Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), nhờ cam kết thúc đẩy thương mại và hội nhập toàn cầu, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những trung tâm sản xuất hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Các tập đoàn công nghệ toàn cầu như Samsung, Intel và Apple đã thiết lập, mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Một số khác cũng đang đẩy nhanh quá trình hợp tác với Việt Nam. Đây là thời cơ tốt để Việt Nam trở thành một trung tâm công nghệ cao ở châu Á và tăng cường tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngành ngân hàng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ đi tiên phong trong chuyển đổi số. Ảnh minh họa: Giao dịch tại KienLongBank chi nhánh Cần Thơ.
Nhiều cơ hội phát triển
Chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam tập trung vào 3 trụ cột chính là kinh tế số, Chính phủ số và xã hội số. Thời gian qua, cả 3 trụ cột đều có sự chuyển biến mạnh mẽ và theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, các trụ cột này hứa hẹn sẽ thay đổi nhiều khía cạnh của quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và tạo các cơ hội đi sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo Báo cáo Chỉ số Ðổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2024 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới công bố, Việt Nam tăng 2 bậc so với năm 2023 và xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế thế giới. Trong khu vực Ðông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 4, đứng sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Nền kinh tế số của Việt Nam đang có tốc độ phát triển nhanh nhất tại Ðông Nam Á. Sự tăng trưởng nhanh chóng này là nhờ vào các yếu tố như tỷ lệ sử dụng Internet cao, các chính sách ưu đãi của Chính phủ và hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, trong 14 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển. Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương… đã có nhiều quyết sách, chương trình hành động thiết thực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, xây dựng các chiến lược phát triển kinh tế số, đổi mới sáng tạo trong khởi nghiệp, chuyển đổi phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và mới đây nhất là Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050… Theo Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử (EGDI) năm 2024 của Liên Hiệp Quốc, Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam năm 2024 xếp hạng 71/193 quốc gia, tăng 15 bậc so với năm 2022.
Theo Báo cáo đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ năm 2024 của Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC - Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế số cao nhất Ðông Nam Á trong hai năm liên tiếp 2022 và 2023. Còn theo báo cáo của Google, nền kinh tế số của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 20% mỗi năm trong giai đoạn 2023-2025 và đang trên đà đạt 43 tỉ USD vào năm 2025. Vừa qua, tại Diễn đàn Chuyển đổi số ngành Công Thương, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, quy mô nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 36 tỉ USD trong năm 2024, tăng 16% so với năm 2023 và đạt mức cao nhất trong 10 năm qua. Trong đó, thương mại điện tử là trụ cột khi đóng góp 22 tỉ USD vào kinh tế số, tăng 18% so với năm 2023 và chiếm 61% quy mô kinh tế số. Tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam dự tiếp sẽ tiếp tục ổn định nhờ vào lĩnh vực sản xuất, chế biến và xuất khẩu.
Cũng theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company công bố đầu tháng 11-2024, tăng trưởng tổng giá trị hàng hóa của kinh tế số tại Việt Nam được dẫn dắt bởi thương mại điện tử. Thương mại điện tử của Việt Nam có tốc độ tăng ổn định ở mức 16-30%/năm, dự kiến sẽ đạt khoảng 63 tỉ USD vào năm 2030. Các tổ chức quốc tế cũng nhận định, Việt Nam đã có hành trình tăng trưởng ấn tượng trong vài thập kỷ qua, nhờ vào các cam kết thương mại và hội nhập toàn cầu. Và đây là thời điểm then chốt để Việt Nam tăng cường sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thông qua sự chuyển dịch sang các phân khúc có giá trị cao hơn trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ. Qua đó, tạo việc làm chất lượng hơn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, mạnh mẽ hơn, góp phần hiện thực hóa mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045.
Lan tỏa động lực phát triển
Ðể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam cần những động lực mới để thúc đẩy kinh tế số. Trong đó, ngành công nghiệp bán dẫn đóng vai trò then chốt của nền kinh tế số và đang ngày càng khẳng định vị thế quan trọng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo nhận định của các chuyên gia WB, dù đang trong giai đoạn đầu phát triển, nhưng ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đang dần khẳng định vị thế quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Năm 2023, doanh thu ngành công nghiệp bán dẫn đạt mức 20,1 tỉ USD, và Việt Nam trở thành nước xuất khẩu bán dẫn lớn thứ 3 sang Hoa Kỳ.
Theo bà Mariam J. Sherman, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, Campuchia và Lào, trong những năm gần đây, Việt Nam đã nhanh chóng nổi lên như một đối tác thương mại quan trọng trong khu vực nhờ sự ổn định chính trị, cam kết cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư. Cùng với sự ra đời của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, Việt Nam mang đến cho các nhà đầu tư khả năng tiếp cận cạnh tranh vào các thị trường toàn cầu, tăng thêm sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Trong thời gian tới, Việt Nam có tiềm năng áp dụng chiến lược trở thành trung tâm trung chuyển thương mại, định vị quốc gia như một điểm nút trung tâm trong mạng lưới thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu. Chiến lược này sẽ tận dụng năng lực công nghiệp tiên tiến, trình độ công nghệ cao và năng lực tổ chức cũng như logistics vượt trội của Việt Nam. Bên cạnh đó, cách tiếp cận này phù hợp với tham vọng của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Bà Mariam J. Sherman cho rằng bán dẫn là một ngành công nghiệp thâm dụng công nghệ và tri thức. Không phải quốc gia nào cũng có thể hiện thực hóa khao khát đạt được vị trí tiên phong về công nghệ. Vì vậy, trong trung hạn, Việt Nam có thể thúc đẩy, tận dụng liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa để thúc đẩy lan tỏa tri thức, chuyển giao và ứng dụng công nghệ, qua đó tăng năng suất cho các doanh nghiệp nội địa. Ðể đạt được mục tiêu này, cần các chính sách thúc đẩy chuyển giao tri thức đóng vai trò cốt yếu trong việc phát triển các ngành công nghiệp mà Việt Nam còn ở khá xa đường biên công nghệ, bao gồm ngành công nghiệp bán dẫn. Ðó là tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút FDI và tạo ra tác động lan tỏa; phát huy vai trò của các cơ quan xúc tiến đầu tư để tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp giàu tiềm năng của Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài mới hoặc hiện hữu; thiết lập Chương trình phát triển nhà cung cấp để nâng cao năng lực hấp thụ tri thức của các doanh nghiệp nội địa và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp FDI; phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học và kỹ sư chất lượng cao… và WB cam kết đồng hành trong chính sách phát triển của Việt Nam.
Vừa qua, trong phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng ngoài giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến năm 2025 cũng làm rõ các giải pháp, lộ trình để thực hiện mục tiêu đào tạo khoảng 50.000-100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành chip, điện tử, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các lĩnh vực mới. Ðây là cơ sở để Việt Nam thu hút các dự án FDI quy mô lớn, công nghệ cao, đồng thời nâng cao năng suất lao động, tái cấu trúc lại nền kinh tế, tạo ra các động lực tăng trưởng mới phù hợp với xu thế toàn cầu.
Ngày 21-9-2024, Thủ tướng ký Quyết định số 1017/QÐ-TTg phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2023, định hướng đến năm 2050”. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam đào tạo được ít nhất 50.000 kỹ sư, cử nhân phục vụ trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn như thiết kế, đóng gói, kiểm thử và sản xuất thiết bị vi mạch, chất bán dẫn… Chiến lược xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể là nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy hợp tác giữa Nhà nước - Nhà trường và Doanh nghiệp, thu hút nhân tài trong, ngoài nước để đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn. Ðầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, dành nguồn ngân sách phù hợp cho đầu tư trang thiết bị; huy động các nguồn lực từ xã hội tham gia; xây dựng hệ sinh thái, tạo đầu ra cho nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển… để tạo động lực phát triển mới, phù hợp.