranh mà chỉ nhằm mục đích phòng thủ. Trong khi đó, giới phân tích cảnh báo nguy cơ tình hình vượt tầm kiểm soát, đẩy quốc gia Đông Âu đến gần cuộc chiến toàn diện với Nga.

Trước tình hình đó, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã tiến hành họp khẩn vào tối 26-11,  trong khi  Liên minh châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương kêu gọi các bên kiềm chế để hạ nhiệt căng thẳng trên Biển Đen. 

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
NgaUkraineKiev