25/06/2019 - 10:45

“Soi gương bằng người” cùng đạo diễn Việt Linh 

NXB Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh vừa ra mắt “Soi gương bằng người” - tác phẩm mới nhất của đạo diễn Việt Linh, được tuyển hợp từ những bài viết trên các báo, tạp chí: Đẹp, Tuổi Trẻ, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Phụ nữ, Thế giới tiếp thị… từ cuối năm 2015 đến đầu năm 2019. Một vài câu chuyện trong “Soi gương bằng người” có thể thay đổi về tính thời sự, nhưng ý nghĩa nhân văn, thế sự vẫn nguyên vẹn.

Đạo diễn Việt Linh tại buổi giao lưu ra mắt “Soi gương bằng người”.

Đạo diễn Việt Linh tại buổi giao lưu ra mắt “Soi gương bằng người”.

Lần này, đạo diễn Việt Linh không dành tất cả bài viết cho một chủ đề điện ảnh như cuốn “Giấy không gói được than cháy dở”, thay vào đó chị thả hết tâm tư vào những câu chuyện ngắn gọn nhưng chất chứa hơi thở cuộc sống. “Khi đọc cuốn sách này, có lẽ, rất nhiều người sẽ muốn dừng lại để nhìn, để lắng nghe, để cảm nhận những gì đang lay động xung quanh. Nhưng để có thể điềm tĩnh như thế, có thể nhìn mọi điều diễn ra xung quanh bằng con mắt bao dung, độ lượng; nghĩ thong thả và sâu sắc, thì phải có không ít những năm tháng sống hết mình…”, nhà văn Đỗ Bích Thúy chia sẻ.

Đạo diễn Việt Linh luôn xoay chuyển tư duy để lặng lẽ nhìn, quan sát, ngẫm nghĩ, với tâm thế luôn điềm tĩnh, ít phán xét, thậm chí không bình luận. Nhưng điều đó không phải vì chị im lặng, mà để những tâm tư chất chứa được truyền tải tinh tế và sâu sắc. Đạo diễn Việt Linh tâm sự: “Tôi tự nhận tinh thần công dân của tôi rất mạnh. Cho dù làm phim, viết kịch bản, hay làm bất cứ việc gì, tôi vẫn chú tâm trân trọng, bênh vực những người thấp bé, thiệt thòi trong cuộc sống. Và ngược lại”.

“Soi gương bằng người” ở đây thuần túy là soi vào nhau để sống cho tử tế, thanh thản hơn. Độc giả sẽ bước chậm và thấm với từng câu chuyện trong tác phẩm, chia sẻ những cảm xúc vui - buồn - thú vị - phẫn nộ; cả chút hấp dẫn của tình ái, chính trường. Như nhà văn Trần Nhã Thụy chia sẻ: “Tôi thích cái cách chị nhận ra những người bình thường tử tế giữa mênh mông biển người. Cũng như cái cách chị đọc trong cả rừng tin tức Đông Tây, vẫn lẩy ra những câu chuyện nhỏ, nhưng đầy ắp tình người. Và, như vậy, đó không phải là cách viết mà chính là cách sống, cách chơi”.

Tạp văn "Soi gương bằng người" với hơn 80 câu chuyện được sắp xếp đề tựa tự nhiên theo thứ tự chữ cái, qua đó những lát cắt cuộc sống hiện dần ra, gợi mở và phong phú: Búp bê và cánh cam; Gối đẹp biến mất; Người đàn bà nhẫn nhịn; Quên mất con người; Mùi hương châu Á; Rời khỏi Never Land - Rời khỏi thần tượng; Sài Gòn đâu dễ quên; Bình thường tử tế, Điểm chạm văn hóa; Không ai đánh cắp được điều tốt đẹp; Hứa bựa và phân nửa sự thật...

Soi để thấy nhiều góc cạnh nhân gian ẩn khuất, để thấy chiều sâu trong“nhân cách, phẩm hạnh con người thể hiện qua hành vi, dù khoảnh khắc hay quá trình” (Búp bê và cánh cam). Soi để khi mọi việc đang xấu dần lên, những cơn bệnh tật ào đến, lo sợ cứ áp đảo trong đầu thì chúng ta vẫn bất ngờ với tư duy của một đứa trẻ: “Thay vì né tránh và sợ hãi, ta nên học cách đánh bạn với nó, hiểu biết thêm về nó; và nếu có thể thì yêu nó như một phần đương nhiên của đời sống” (Quái vật tím). Soi để bình tĩnh trước những hụt hẫng về một thần tượng, một niềm tin đã cháy rụi trước quá nhiều tai tiếng bủa vây, như phát ngôn của nhân vật-nạn nhân James Safechuck: “Michael Jackson là ca sĩ tài năng, nhưng tài năng không có nghĩa anh ấy không phải là kẻ lạm dụng” (Rời khỏi Never Land - Rời khỏi thần tượng).

Chắc hẳn, mỗi chúng ta sẽ tìm được những điểm chạm cảm xúc nhân văn và sâu lắng, sau khi đọc “Soi gương bằng người”.

Bài, ảnh: Q.M

Chia sẻ bài viết