13/04/2021 - 08:57

Ðồng hành phát triển kinh tế xanh, bền vững 

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) vùng ÐBSCL đang đứng trước thách thức về biến đổi khí hậu, cạnh tranh khốc liệt từ hội nhập kinh tế quốc tế, tình trạng di dân ngày càng trầm trọng, thu hút đầu tư kém hấp dẫn… Thực trạng này, đòi hỏi DN ÐBSCL phải thay đổi, tái cơ cấu lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, việc sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để tiết kiệm chí phí; phát huy vai trò xúc tác của khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế đối với việc nhân rộng mô hình “chuyển đổi xanh”… là vô cùng cần thiết.

Công ty Thép Tây Ðô triển khai đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất phôi thép từ việc tái sử dụng sắt thép phế liệu từ các DN khác trong Khu công nghiệp Trà Nóc.

Nỗ lực không ngừng

Theo bà Nguyễn Thị Thương Linh, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai đã và đang ảnh hưởng đến DN ở nhiều mặt: gián đoạn sản xuất kinh doanh, đình trệ mạng lưới phân phối, tăng chi phí sản xuất, thiệt hại cơ sở vật chất, thiếu nguồn cung nguyên vật liệu… Chính vì vậy, nhiều DN trong vùng dần có ý thức bảo vệ môi trường và triển khai sản xuất, kinh doanh kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường. Một cuộc khảo sát của VCCI gần đây cho thấy, nhiều DN Việt Nam sẵn sàng đầu tư để cải thiện mức độ tuân thủ về môi trường. Trung bình, các DN sẵn sàng chi trả lên tới 7,32% chi phí hoạt động cho việc thân thiện hơn với môi trường.

Bà Ðào Thu Hằng, Cố vấn tại Việt Nam Tổ chức Thúc đẩy đầu tư năng lượng sạch (CEIA), cho rằng, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính trong Hiệp Ðịnh Paris về biến đổi khí hậu toàn cầu ký năm 2015; đồng thời, chính sách và mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ Việt Nam đề ra mức tăng đến 15% vào năm 2030. Ðây là cơ hội để thúc đẩy DN đầu tư các nguồn năng lượng sạch. Và các KCN, khu kinh tế là nơi thích hợp để trình diễn, nhân rộng điển hình tốt về mô hình phát triển năng lượng sạch, thực hiện “xanh hóa” chuỗi cung ứng... 

Việc liên kết các KCN, khu kinh tế và DN để cùng đồng hành thực hiện các mô hình sản xuất sạch, xanh và bền vững đã được triển khai ở một số địa phương vùng ÐBSCL. Tại TP Cần Thơ, Dự án KCN sinh thái: Hướng tiếp cận bền vững cho phát triển KCN đã thực hiện tại KCN Trà Nóc. Dự án đã kết nối DN gần nhau sử dụng chung lò hơi: Công ty Pepsico và Nam Tiến; mô hình cộng sinh nguồn nhân lực: Công ty dịch vụ về năng lượng cung cấp nhân công vận hành lò hơi trình độ cao cho các công ty có lò hơi lớn áp dụng ở Công ty CP Phân bón Hóa chất Cần Thơ; mô hình chia sẻ cơ sở hạ tầng cộng sinh kho lạnh được áp dụng tại các Công ty Nam Hải, Cổ Chiên, Cafish, Quang Minh, Biển Ðông…

Thay đổi nhận thức, hành động

Mặc dù có nhiều nỗ lực, song việc sản xuất xanh, sạch tại các DN cũng như các KCN, khu kinh tế vẫn gặp nhiều cản ngại. Ðơn cử, việc thực hiện Dự án KCN sinh thái: Hướng tiếp cận bền vững cho phát triển KCN tại TP Cần Thơ gặp khó khăn do tiềm lực tài chính của DN chưa mạnh để thực hiện hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn RECP và cộng sinh công nghiệp tốt hơn. Bên cạnh đó, vấn đề vay vốn thay đổi công nghệ và thuyết phục DN thay đổi công nghệ tiết kiệm điện cũng gặp không ít khó khăn. Vì vậy, nhiều nội dung của dự án đến nay vẫn chưa thực hiện được như: tận dụng nước thải sau xử lý làm nước dự trữ phòng cháy chữa cháy của KCN; tách nước thải loại A, thay vì gom chung với nước thải B; thu gom và phân loại giấy và bìa thải để làm nguyên liệu đầu vào cho các công ty sản xuất giấy Kraft; tái sử dụng sắt thép phế liệu từ các công ty trong KCN cho Công ty Thép Tây Ðô…

Việt Nam đã đưa ra 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 gồm các nội dung cơ bản: xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững; đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người; đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và có khả năng chi trả cho tất cả mọi người; xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao, thúc đẩy công nghiệp hóa bao trùm và bền vững, tăng cường đổi mới; phát triển đô thị, nông thôn bền vững, có khả năng chống chịu; phân bổ hợp lý dân cư và lao động theo vùng... Ðiều này cho thấy, phát triển kinh tế xanh, sạch, bền vững là xu thế tất yếu phải hướng đến trong tương lai. Bởi theo các chuyên gia, nếu giữ mô hình tăng trưởng như hiện tại thì tương lai nước ta sẽ vô cùng nghèo nàn, thiếu hụt tài nguyên và phải hứng chịu nhiều hệ lụy không mong muốn khác. Và để đạt được mục tiêu nói trên thì các bên có liên quan, đặc biệt là DN phải thay đổi nhận thức cả trong tư duy và hành động.

Bà Nguyễn Thị Thương Linh nhấn mạnh: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trung bình vùng ĐBSCL tăng liên tiếp trong giai đoạn 2015-2019. Điều đó cho thấy, lãnh đạo các địa phương trong vùng rất quan tâm đến việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án phát triển xanh, bền vững. Tuy vậy, nỗ lực của chính quyền vẫn chưa đủ, mỗi DN phải nâng cao ý thức, hướng đến phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững; duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu…

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết